Vì sao xuất hiện tình trạng khó thở? Leave a comment

Các nguyên nhân có thể gây ra chứng khó thở là suy tim, khí phế thũng và béo phì.

Khó thở là tình trạng không thoải mái khi thở, có thể cảm thấy tức ngực hoặc không thể nhận đủ không khí. Các nguyên nhân tiềm ẩn bao gồm suy tim sung huyết, béo phì và các vấn đề về hô hấp, theo Medical News Today.

Suy tim

Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của chứng khó thở là suy tim. Khi suy tim, tim không còn có thể bơm máu cho phần còn lại của cơ thể tốt như bình thường. Vì vậy, áp lực trong tim tăng lên, có thể khiến chất lỏng trào ngược vào phổi, bụng hoặc chân.

Suy tim có thể dẫn đến mệt mỏi, khó thở, phù chân và trong một số trường hợp gây ho. Các hoạt động hàng ngày như đi bộ và leo cầu thang trở nên khó khăn hơn.

Một số dấu hiệu và triệu chứng của suy tim bao gồm: hụt hơi, ho dai dẳng hoặc thở khò khè, tích tụ chất lỏng dư thừa ở bàn chân, mắt cá chân, cẳng chân hoặc bụng. Người bệnh có thể tăng cân, chán ăn, buồn nôn, nhầm lẫn hoặc suy nghĩ kém, tăng nhịp tim hoặc tim đập nhanh. Thực tế, không có cách chữa khỏi bệnh suy tim nhưng mọi người thường có thể kiểm soát tình trạng bệnh bằng cách sử dụng thuốc, lựa chọn lối sống lành mạnh. Để điều trị chứng khó thở, bác sĩ có thể cần điều chỉnh thuốc lợi tiểu để loại bỏ chất lỏng tích tụ trong phổi và giảm áp lực nội tim.

Khí phế thũng

Khí phế thũng là một dạng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Tình trạng này làm tổn thương các túi khí trong phổi và làm cho các ống thở bị thu hẹp lại, khiến bạn khó thở hơn.

Hút thuốc lá gây ra hầu hết các trường hợp khí phế thũng. Những người mắc bệnh thường sẽ cảm thấy khó thở khi thực hiện các hoạt động thể chất. Khi khí phế thũng tiến triển, người mắc cũng có thể cảm thấy khó thở khi ngồi hoặc nằm.

Các triệu chứng chính của COPD bao gồm: ho mạn tính, khó thở khi thực hiện các hoạt động hàng ngày, nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên, môi tím, mệt mỏi, sản xuất nhiều chất nhờn, thở khò khè. Việc bỏ hút thuốc có thể ngăn không cho tổn thương trở nên tồi tệ hơn.

Các phương pháp điều trị COPD có xu hướng tập trung vào việc ngăn ngừa tổn thương và cải thiện các triệu chứng. Cụ thể, bác sĩ có thể kê thuốc làm giãn đường thở, làm giảm viêm đường thở và sản xuất chất nhầy. Người bệnh thực hiện các bài tập phục hồi chức năng phổi, có xu hướng kết hợp giáo dục, tập luyện, tư vấn dinh dưỡng. Các liệu pháp bổ sung như yoga, xoa bóp và châm cứu, có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống.





Khó thở có thể là biểu hiện của suy tim, mắc chứng ngưng thở khi ngủ. Ảnh: Freepik

Khó thở có thể là biểu hiện của suy tim, mắc chứng ngưng thở khi ngủ. Ảnh: Freepik

Béo phì

Tập thể dục thường xuyên và một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp giảm chứng khó thở. Những người thừa cân hoặc béo phì có thể khó thở khi nằm do tác động nén của trọng lượng lên bụng.

Béo phì có liên quan đến tình trạng sức khỏe bao gồm: bệnh tim, bệnh tiểu đường loại 2, một số bệnh ung thư, tăng huyết áp. Lúc này, giảm cân có thể giúp xoa dịu cơn khó thở. Cách tốt nhất để giảm cân là tập thể dục, tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng.

Để áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh bạn nên bổ sung một vài khẩu phần trái cây và rau mỗi ngày, bánh mì và ngũ cốc nguyên hạt. Bạn dung nạp chất béo lành mạnh từ các loại hạt, hạt và dầu ô liu, protein nạc từ thịt gia cầm, cá và đậu, hạn chế lượng thịt đỏ. Những người tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh thường có tỷ lệ mắc bệnh tim, tiểu đường thấp hơn.

OSA (ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ)

OSA là một chứng rối loạn giấc ngủ có thể gây khó thở khi ngủ. Một dấu hiệu phổ biến của OSA là ngáy xen kẽ với âm thanh thở hổn hển và nghẹt thở. Những người bị OSA cũng có thể ngừng thở. Các triệu chứng khác của OSA có thể bao gồm ngủ không yên, chuyển động cơ thể đột ngột, đau đầu vào buổi sáng, khó chịu, xuất hiện các vấn đề về trí nhớ.

Rối loạn lo âu

Lo lắng hoặc hoảng sợ có thể gây ra khó thở. Những cơn hoảng sợ, lo lắng có thể ập đến bất cứ lúc nào. Các triệu chứng của cơn hoảng sợ hoặc lo lắng có thể bao gồm: hụt hơi, tim đập nhanh, đổ mồ hôi, run rẩy, cảm giác nghẹn ngào, đau hoặc khó chịu ở ngực, buồn nôn, chóng mặt hoặc choáng váng, nóng lạnh đột ngột. Các phương pháp điều trị dành cho rối loạn hoảng sợ, lo lắng bao gồm: tư vấn, liệu pháp tâm lý, liệu pháp hành vi nhận thức.

Lê Nguyễn

Trả lời