Vì sao ung thư tiêu hóa gia tăng ở người trẻ? Leave a comment

Lối sống ít vận động, thói quen ăn uống không lành mạnh khiến nguy cơ mắc ung thư tiêu hóa ở người dưới 35 tuổi gia tăng.

Theo số liệu thống kê của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IACR, thuộc WHO), năm 2020, Việt Nam có khoảng 17.900 trường hợp ung thư đường tiêu hóa.

BS.CKII Nguyễn Quốc Thái – Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, người mắc ung thư đường tiêu hóa có xu hướng trẻ hóa, nhiều trường hợp phát hiện 20-40 tuổi. Ung thư đường tiêu hóa phức tạp, khó phát hiện sớm do đường tiêu hóa là tạng rỗng, khi bệnh nhân có triệu chứng đi khám thì thường bệnh ở giai đoạn tiến triển.

Theo ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, không ít bệnh nhân trẻ tuổi phát hiện ung thư đường tiêu hóa. Chị Khánh Linh, 33 tuổi, ở TP HCM, nhập viện vì đột nhiên đau bụng kéo dài, không rõ nguyên nhân. Sau khi khám và kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán chị bị tắc ruột do khối u đại tràng, phải mổ cắt đại tràng để điều trị.

Bác sĩ Thái cho biết, có nhiều yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng phát triển ung thư của một người như: tuổi tác, giới tính, di truyền, chế độ ăn uống, lối sống… Môi trường sống ô nhiễm, chế độ và thói quen ăn uống là những yếu tố làm tăng nguy cơ bị ung thư ở nhóm đối tượng 20-40 tuổi.





Ung thư dạ dày phát hiện ở người trẻ với triệu chứng đau bụng, ợ nóng, sụt cân... Ảnh: Freepik

Ung thư dạ dày phát hiện ở người trẻ với triệu chứng đau bụng, ợ nóng, sụt cân… Ảnh: Freepik

Lý giải về thực trạng này, bác sĩ Thái cho rằng, một trong những nguyên dẫn đến ung thư đường tiêu hóa gần đây gặp nhiều ở người trẻ là do chế độ ăn uống không lành mạnh. Ngày nay, người trẻ thường ăn nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn, được bảo quản bằng muối như cá, thịt, dưa muối… gây hại cho dạ dày. Người thường xuyên ăn thịt chế biến, nướng hoặc nướng than cũng làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Ăn ít hoặc không ăn trái cây, rau củ cũng không tốt cho cơ quan tiêu hóa.

Hút thuốc lá và uống rượu là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Cụ thể, hút thuốc lá làm tăng gấp đôi tỷ lệ ung thư ở phần trên của dạ dày là phần gần với thực quản.

Lối sống ít vận động dẫn đến thừa cân và béo phì cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư ở phần trên của dạ dày. Nhiều người trẻ làm công việc văn phòng, nhiều áp lực, bận rộn nên ít có thời gian tham gia các hoạt động thể chất thường xuyên. Ít nhất 30% người trưởng thành thiếu vận động thể lực, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia lười vận động nhất thế giới năm 2021, theo Quỹ dân số Liên hợp quốc – UNFPA.

Nếu trước đây ung thư dạ dày thường phát hiện ở độ tuổi trên 60 thì hiện nay độ tuổi được khuyến cáo nên bắt đầu tầm soát ung thư thực quản, dạ dày, đại trực tràng cho các đối tượng thuộc nhóm nguy cơ trung bình là từ 40-45 tuổi.





Bệnh nhân thực hiện nội soi dạ dày tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bệnh nhân thực hiện nội soi dạ dày tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Minh Hùng – Giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, một số nghiên cứu đang thực hiện chỉ ra rằng những người trẻ trong khoảng 30-35 tuổi cũng có khả năng mắc ung thư dạ dày, do đó, tầm soát sớm giúp phát hiện kịp thời, tăng hiệu quả điều trị, giảm nguy cơ biến chứng cho người bệnh.

Bác sĩ Hùng cho biết thêm, ung thư đường tiêu hóa thường diễn tiến âm thầm, khó nhận biết, do đó không nên đợi đến khi có triệu chứng mới đi khám. Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị polyp đường tiêu hóa mà không hay biết, thậm chí ngay cả khi khối u ác tính đã ở giai đoạn một, hai cũng chưa bộc lộ triệu chứng rõ ràng. Tầm soát bằng các phương pháp chuyên sâu, hiện đại tại bệnh viện giúp chẩn đoán được sớm và chính xác loại ung thư tiêu hóa, có biện pháp điều trị kịp thời nhằm tăng tỷ lệ thành công cho người bệnh. Hiện nay, có rất nhiều phương pháp sàng lọc ung thư đường tiêu hóa được đánh giá có hiệu quả cao như nội soi đại trực tràng, nội soi thực quản dạ dày có gây tê, mê (nội soi không đau).

Nhằm giảm tình trạng ung thư dạ dày ở người trẻ, các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên ăn nhiều trái cây và rau quả tươi hơn, hạn chế các thực phẩm ướp muối và thực phẩm hun khói, đặc biệt cần bỏ thuốc lá. Mọi người cần nắm được bệnh sử của bản thân (ví dụ như nhiễm khuẩn H. pylori trước đây) và kiểm tra sàng lọc định kỳ bằng phương pháp nội soi.

Anh Chi

Trả lời