Vì sao đau đầu có liên quan đến lượng đường tiêu thụ? Leave a comment

Ăn nhiều đường gây ra tăng đường huyết ảnh hưởng đến các hormone, khiến mạch máu trong não co lại gây ra đau đầu.

Cơ thể chúng ta cần một lượng đường nhất định để hoạt động, đường khi vào cơ thể chuyển hóa thành glucose cung cấp năng lượng cho các tế bào. Nếu lượng đường trong máu quá cao hoặc quá thấp ảnh hưởng đến các hormone khiến các mạch máu trong não co lại hoặc giãn ra, dẫn đến đau đầu.

Dưới đây là một số nguyên nhân khiến đường là nguyên nhân của những cơn đau đầu.

Hạ đường huyết

Sự dao động của lượng đường gây ra những thay đổi về mức độ hormone. Các hormone epinephrine và norepinephrine ảnh hưởng đến các mạch máu, làm não giãn ra và gây đau đầu. Chứng đau nửa đầu cũng có thể được kích hoạt bởi hạ đường huyết. Đau đầu do hạ đường huyết thường được mô tả là cơn đau âm ỉ, đau nhói ở thái dương. Ngoài ra, nó còn biểu hiện với những cơn đau dữ dội và đau nhói, thường xảy ra ở một bên đầu. Những cơn đau đầu này có thể kéo dài vài giờ đến vài ngày.

Bệnh tiểu đường: người mắc bệnh tiểu đường thường có tình trạng hạ đường huyết phổ biến, thông thường một tuần người mắc tiểu đường trải qua ít nhất hai lần hạ đường huyết.

Nhịn ăn: hạ đường huyết có thể xảy ra ở những người ăn không đủ bữa, thường xuyên bỏ bữa. Khi không có đủ thức ăn để chuyển thành glucose, lượng đường trong máu sẽ giảm xuống gây ra tình trạng đau đầu.

Uống nhiều rượu: uống nhiều rượu có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Khi một người uống quá chén, quá trình giải phóng insulin của cơ thể sẽ bị ức chế. Vì insulin được sử dụng để giúp điều chỉnh lượng đường trong máu nên khi bị ức chế nó gây mất cân bằng lượng đường trong máu. Rượu cũng được chứng minh làm ức chế quá trình cơ thể tạo ra đường từ chất béo hoặc protein dự trữ của chính nó, làm giảm nồng độ hormone tăng trưởng và gây hạ đường huyết.





Đường có thể gây hạ hoặc tăng đường huyết. Ảnh: Freepik

Đường có thể gây hạ hoặc tăng đường huyết. Ảnh: Freepik

Phản ứng với thuốc: hạ đường huyết cũng xảy ra do cơ thể phản ứng với một số loại thuốc. Ở những người bị bệnh tiểu đường, các loại thuốc họ dùng giúp kiểm soát tình trạng bệnh đôi khi gây ra lượng đường trong máu thấp. Những người không mắc bệnh tiểu đường nhưng đang dùng thuốc điều trị tiểu đường cũng có thể bị hạ đường huyết.

Khối u: các khối u hiếm gặp như u tuyến tụy có thể gây ra sản xuất quá mức insulin. Vì insulin giúp giữ cho lượng đường trong máu được điều chỉnh nên nếu có quá nhiều insulin sẽ dẫn đến giảm lượng đường và gây ra hạ đường huyết.

Thiếu hụt nội tiết tố: hormone cụ thể là cortisol đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định mức độ glucose trong cơ thể. Khi nồng độ cortisol bị mất cân bằng, chúng không thể giúp ích cho các quá trình cân đối glucose. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người bị bệnh Addison (cơ thể không sản xuất bất kỳ hormone cortisol và aldosterone) có nguy cơ hạ đường huyết cao hơn bình thường.





Đường gây hạ đường huyết dẫn tới đau đầu. Ảnh: Freepik

Đường có thể gây hạ đường huyết dẫn tới đau đầu. Ảnh: Freepik

Hạ đường huyết phản ứng

Hạ đường huyết phản ứng là lượng đường trong máu xuống thấp sau khoảng 2-5 giờ kể từ khi kết thúc bữa ăn. Nguyên nhân của hạ đường huyết phản ứng là do cơ thể sản xuất quá mức insulin. Đau đầu do hạ đường huyết phản ứng cũng giống như đau đầu xảy ra trong trường hợp hạ đường huyết điển hình, nó ảnh hưởng đến cả hai bên đầu gần thái dương. Cơn đau thường âm ỉ và đau nhói.

Tăng đường huyết

Nhức đầu xảy ra khi tăng đường huyết (đường huyết lúc đói là 125 mg/dL) có xu hướng xuất hiện sớm và là dấu hiệu cho thấy lượng đường trong máu cao hơn bình thường. Không giống như hạ đường huyết, tăng đường huyết khiến các mạch máu trong não co lại, dẫn đến đau đầu. Ban đầu, chúng có xu hướng nhẹ nhưng khi lượng đường trong máu tiếp tục tăng hoặc duy trì ở mức cao, cơn đau đầu có thể trầm trọng hơn.

Ăn quá nhiều đường một lúc có thể gây ra cảm giác nôn nao. Khi cơ thể tiêu thụ quá nhiều đường hoặc carbohydrate trong một lần ngồi, tuyến tụy sẽ hoạt động mạnh để tạo ra insulin giúp phân hủy đường và điều chỉnh lượng đường trong máu. Khi điều này xảy ra, lượng đường trong máu giảm đột ngột sẽ gây ra tình trạng hạ đường huyết. Hạ đường huyết trong tình trạng này có thể gây ra các triệu chứng như đau bụng và buồn nôn, run rẩy, mệt mỏi, choáng váng, thay đổi tâm trạng và đau đầu.

Cơ thể cần đường để hoạt động bình thường nhưng tiêu thụ quá nhiều hoặc quá ít đường có thể tàn phá nhiều hệ thống trên cơ thể. Lượng đường dư thừa sẽ làm đảo lộn toàn bộ sự cân bằng của cơ thể và có thể dẫn đến những tác dụng không mong muốn như đau đầu hoặc đau nửa đầu.

Mặt khác, cắt bỏ hoàn toàn đường dường như là một lựa chọn lành mạnh để giảm cân cũng có thể gây ra một số vấn đề liên quan đến đường huyết. Do vậy, người hay bị đau đầu nên lưu ý cân bằng việc sử dụng đường trong các bữa ăn hằng ngày, lắng nghe phản ứng của cơ thể để có điều chỉnh phù hợp.

Anh Chi
(Theo VeryWellHealth)

Trả lời