Vết trầy ở chân tay lâu lành cảnh báo bệnh tiểu đường Leave a comment

TP HCMVết trầy ở chân lâu lành, rơi vào trạng thái nửa tỉnh nửa mê, bệnh nhân được bác sĩ Bệnh viện Tâm Anh chẩn đoán tiểu đường, biến chứng nhiễm trùng huyết.

Cuối tháng 4/2022, bà Đỗ Anh Thảo (60 tuổi, ở TP HCM) bị trầy nhẹ ở tay và cẳng chân bên phải do té ngã. Gia đình đưa bà đi siêu âm, xét nghiệm tại nhiều nơi và được kê toa thuốc về uống. Tuy nhiên, sau 6 ngày, vết trầy không giảm mà sưng, đỏ tấy vùng cánh tay và cẳng chân phải, bà Thảo không đi tiểu được và rơi vào lơ mơ. Người nhà đưa vội bà Thảo vào khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.

Bác sĩ CKI Phan Tuấn Trọng, khoa Cấp cứu cho biết, lúc nhập viện vào giữa tháng 5, người bệnh chỉ biết có bệnh nền béo phì, thoái hóa khớp gối, uống thuốc corticoid giảm đau nhiều năm… Khi thấy vết trầy xước nhiễm trùng lan rộng, bác sĩ nhận định người bệnh có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường tuýp hai nên chỉ định xét nghiệm máu, siêu âm, chụp cộng hưởng từ (MRI). Kết quả ghi nhận đường huyết tăng cao đến 19.000 (bình thường dao động từ 4.000-10.000/mm3 máu), rối loạn điện giải đồ trong máu, hạ kali, hạ natri.

Với các chỉ số này, người bệnh đã bị nhiễm trùng huyết – biến chứng nặng của tiểu đường. Nguyên nhân nhiễm trùng máu là do người bệnh có tiền căn béo phì, dùng corticoid trong thời gian dài để điều trị giảm đau khớp nên tình trạng nhiễm trùng có cơ hội bùng phát mạnh, gây viêm mô tế bào, lan rộng hết cánh tay, chân, nhiễm trùng máu. Khi vết loét hình thành, người bệnh không biết mắc tiểu đường nên không được điều trị đúng cách.

Các bác sĩ khoa Cấp cứu chỉ định truyền dịch, truyền insuline và phối hợp với bác sĩ khoa Nội tiết, Trung tâm Tim mạch để đưa ra phác đồ điều trị cá thể hóa cho bệnh nhân Thảo.

Bác sĩ CKII Võ Ngọc Cẩm, Phó khoa Hồi sức Tim mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM chia sẻ, người bệnh được cấy máu xét nghiệm, làm kháng sinh đồ và chọn ra loại kháng sinh phù hợp để điều trị. Trong thời gian chờ kết quả kháng sinh đồ, bác sĩ chỉ định dùng kháng sinh phổ rộng để kiểm soát tình trạng nhiễm trùng kịp thời. Người bệnh được truyền insuline để kiểm soát đường huyết, dùng thuốc kháng sinh điều trị vết trầy và tình trạng nhiễm trùng.

Hằng ngày, nhân viên y tế lau rửa, sát trùng vết thương. Sau một tuần điều trị tích cực, vết trầy đóng mài, dần lành lặn, các chỉ số được cải thiện rõ rệt, cụ thể: chỉ số CRP (đánh giá tình trạng viêm, nhiễm trùng) chỉ còn 99 giảm mạnh so với lúc mới nhập viện là 187, chỉ số bạch cầu giảm còn 11.000.

“Lúc mới nhập viện, người bệnh không thể ngồi được, ê nhức khắp người. Hiện bệnh nhân có thể ngồi được, đi vài bước, chúng tôi tiếp tục theo dõi vi khuẩn trong máu, siêu âm tim để đánh giá toàn diện sức khỏe”, bác sĩ Cẩm nói thêm.





Sau hơn một tuần điều trị, vết thương ở chân bệnh nhân đã đóng mài, lành lặn dần. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Sau hơn một tuần điều trị, vết thương ở chân bệnh nhân đã đóng mài, lành lặn dần. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Ông Bùi Hữu Huân (67 tuổi, TP HCM), chồng bệnh nhân Thảo, cho biết: “Cả nhà đều không biết vợ tôi bị tiểu đường. Trước lúc đến bệnh viện, bà xã tôi rơi vào trạng thái nửa tỉnh nửa mơ, nằm bất động không thể nghiêng qua nghiêng lại. Sau hơn một tuần điều trị và được chăm sóc tận tình, vợ tôi đã ngồi được, tay chân cử động đưa lên hạ xuống, tinh thần cũng có phần thoải mái hơn”.

Nhiễm trùng huyết – biến chứng tiểu đường nặng

Theo bác sĩ Trọng, nhiễm trùng huyết là tình trạng rất nghiêm trọng, do vi khuẩn, virus nấm giải phóng những độc tố vào máu gây ra tình trạng đáp ứng viêm nghiêm trọng. Tác nhân gây bệnh đã theo đường máu đi khắp cơ thể gây ra hàng loạt vấn đề ở các cơ quan nội tạng. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh sẽ gặp các biến chứng nặng về tuần hoàn, rối loạn đông máu… Nhiều trường hợp, bệnh nhân bị hạ huyết áp và bị sốc nhiễm trùng dẫn đến tử vong.

Bác sĩ Trọng chia sẻ thêm, với người bình thường, nếu bị trầy xước thì nhiễm trùng nhẹ, tự khỏi hoặc uống kháng sinh. Tuy nhiên, người bệnh tiểu đường với nồng độ đường huyết cao là môi trường lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi, lây lan. Chỉ cần một vết trầy xước nhỏ, vi khuẩn sẽ sinh sôi liên tục khiến vết thương nhiễm trùng và lâu lành. Khi mắc bệnh tiểu đường, người bệnh thường bị rối loạn thần kinh cảm giác, khó nhận biết các tổn thương ngoài da khi có vật nhọn đâm vào, gây ra tổn thương nặng hơn.

Bệnh nhân tiểu đường thường bị tổn thương mạch máu và thần kinh ngoại biên nên lưu lượng máu đến tay chân bị giảm. Do đó, dinh dưỡng và oxy không đến được vị trí tổn thương để nuôi dưỡng tế bào cũng như không tạo phản ứng miễn dịch hiệu quả.

Để phòng tránh các biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường, người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn của thầy thuốc, kiểm soát chế độ ăn uống và các bệnh lý kèm theo như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu…

Theo bác sĩ Trọng, tiểu đường là bệnh phổ biến nhưng nhiều người vẫn chưa cảnh giác và điều trị kịp thời. Bệnh phát triển âm thầm và biểu hiện với các dấu hiệu: khát nước thường xuyên, cơ thể mệt mỏi, tiểu nhiều, khô miệng, ăn nhiều nhưng vẫn nhanh đói, giảm cân hoặc tăng cân bất thường, vết trầy xước lâu lành… Do đó, ngay khi nhận thấy các dấu hiệu trên, bạn cần đi khám sức khỏe tại các bệnh viện có bác sĩ nhiều kinh nghiệm, trang thiết bị hiện đại để được tư vấn điều trị, điều chỉnh đường huyết và chế độ ăn uống phù hợp.

Nguyễn Trăm

Trả lời