Vì sao phụ nữ dễ mắc bệnh tuyến giáp? Leave a comment

Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp gấp 10 lần nam giới do thay đổi nội tiết tố, có thể gây ra nhiều tình trạng nguy hiểm.

Tuyến giáp có dạng hình bướm, nằm phía trước cổ, chịu sự quản lý của tuyến yên (một tuyến nhỏ hình hạt đậu ở đáy não). Tuyến giáp sản xuất ra các hormone điều hành quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Bất kỳ sự bất thường nào của tuyến giáp cũng ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.

Bác sĩ Võ Trần Nguyên Duy, khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM chia sẻ, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp cao hơn nam giới do trải qua nhiều biến động về nội tiết tố như dậy thì, chu kỳ kinh nguyệt, mang thai, hậu sản và thời kỳ mãn kinh… Khoảng 1/8 phụ nữ sẽ bị ảnh hưởng bởi các vấn đề của tuyến giáp vào bất kỳ giai đoạn phát triển nào. Nguy cơ mắc các bệnh lý tuyến giáp ở phụ nữ cao hơn nam giới khoảng 10 lần với một số nguyên nhân phổ biến như sau:

Rối loạn tự miễn: rối loạn tuyến giáp thường được kích hoạt bởi các phản ứng tự miễn (hệ thống miễn dịch tự tấn công tế bào của chính mình). Phụ nữ thường có nguy cơ mắc tình trạng tự miễn cao hơn nam giới.

Thay đổi trong quá trình mang thai: vào ba tháng đầu của thai kỳ, hormone βhCG tăng cao. Trong khi đó hormone βhCG lại có hoạt tính giống hormone TSH (hormone kích thích tuyến giáp), kích thích tuyến giáp tiết ra hormone thyroxin (T4), gây ra tình trạng cường giáp. Điều này khiến các mẹ bầu bị nghén nặng, sụt cân, thở nhanh, rối loạn điện giải, chán ăn… Ở giai đoạn sau của thai kỳ, hormone βhCG giảm xuống, chức năng tuyến giáp sẽ trở về bình thường.

Ở phụ nữ mang thai, tuyến giáp có thể tăng kích thước, lớn hơn khoảng 10-15% so với bình thường. Phụ nữ thiếu hụt iốt có nguy cơ mắc bướu cổ trong thai kỳ cao hơn.

Trường hợp phụ nữ mắc các bệnh lý tuyến giáp cũng gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thai kỳ. Nếu suy giáp, phụ nữ có thể tăng tỷ lệ sẩy thai, lưu thai, tác động đến sự phát triển trí não của em bé. Trường hợp mẹ bị cường giáp thì trẻ dễ mắc tim bẩm sinh, thai nhi chậm phát triển, dị tật bẩm sinh, sinh non… Do đó, phụ nữ cần kiểm soát tốt bệnh tuyến giáp để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.





Người bệnh được tầm soát tuyến giáp tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Người bệnh được tầm soát tuyến giáp tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Sau khi sinh con: Theo bác sĩ Duy dẫn các nghiên cứu khác nhau cho thấy, tỷ lệ viêm tuyến giáp ở phụ nữ sau sinh cao từ 6-8%. Trong thai kỳ, dưới tác động của hormone βhCG, các bệnh lý tự miễn thường ổn định. Tuy nhiên, sau khi sinh, các bệnh lý tự miễn lại dễ dàng tái phát, gây ra tình trạng viêm giáp, cường giáp. Tình trạng này thường được phát hiện ở phụ nữ sau sinh thường xuyên mệt mỏi, lo lắng bất thường, trầm cảm, ăn không ngon, táo bón, bồn chồn, đánh trống ngực, hồi hộp, khó thở…

Thời kỳ mãn kinh: có đến 50% phụ nữ xuất hiện nhân giáp hoặc đa nhân giáp lành tính. Tình trạng này hầu hết không ảnh hưởng đến sức khỏe, tuy nhiên, nếu những người này bổ sung lượng iốt nhiều thì dễ mắc bướu giáp do đa nhân hóa độc. Phụ nữ thường nhầm lẫn các triệu chứng của rối loạn tuyến giáp với tác động của thời kỳ mãn kinh nên không đi khám bác sĩ, dẫn đến phát hiện bệnh khi các bệnh lý tuyến giáp đã trầm trọng.

Cách phòng tuyến giáp cho phụ nữ

Theo bác sĩ Duy, các bệnh lý tuyến giáp tác động lớn đến sức khỏe tổng thể và chất lượng cuộc sống, đặc biệt là chu kỳ kinh nguyệt và khả năng sinh sản. Tuy nhiên, các vấn đề về tuyến giáp chưa được chị em quan tâm nên thường phát hiện khi bệnh đã tiến triển nặng cùng các biến chứng tim mạch, cơ xương khớp…

Bác sĩ Duy khuyến cáo, phụ nữ nên tầm soát các bệnh lý tuyến giáp hàng năm, nhất là phụ nữ trên 20 tuổi để có thể phát hiện, điều trị bệnh ngay từ giai đoạn chưa có triệu chứng. Khi thấy các triệu chứng như mệt mỏi liên tục, giảm hoặc tăng cân, khó chịu, bứt rứt, khó thở… chị em nên đến khám tại các bệnh viện có chuyên khoa Nội tiết.

Mọi người nên có lối sống lành mạnh như thường xuyên tập thể dục, chế độ ăn đa dạng, đảm bảo đủ iốt, chọn thực phẩm giàu chất chống oxy hóa (dâu tây, cam, quýt, ổi…) để chống lại tình trạng viêm nhiễm, cân bằng hormone tuyến giáp. Chị em nên hạn chế dùng thực phẩm chế biến sẵn, thức uống chứa cồn, chất kích thích để ngừa bệnh lý tuyến giáp và nâng cao sức khỏe tổng thể.

Nguyễn Trăm

Trả lời