Phụ nữ vô sinh do không có kinh nguyệt vẫn có thể thụ thai bằng trứng hiến tặng hoặc thụ tinh nhân tạo.
Vô kinh là tình trạng nữ giới không có kinh dù đã qua tuổi dậy thì, chưa mang thai và chưa mãn kinh. Có hai loại vô kinh: Vô kinh nguyên phát là khi phụ nữ trẻ không có kinh lần đầu tiên vào năm 15 tuổi. Vô kinh thứ phát là khi một phụ nữ đã có chu kỳ kinh nguyệt bình thường, nhưng mất kinh từ 3 tháng trở lên.
Ngoài việc không có kinh, phụ nữ có thể có một số triệu chứng khác, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng vô kinh như: đau ở vùng xương chậu, tầm nhìn kém đi, nhức đầu, nổi mụn, rụng tóc, lông mặt mọc nhiều, tiết dịch sữa từ núm vú hay không phát triển vú (đối với vô kinh nguyên phát).
Các nguyên nhân có thể gây ra tình trạng vô kinh nguyên phát bao gồm: suy buồng trứng, các vấn đề ở hệ thần kinh trung ương hoặc tuyến yên (một tuyến trong não tạo ra các hormone liên quan đến kinh nguyệt), các vấn đề với cơ quan sinh sản. Trong nhiều trường hợp, các bác sĩ không xác định được nguyên nhân không có kinh nguyệt.
Các nguyên nhân phổ biến của vô kinh thứ phát bao gồm: mang thai, cho con bú, sử dụng biện pháp tránh thai, thời kỳ mãn kinh. Ngoài ra, thiếu dinh dưỡng, trầm cảm, tập thể dục quá sức, tăng cân đột ngột hoặc bị bệnh lý nào đó cũng có thể gây mất kinh. Phụ nữ đã cắt bỏ tử cung hoặc buồng trứng cũng sẽ ngừng kinh nguyệt.
Vô kinh vẫn có thể thụ thai
Phụ nữ bị vô kinh nguyên phát có thể vô sinh. Nếu chưa từng hành kinh thì rất có thể người phụ nữ không thể rụng trứng. Không rụng trứng thì sẽ không có trứng để thụ tinh với tinh trùng, do đó không thể mang thai. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bác sĩ có thể khắc phục tình trạng vô kinh nguyên phát và điều chỉnh khả năng rụng trứng để cải thiện khả năng sinh sản. Điều trị rụng trứng thường bao gồm việc điều chỉnh sự mất cân bằng hormone trong cơ thể bằng cách bổ sung hormone hoặc phẫu thuật để loại bỏ khối u trên các tuyến sản xuất hormone.
Vô kinh nguyên phát ảnh hưởng đến cả trẻ em và người lớn theo cách giống nhau, nhưng tình trạng này thường được chẩn đoán từ độ tuổi thiếu niên. Cả người lớn và thanh thiếu niên nếu không thể chữa khỏi vô kinh nguyên phát sẽ không bao giờ có kinh nguyệt tự nhiên và gần như chắc chắn sẽ phải dùng trứng hiến tặng để thụ thai.
Vô kinh thứ phát cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của người phụ nữ vì không rụng trứng. Có những trường hợp vô kinh thứ phát xảy ra nhưng không ảnh hưởng đến khả năng mang thai, ví dụ một số phụ nữ đang cho con bú không có kinh nhưng vẫn rụng trứng và có thể mang thai mà không có kinh.
Với các trường hợp vô kinh thứ phát, bác sĩ cũng có thể khắc phục tình trạng vô kinh thứ phát và điều trị rụng trứng bằng cách cách bổ sung hormone hoặc phẫu thuật cắt bỏ khối u trên các tuyến sản xuất hormone.
Riêng trường hợp buồng trứng đa nang hoặc suy buồng trứng gây vô kinh thứ phát, bệnh nhân cần đến bác sĩ chuyên khoa sinh sản để được hỗ trợ thụ thai bằng các phương pháp như thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm hoặc hiến noãn.
Chẩn đoán và điều trị vô kinh
Do có nhiều nguyên nhân gây ra vô kinh, có thể mất nhiều thời gian để tìm ra nguyên nhân chính xác. Sau khi cho thử thai để loại trừ nguyên nhân mang thai, bác sĩ có thể thực hiện một số loại xét nghiệm như:
Xét nghiệm máu để đo mức độ của một số hormone trong máu, bao gồm hormone kích thích nang trứng (FSH), hormone kích thích tuyến giáp, prolactin và hormone nam. Quá nhiều hoặc quá ít các hormone này có thể gây trở ngại cho chu kỳ kinh nguyệt.
Xét nghiệm hình ảnh để kiểm tra những bất thường của cơ quan sinh sản hoặc vị trí của các khối u. Các xét nghiệm bao gồm siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT) và chụp cộng hưởng từ (MRI).
Kiểm tra hormone: bác sĩ sẽ cho một loại thuốc nội tiết để gây ra kinh nguyệt khi bệnh nhân ngừng dùng thuốc. Nếu không, điều này có thể có nghĩa là bệnh nhân bị thiếu estrogen.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể nội soi tử cung hoặc sàng lọc di truyền để xác định các bất thường có thể gây ra vô kinh.
Điều trị vô kinh sẽ tập trung vào bệnh lý nền gây ra tình trạng này. Liệu pháp điều chỉnh hormone hoặc thuốc tránh thai có thể giúp bệnh nhân bắt đầu lại chu kỳ kinh nguyệt. Nếu bị rối loạn tuyến giáp hoặc tuyến yên, bệnh nhân có thể được điều trị bằng thuốc. Nếu có những bất thường về thể chất, bệnh nhân có thể cần phẫu thuật.
Nếu căng thẳng, tăng hay giảm cân hoặc trầm cảm ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, bệnh nhân có thể chỉ cần thay đổi lối sống và thói quen sinh hoạt.
Anh Ngọc (Theo WebMD)