Vì sao kiệt sức nhưng vẫn khó vào giấc ngủ? Leave a comment

Theo Trung y, nóng gan gây mất cân bằng âm và dương khí, khiến nhiều người bị mất ngủ, trằn trọc dù đã kiệt sức sau một ngày làm việc.

Ngủ là nhu cầu sống cơ bản, chiếm một phần ba thời gian sống. Tuy nhiên, sau một ngày làm việc mệt mỏi, cơ thể đã kiệt sức, một số người vẫn gặp khó khăn khi cố chìm vào giấc ngủ.

Theo các bác sĩ y học cổ truyền Trung Quốc, tình trạng mất ngủ đôi khi có nguồn cơn từ chức năng gan, được gọi là hiện tượng nóng gan.

“Gan tích tụ quá nhiều khí sinh ra nhiệt. Khi âm khí (khí mát, từ năng lượng ban đêm) và dương khí (khí nóng, từ năng lượng ban ngày) không cân bằng, dương khí áp đảo dẫn đến nóng gan”, tiến sĩ To Ching-san, bác sĩ y học cổ truyền tại Trường Trung y, Đại học Hong Kong, cho biết.

Ngoài mất ngủ, nóng gan còn gây ra chứng nghiến răng, bực bội, tính khí thất thường, khô miệng và mắt. Trong trường hợp nghiêm trọng, nó cũng có thể dẫn đến trầm cảm.

“Giấc ngủ rất cần thiết để gan hoạt động bình thường. Mất ngủ là triệu chứng phổ biến cho thấy gan có vấn đề, vì cơ thể bạn cần nghỉ ngơi vào ban đêm. Y học cổ truyền Trung Quốc gọi giai đoạn này là chuyển đổi từ dương sang âm”, tiến sĩ To giải thích.

Ông To cho biết gan hoạt động mạnh nhất từ 1h đêm đến 3h sáng, là cơ quan điều hòa quá trình chuyển hóa khí. Gan giống như một bộ lọc cho toàn cơ thể, chuyển đổi dương khí ban ngày thành âm khí vào ban đêm, từ đó tạo ra trạng thái cân bằng. Nếu bộ lọc này bị nhiễm bẩn hoặc tắc nghẽn, âm dương khí tràn ra ngoài, gây mất ngủ. Lý thuyết này của Trung y khá phù hợp với y học phương Tây.





Các loại thảo mộc trong y học cổ truyền Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Các loại thảo mộc trong y học cổ truyền Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Đánh giá về rối loạn giấc ngủ ở bệnh nhân gan mạn tính trên Tạp chí Bệnh lồng ngực, năm 2020, ghi nhận: “Rối loạn giấc ngủ là biểu hiện chung của bệnh gan mạn tính (CLD), có tác động đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe nói chung. 60% đến 80% bệnh nhân CLD báo cáo tình trạng giấc ngủ kém”. Các biểu hiện thường thấy là mất ngủ, ngủ trễ hơn, giảm thời gian mơ (giai đoạn ngủ REM), mắc hội chứng rối loạn chuyển động chân tay có chu kỳ và buồn ngủ quá mức vào ban ngày.

Tình trạng mất ngủ do nóng gan thường xuyên xảy ra vào những tháng mùa hè. Đây là thời điểm nóng bức, gan phải lọc tất cả nhiệt lượng cơ thể đã hấp thụ trong ngày. Theo lý giải của Trung y, yếu tố lớn góp phần vào sự mất cân bằng âm dương khí của gan trong mùa hè là lối sống và chế độ ăn uống.

“Đồ ăn chiên rán, đồ cay, cà phê, rượu và thói quen thức khuya gây ra tình trạng nóng gan. Gan hoạt động tối ưu trong khoảng thời gian từ 1h đêm đến 3 giờ sáng. Vì vậy, tốt nhất là nên đi ngủ trước 11 giờ đêm, đảm bảo cơ thể được nghỉ ngơi để gan thực hiện chức năng của mình”, tiến sĩ To nói.

Theo các chuyên gia y học cổ truyền Trung Quốc, người mắc chứng mất ngủ do nóng gan có thể sử dụng một số loại thảo mộc điều trị, bao gồm rễ cây sài hồ, rễ mẫu đơn trắng, cây Hoàng Cầm, chi Địa Hoàng, cây ngải cứu,… Bên cạnh đó, phương pháp châm cứu cũng có thể tác động vào huyệt đạo, giúp kích thích gan hồi phục sau khi bị nóng trong.

Các chuyên gia y học cổ truyền khuyến khích ăn uống lành mạnh với nguyên lý để “thực đơn hàng ngày trở thành các loại thuốc chữa bệnh tự nhiên”. Ông To đề xuất món súp đu đủ, lê và nấm trắng. Nguyên liệu bao gồm một quả đu đủ nhỏ, hai quả lê, một hộp nấm trắng, một nắm hạt mơ và 2,5l nước. Cách chế biến là thái đu đủ và lê thành các miếng nhỏ, cho vào nồi đun cùng các nguyên liệu khác ở lửa nhỏ trong vòng hai đến ba tiếng, cuối cùng nêm nếm cho vừa ăn.

Thục Linh (Theo SCMP)

Trả lời