Vì sao cứng khớp khi thức dậy buổi sáng? Leave a comment

Cứng khớp là một triệu chứng phổ biến, cảnh báo các bệnh lý về cơ xương khớp như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, viêm khớp vảy nến…

Thạc sĩ Trần Thị Hoài Thanh, Khoa Cơ xương khớp BVĐK Tâm Anh Hà Nội, cho biết cứng khớp, đặc biệt cứng khớp vào buổi sáng, là tình trạng phổ biến, có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào. Đây là hiện tượng cứng, khó cử động khớp vào sáng sớm, sau khi ngủ dậy. Để khớp hoạt động lại bình thường, người bệnh phải xoa bóp, duỗi các chi khớp. Tùy theo mức độ nghiêm trọng của hiện tượng cứng khớp mà quá trình này có thể kéo dài từ 15 phút đến hơn một giờ.





Cứng khớp gối vào buổi sáng có thể là dấu hiệu của viêm màng hoạt dịch. Ảnh: Shutterstock

Cứng khớp gối vào buổi sáng có thể là dấu hiệu của viêm màng hoạt dịch. Ảnh: Shutterstock

Cứng khớp có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trên cơ thể nhưng thường gặp ở các vị trí như khớp ngón tay, khớp cổ tay, khớp cổ chân, khớp khuỷu, khớp gối… Nguyên nhân gây ra tình trạng cứng khớp cũng rất đa dạng. Trong đó, 4 bệnh lý thường gặp nhất gây cứng khớp bao gồm:

Viêm khớp dạng thấp gây cứng những khớp nhỏ ngoại vi như khớp ngón tay, ngón chân. Mỗi đợt cứng khớp kéo dài từ vài tiếng đến vài ngày. Bệnh lý này thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới, trong độ tuổi từ 30 – 50.

Viêm cột sống dính khớp không chỉ gây cứng ở các khớp ngoại vi mà còn tác động đến các khớp lớn trung tâm như khớp vùng chậu, khớp háng và các đốt sống. Các cơn đau và căng cứng khớp sẽ trở nên rõ rệt hơn vào sáng sớm khi vừa thức dậy hoặc sau một thời gian dài không vận động. Tình trạng vôi hóa cầu xương giữa các đốt sống và dính khớp cùng chậu có thể làm cho cột sống mất khả năng di động.

Thoái hóa và lão hóa có thể gây cứng bất kỳ khớp nào, thường gặp ở người sau độ tuổi trung niên. Đây là tình trạng rối loạn mãn tính, xảy ra khi lớp sụn đệm bảo vệ các đầu xương bị hư hại, tổn thương do tuổi tác.

Viêm màng hoạt dịch xảy ra khi các bao hoạt dịch bị viêm, màng hoạt dịch dày lên và ngày càng phát triển nặng. Tình trạng này gây tổn thương cấu trúc sụn và xương, dẫn đến cứng khớp tại chỗ. Viêm bao hoạt dịch có thể xảy ra ở hầu hết mọi khớp nhưng phổ biến nhất ở các khớp lớn như khớp vai, khớp háng, khớp gối.

Ngoài ra, bác sĩ Hoài Thanh cho biết, cứng khớp còn có thể do thói quen sinh hoạt không khoa học như ngủ sai tư thế, ăn uống không đủ chất, ít vận động…Ngủ sai tư thế có thể làm giảm lượng máu lưu thông đến các cơ bắp, tích tụ acid lactic gây đau và cứng khớp. Chế độ ăn uống không đủ chất có thể làm yếu cấu trúc cơ khớp. Trong khi đó, thừa cân gây đè ép lên các khớp, cơ, gân và dây chằng, dẫn đến đau và cứng khớp.





Đi bộ 10.000 bước mỗi ngày hỗ trợ điều trị cứng khớp hiệu quả. Ảnh: Shutterstock

Đi bộ 10.000 bước mỗi ngày hỗ trợ điều trị cứng khớp hiệu quả. Ảnh: Shutterstock

Việc điều trị sẽ tùy vào mức độ cứng khớp. Những trường hợp cứng khớp nhẹ, khởi phát dưới 1 tuần hoặc 10 ngày, các triệu chứng chưa ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh, có thể điều trị bằng các phương pháp tại chỗ. Người bệnh có thể chườm nóng hoặc chườm lạnh lên vị trí cứng khớp để giảm nhanh triệu chứng; thực hiện các bài tập vật lý trị liệu, thể dục đơn giản như đi bộ khoảng 10.000 bước mỗi ngày, kèm theo vung tay; bổ sung các loại thực phẩm giàu omega 3, glucosamine sulfate,…

Nếu các cơn đau do cứng khớp làm suy giảm chất lượng sống của người bệnh, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc giảm đau kháng viêm. Tuy nhiên, theo bác sĩ Hoài Thanh, điểm mấu chốt trong điều trị cứng khớp là tìm ra và khắc phục nguyên nhân gây bệnh, mang lại hiệu quả tích cực và dài lâu hơn điều trị triệu chứng.

Để phòng ngừa cứng khớp, bác sĩ Hoài Thanh đề nghị người bệnh thực hiện chế độ sinh hoạt điều độ và lành mạnh. Người bệnh nên ăn uống đủ chất, bổ sung đầy đủ vitamin D và canxi, các loại axit béo không bão hòa. Đối với việc vận động, các môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, bơi lội… đã được chứng minh là có hiệu quả trong hỗ trợ điều trị cứng khớp.

Ở giai đoạn đầu, cứng khớp chưa có biểu hiện rõ rệt nên người bệnh dễ chủ quan. Tình trạng này nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến dính khớp làm mất vận động, thậm chí là tàn phế. Do đó, người bệnh nên gặp bác sĩ nếu phát hiện bất thường ở khớp.

Phi Hồng

Trả lời

1.4388