Viêm gân đáng sợ như thế nào? Leave a comment

Viêm gân là một bệnh lý cơ xương khớp phổ biến, gây đau nhức, nhất là khi thay đổi tư thế, ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống của người bệnh.

Theo ThS.BS.CKI Trần Thị Thanh Tú, Khoa Cơ xương khớp, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, gân được cấu tạo bởi các sợi collagen giữ vai trò kết nối cơ và xương, giúp cho khớp hoạt động dễ dàng. Gân do màng gân hoặc màng khớp nuôi dưỡng. Mạch máu nuôi của gân rất kém, đặc biệt là vùng bám tận vào trong xương nên dễ bị tổn thương.

Viêm gân bắt nguồn từ sự thoái hóa gây thiếu máu nuôi dẫn đến bị rách vi thể. Cơ chế này đúng cho tất cả các gân trên cơ thể. Khi bị rách gân, điểm bám có dấu hiệu sưng to. Kết quả chẩn đoán hình ảnh nhìn thấy có gai xương và vôi hóa. Vôi hóa là tình trạng cơ thể bù trừ cho tổn thương trên gân bằng việc đổ canxi làm cứng khu vực đó, vô tình làm cho sợi gân không mềm dẻo, dễ rách to hơn và viêm nhiễm. Gai xương không gây đau. Người bệnh bị đau là do hậu quả của viêm điểm bám gân gót.

Viêm gân kéo dài dễ dẫn đến thoái hóa gân và khiến cho các mạch máu mới phát triển bất thường. Mạch máu phát triển bất thường gây thiểu dưỡng cho gân. Điều này lặp đi lặp lại kéo dài gây ra vòng xoắn lẩn quẩn, làm nặng thêm quá trình viêm và thoái hóa gân khiến cho gân dễ bị đứt. Người bệnh cần phải được phẫu thuật để tránh rủi ro có liên quan đến vận động do khớp không còn được giữ cố định.





Bác sĩ Thanh Tú tư vấn cho người bệnh tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình. Ảnh: BVĐK Tâm Anh.

Bác sĩ Thanh Tú tư vấn cho người bệnh tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình. Ảnh: BVĐK Tâm Anh.

Mặc dù tình trạng viêm có thể xảy ra ở bất kỳ gân nào trong cơ thể, nhưng các chuyên gia cơ xương khớp nhận thấy tần suất thường xảy ra nhất là ở vai, khuỷu tay, cổ tay, đầu gối và gót chân… Đây là các vùng thường xuyên vận động và ở vị trí dễ bị kích ứng.

Bác sĩ Thanh Tú cho biết, nguyên nhân gây viêm gân rất đa dạng, bao gồm sự hoạt động quá mức khiến gân bị quá tải, dễ chấn thương. Tình trạng này thường xuất hiện ở người có cường độ vận động cao, vận động viên. Gân bị viêm đến từ nguyên nhân thiếu máu nuôi do cơ địa, tuổi tác. Thiếu nước, thiếu chất điện giải cũng là yếu tố khiến cho gân không khỏe mạnh, dễ bị rách hay đứt. Ngoài ra, khi khớp bị vẹo do cấu tạo cơ thể hoặc chấn thương cũng khiến cho vị trí bám gân bị lệch, nên dễ viêm hơn các vị trí khác.

Để chẩn đoán viêm gân, bác sĩ thực hiện khám lâm sàng, hỏi tiền sử bệnh, thói quen sinh hoạt, cường độ vận động và thực hiện một số nghiệm pháp phù hợp. Ngoài ra, người bệnh cũng cần thực hiện một số biện pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, x-quang, chụp cộng hưởng từ (MRI) để đánh giá tình trạng gai xương, sưng tấy tại bao gân…

Điều trị viêm gân

Với viêm gân, không có phương án điều trị duy nhất, mà cần phải phối hợp nhiều phương pháp. Việc điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, tuân theo nguyên tắc từ điều trị bảo tồn cho đến can thiệp xâm lấn.

Để gân phục hồi, người bệnh được khuyến khích nghỉ ngơi, thư giãn các khớp. Nếu do nguyên nhân thoái hóa, bác sĩ sẽ chỉ định các biện pháp phục hồi chức năng. Người bệnh được hướng dẫn xử lý các vấn đề chèn ép, cọ xát, kéo giãn gân.

Trường hợp gân bị viêm do thiếu máu nuôi sẽ được giải quyết bằng các biện pháp vật lý như laser, sóng xung kích, tác động vào gân phá vỡ quá trình viêm, kích thích mọc các mạch máu, tái lập nguồn cung cấp nguyên liệu để cơ thể sửa chữa điểm bám gân và gân tự sửa chữa tổn thương.

ThS.BS.CKI Trần Thị Thanh Tú cho biết, khi gân bị viêm, bên trong sẽ xuất hiện một loại men gây phá hủy collagen, thành phần cấu tạo nên sợi gân. Do đó, bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh tập các bài kéo căng gân giúp giảm viêm. Bài tập căng gân được đánh giá là rất hiệu quả trong việc làm giảm hủy collagen, bảo vệ sợi gân tốt hơn.





Gân cổ tay là một trong những vùng rất thường xuyên bị viêm. Ảnh: Shutterstock.

Gân cổ tay là một trong những vùng rất thường xuyên bị viêm. Ảnh: Shutterstock.

Nếu việc dùng các biện pháp vật lý trị liệu, chườm lạnh không cải thiện được triệu chứng, người bệnh sẽ được chỉ định dùng một số loại thuốc điều trị qua đường uống, đường tiêm hoặc bôi ngoài da có khả năng giảm đau, giảm sưng, chống viêm như naproxen sodium, ibuprofen, aspirin, corticosteroid…

Nếu tình trạng viêm gân nghiêm trọng và dẫn đến đứt gân, hoặc các phương án điều trị bảo tồn không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để loại bỏ gai xương lắng đọng, sửa chữa tổn thương ở gân.

Bác sĩ Thanh Tú khuyến cáo, viêm gân là một trong những bệnh lý phổ biến nhưng hầu hết các trường hợp đều có thể được điều trị hiệu quả bằng cách nghỉ ngơi, giảm áp lực, vật lý trị liệu, hiếm khi phải thực hiện phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu tình trạng viêm gân không được cải thiện, người bệnh không nên trì hoãn việc điều trị để tránh các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến khả năng vận động của khớp.

Anh Thái

Trả lời