Vì sao nhiều người sốt xuất huyết nặng Leave a comment

Sốt cao nhưng không đi khám, tự điều trị tại nhà; hoặc hết bệnh mà không tái khám, bỏ sót các dấu hiệu cảnh báo khiến nhiều ca sốt xuất huyết trở nặng.

Bác sĩ Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực (ICU), Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, cho biết có nhiều nguyên nhân khiến người mắc sốt xuất huyết trở nặng.

Đầu tiên, người dân còn thiếu kiến thức về bệnh sốt xuất huyết, nên bỏ lỡ giai đoạn điều trị sớm, thuận lợi nhất. Khi có dấu hiệu sốt cao – đặc trưng bệnh, họ không đi khám sớm mà tự điều trị tại nhà. Hoặc có người đã được bác sĩ chẩn đoán sốt xuất huyết, hẹn tái khám theo chỉ định nhưng họ không tuân thủ. Nhiều trường hợp chủ quan, nghĩ hết sốt là đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, sau giai đoạn sốt cao chính là giai đoạn nguy hiểm nhất. Đến khi có dấu hiệu nặng như li bì, chảy máu chân răng, máu cam, đau bụng nhiều… mới nhập viện thì bệnh nhân đã vào sốc.

Lúc này, người bệnh đối diện nguy cơ tử vong vì sốc sâu, tổn thương đa cơ quan như suy tim, gan, thận, xuất huyết tiêu hóa… Phần lớn người bệnh qua khỏi, song một số trường hợp diễn tiến nhanh, nặng vượt quá khả năng hồi sức của bác sĩ, bệnh nhân sẽ tử vong, bác sĩ Quang cho biết.

Ngoài ra, một người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần, với 4 chủng lưu hành (kí hiệu DEN1, DEN2, DEN3 và DEN4) của virus dengue gây bệnh. Đặc biệt, những lần mắc bệnh sau sẽ nặng hơn lần trước, do ảnh hưởng của miễn dịch chéo, gây phản ứng viêm mạnh hơn (bão cytokine). Mặc dù vậy, đa số bệnh nhân sẽ tự hồi phục, khỏi bệnh sau 5-7 ngày, nếu được phát hiện sớm. Bệnh nhân có thể điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng.

“Điều may mắn là sốt xuất huyết thường không để lại di chứng”, bác sĩ Quang nói, hôm 25/6.

Bác sĩ Phạm Mạnh Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, thông tin thêm sốt xuất huyết có thể gặp ở mọi lứa tuổi, từ nhũ nhi đến trẻ lớn, người lớn, song ít gặp ở người cao tuổi. Người có cơ địa thừa cân, béo phì, mang bệnh nền, thai phụ… có nguy cơ bệnh diễn tiến nặng, gặp nhiều biến chứng hơn.





Bác sĩ Phạm Văn Quang thăm khám cho một trẻ nhũ nhi bị sốc sốt xuất huyết. Ảnh: Thư Anh

Bác sĩ Phạm Văn Quang thăm khám cho một trẻ nhũ nhi bị sốc sốt xuất huyết. Ảnh: Thư Anh

Để tránh bệnh biến chứng nặng, các bác sĩ khuyến cáo, khi bị sốt, người dân không nên tự mua thuốc, tự điều trị. Trường hợp sốt từ 2-3 ngày trở lên nên nghĩ ngay đến sốt xuất huyết và phải đến cơ sở y tế để khám và chẩn đoán.

Đối với trẻ sốt trên 38,5 độ C (điều trị ngoại trú), dùng paracetamol 10-15mg/kg/lần, 3-4 lần/ngày, lau mát bằng nước ấm khi sốt cao. Ngoài ra, người bệnh uống nhiều nước, thức ăn lỏng dễ tiêu và tránh thức ăn màu đỏ, đen nâu (để tránh nhầm lẫn với xuất huyết).

Khi được chẩn đoán sốt xuất huyết, người bệnh phải tuân thủ lịch tái khám của bác sĩ mỗi 12 giờ hoặc hằng ngày. Lưu ý, khi bệnh nhân hết sốt càng phải theo dõi dấu hiệu bệnh sát sao hơn. Người nhà cần nắm những dấu hiệu cảnh báo của bệnh, gồm hết sốt vẫn lừ đừ, mệt mỏi, tay chân lạnh, da nổi bông, tiểu ít, đau bụng, nôn ói nhiều, chảy máu răng, rong kinh ở phụ nữ, đi tiêu phân đen… để đưa người bệnh nhập viện ngay.

Hiện bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu hay vaccine phòng ngừa, do đó, bác sĩ lưu ý người dân chủ động phòng chống dịch, bằng cách diệt muỗi vằn và loăng quăng – đường lây truyền bệnh. Bên cạnh đó, người dân cần tránh bị muỗi đốt, như ngủ trong mùng kể cả ban ngày, sử dụng kem đuổi muỗi.

Đến hết ngày 24/6, cả nước ghi nhận khoảng 77.000 ca sốt xuất huyết, tăng hơn 10.000 ca so với tuần trước, 30 trường hợp tử vong

Thư Anh

Trả lời