Viêm bể thận gây tiểu đau, buốt Leave a comment

Tình trạng nhiễm trùng đường tiểu lan dần sang thận dẫn tới viêm bể thận, gây đau nhức, buốt hay cảm giác nóng ran khi đi tiểu.

Viêm bể thận hay còn gọi là nhiễm trùng thận xảy ra khi vi khuẩn từ đường tiểu xâm nhập vào niệu đạo, bàng quang, gây ra viêm nhiễm. Đa số nguyên nhân gây viêm bể thận là do tình trạng nhiễm trùng bàng quang lan sang đến thận, trong đó, vi khuẩn E.coli là tác nhân chính gây nên tình trạng nhiễm trùng. Tuy nhiên, bất kỳ yếu tố nhiễm trùng nào trong máu cũng có thể gây ra bệnh này.

Khi bị viêm bể thận, người bệnh có thể bị đau đi kèm với cảm giác, nóng rát, buốt hoặc khó khăn khi đi tiểu. Đó là do vi khuẩn ngược dòng từ bàng quang lên niệu quản sang đến bể thận, thận và gây viêm. Ngoài ra, người bệnh có thể xuất hiện thêm các triệu chứng bao gồm: buồn nôn và nôn, tiêu chảy, cảm giác ớn lạnh hoặc đau lưng dưới, vùng háng, nước tiểu có màu đục, thậm chí có máu…





Viêm bể thận gây ra cảm giác đau kèm nóng rát, buốt khi đi tiểu. Ảnh: Davies Urology

Viêm bể thận gây ra cảm giác đau kèm nóng rát, buốt khi đi tiểu. Ảnh: Davies Urology

Phụ nữ có có nguy cơ bị viêm bể thận cao hơn nam giới do niệu đạo có cấu tạo ngắn, âm đạo và hậu môn cũng gần niệu đạo hơn. Điều này có thể khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào thận qua đường tiết niệu. Ở trẻ em, bé trai dưới 1 tuổi có nguy cơ bị bệnh, đặc biệt là khi trẻ không được cắt bao quy đầu.

Chẩn đoán và điều trị viêm bể thận

Xét nghiệm nước tiểu là biện pháp giúp chẩn đoán bệnh. Kết quả phân tích sẽ giúp bác sĩ xác định nồng độ, số lượng vi khuẩn có trong nước tiểu của người bệnh. Có nhiều phương pháp điều trị bệnh viêm bể thận trong đó phổ biến là dùng thuốc kháng sinh, bổ sung nhiều nước hoặc phẫu thuật.

Hầu hết các biểu hiện của nhiễm trùng đều được chỉ định dùng kháng sinh và viêm bể thận cũng không ngoại lệ. Thuốc kháng sinh được kê đơn tùy thuộc vào tình trạng nhiễm trùng tại thận hoặc một vài trường hợp bệnh nhân sẽ dùng thêm thuốc giảm đau. Khi dùng thuốc kháng sinh, bệnh nhân phải uống hết cả đợt thuốc theo chỉ định từ bác sĩ. Nếu sau đó các triệu chứng không cải thiện hoặc nghiêm trọng hơn có thể phải điều trị tại bệnh viện. Khi đó, bệnh nhân sẽ được tiêm thuốc kháng sinh qua tĩnh mạch.

Người bị viêm bể thận nên uống nhiều nước để ngăn ngừa sốt và mất nước. Các khuyến nghị về lượng nước bổ sung hàng ngày tùy thuộc vào tình trạng nhiễm trùng, cần tham khảo ý kiến từ bác sĩ. Bệnh nhân bị mất quá nhiều nước có thể được truyền vào cơ thể khi nhập viện trong thời gian từ 3 đến 7 ngày.

Ở những bệnh nhân bị sỏi thận hoặc phì đại tuyến tiền liệt làm tắc nghẽn đường tiết niệu gây nhiễm trùng có thể phải điều trị bằng phẫu thuật.

Để phòng ngừa bệnh viêm bể thận, các chuyên gia khuyến cáo không nên sử dụng thuốc xịt khử mùi hoặc thụt rửa bộ phận sinh dục, không sử dụng bao cao su có thể gây kích ứng niệu đạo, không nhịn tiểu (đặc biệt sau khi quan hệ tình dục), vệ sinh sạch sẽ sau mỗi lần đi tiểu…

Bảo Bảo (Theo Verywell Health, Medical Today, WebMD)

Trả lời