Vượt cửa tử Covid, sản phụ lấy tên 3 bác sĩ đặt cho con Leave a comment

TP HCMVợ chồng Thu Trinh đặt tên con là Huỳnh Diệp Chung Ân, ghép theo họ tên những bác sĩ đã cứu chị từ cõi chết trở về khi mắc Covid nguy kịch vào năm ngoái.

Trong ngôi nhà nhỏ ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, đầu tháng 6, Thu Trinh 30 tuổi, vừa tất bật trông chừng cậu con trai 11 tháng tuổi vừa lau dọn nhà cửa, chuẩn bị bữa ăn. Bé Ân – con trai chị chào đời vào tháng 7/2021 – giữa thời điểm Sài Gòn trải qua làn sóng Covid đau thương chưa từng có. Cái tên của cậu bé cũng gắn liền với biến cố đặc biệt của người mẹ – khi chị là một trong hai sản phụ mắc Covid-19 nghiêm trọng, phải dùng chung máy ECMO cuối cùng của Bệnh viện Quân y 175.

“Xuất viện về nhà thì con đã hơn một tháng tuổi, hai vợ chồng nảy ra ý tưởng sao mình không đặt tên con theo tên các bác sĩ”, Trinh kể. Người mẹ biết tên một số bác sĩ, điều dưỡng tham gia điều trị cho mình ở Trung tâm Điều trị Covid-19, Bệnh viện Quân y 175 nhưng không rõ họ tên đầy đủ.

Tìm kiếm thông tin thêm, hai vợ chồng biết được các bác sĩ chính trong kíp điều trị là Vũ Đình Ân (Phó giám đốc Trung tâm điều trị Covid-19), Diệp Hồng Kháng (Trưởng Khoa Hồi sức và Điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng), Nguyễn Cảnh Chung (kíp trưởng ECMO). Thống nhất ghép tên con thành Huỳnh Diệp Chung Ân, chồng Trinh hỏi ý kiến ông nội bé, xem tên có trùng tên họ hàng nào trong nhà không. “Ông nội trả lời ngay là dù có trùng cũng đặt vì quá hay và ý nghĩa”, chị nói.

Ngoài ý nghĩa tri ân ơn cứu mạng của y bác sĩ, tên bé trai cũng được gia đình gửi gắm nhiều hy vọng. “Không cần con sau này phải làm nghề bác sĩ nhưng mong bé sẽ nên người, có tấm lòng nhân ái như các bác”, Trinh nói và cho rằng việc đặt tên này cũng là một cách để cả nhà luôn nhớ về trải nghiệm đã qua.





Vợ chồng Thu Trinh cạnh con trai. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Vợ chồng Thu Trinh cạnh con trai. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trinh phát hiện mắc Covid vào mùa hè năm ngoái, được đưa đến Bệnh viện dã chiến số 4 rồi chuyển sang Bệnh viện Hùng Vương. Vài ngày sau, chị trở dạ sinh thường bé trai nặng 2,8 kg. Em bé chào đời đã trở thành F1, được nằm lồng kiếng, đặt ở chiếc nôi cạnh giường mẹ vài phút, trước khi chuyển sang cách ly tại khoa nhi nhằm tránh lây nhiễm.

Vượt cạn thành công, song bệnh của Trinh diễn tiến nặng, lần lượt thở oxy mũi, oxy qua mask, thậm chí oxy dòng cao vẫn không đáp ứng. Chứng kiến thai phụ nằm ở giường kế bên qua đời khi chưa kịp sinh con, Trinh hoảng loạn nghĩ mình khó lòng vượt qua, sẽ vĩnh viễn không được gặp con. Điều an ủi duy nhất với người mẹ lúc này là đã sinh được con an toàn.

“Nếu em có mệnh hệ, hãy thay em nuôi con”, Trinh khi ấy nói với chồng qua điện thoại, rồi chìm vào mê man. Tỉnh lại, nhìn dòng chữ Bệnh viện Quân y 175 trên chiếc gối gác chân, Trinh không nhớ được chuyển viện từ lúc nào. Qua lời bác sĩ, cô mới biết mình vừa trải qua một hành trình sinh tử nhiều chông gai, được may mắn dùng chiếc máy ECMO cuối cùng của thành phố khi nguy kịch.

Mái tóc của Trinh được y bác sĩ cắt ngắn để thuận tiện điều trị Covid-19, nay dài trở lại. Những vết sẹo trên cổ để đặt nội khí quản thở máy, can thiệp ECMO dần mờ, nhưng ký ức của những ngày nằm viện vẫn đeo bám chị. Ám ảnh nhất là lúc mới tỉnh dậy, nhìn các nhân viên y tế kín mít trong bộ đồ bảo hộ, người phụ nữ băn khoăn tự hỏi không biết mình còn sống hay đã chết. Những ngày phải nằm bất động trong phòng hồi sức, chị tuyệt vọng, tủi thân muốn buông xuôi, không hiểu vì sao mình còn trẻ mà phải chịu tình cảnh như vậy, rồi nỗi lo không thể hồi phục đi lại. “Đã có lúc tôi đã nhủ thầm, xin lỗi chồng con vì bản thân không thể tiếp tục cố gắng”, Trinh nhớ lại.

Nhờ các y bác sĩ động viên, liên lạc về nhà để gặp chồng con, chị vực dậy tinh thần chiến đấu. Khi nhìn thấy mặt chồng qua điện thoại, chị chỉ biết khóc vì miệng đặt ống thở, không thể nói chuyện. Với anh Huỳnh Tâm, chồng Trinh, đó là cuộc gọi mà anh không bao giờ quên. Trong những tháng ngày vợ mê man, từ một người ngủ rất sâu, anh chập chờn khó thành giấc, chỉ cần điện thoại rung nhẹ trong đêm là giật mình tỉnh dậy.

Mỗi lần thấy số lạ gọi điện, anh vừa hồi hộp chờ đợi, vừa muốn “đứng tim vì lo sợ phải nghe những tin không tốt”. Nghe bác sĩ thông báo vợ cận kề cửa tử, phải can thiệp ECMO, anh tìm hiểu thông tin, biết rằng đây là phương pháp cuối cùng để cứu vợ. Anh chỉ biết cầu mong phép màu, bởi “chưa từng nghĩ căn bệnh này đáng sợ như vậy”. Người chồng động viên vợ cố gắng thắng bệnh tật để gia đình đoàn tụ, không phụ công sức y bác sĩ.

Khi Trinh qua được phòng thường, tập đi đứng, tự gọi về nhà thường xuyên, anh kể về một vài người xung quanh tử vong, không có cơ hội để tập luyện chờ ngày xuất viện, Trinh mới biết bản thân may mắn. “Lúc về nhà, biết tin nhiều người quen, hàng xóm, trẻ có, già có, qua đời trong trận dịch, tôi mới thấy việc mình sống sót là một kỳ tích”, chị nói.

Trinh chia sẻ cuộc sống của hai vợ chồng thay đổi nhiều sau biến cố lớn, “hiểu nhau hơn, biết yêu thương nhau nhiều hơn, hài lòng với hiện tại, trân trọng những điều giản đơn, không còn cãi nhau vì những chuyện vụn vặt như xưa”. Lúc trước, vợ chồng chị đặt mục tiêu kiếm được nhiều tiền để cuộc sống sung túc, đủ đầy. Giờ đây, cả hai nhận ra sức khỏe, cuộc sống bình an, vui vẻ bên gia đình, người thân mới là điều quan trọng nhất. Trở về từ cõi chết, được làm những công việc bình thường như chăm con, dọn dẹp nhà cửa là “niềm hạnh phúc không thể đo đếm” của người phụ nữ.

Trong thời gian giành giật sự sống tại viện, Trinh còn được bác sĩ “chia đôi” ECMO, chia sẻ cơ hội với chị Ngọc Hoài, một sản phụ nguy kịch khác. Sáng kiến này được các bác sĩ nỗ lực thực hiện trong bối cảnh số lượng bệnh nhân cần can thiệp ECMO rất lớn, nhưng bệnh viện chỉ ba máy ECMO. May mắn, chị Hoài cũng hồi phục khỏe mạnh, trở về với chồng con. Khi Hoài xuất viện sau đó một tháng, Trinh được bác sĩ tạo điều kiện quay lại hội ngộ. Hiện hai chị em vẫn giữ liên lạc, thường xuyên trò chuyện cùng nhau. Họ là những số phận may mắn đã sống sót qua những tháng ngày cam go, khốc liệt, đau thương và “mất mát vô cùng lớn” của TP HCM. Hàng trăm nghìn bệnh nhân Covid, hàng nghìn người tử vong trong đợt bùng phát thứ 4, hệ thống khám chữa bệnh đối mặt những thách thức lớn chưa từng có.





Bác sĩ Vũ Đình Ân bế bé Huỳnh Diệp Chung Ân, tại cuộc hội ngộ nhân dịp năm mới 2022. Ảnh: Chính Trần

Bác sĩ Vũ Đình Ân bế bé Huỳnh Diệp Chung Ân, tại cuộc hội ngộ nhân dịp năm mới 2022. Ảnh: Chính Trần

Được bệnh nhân đặt tên con từ tên mình, bác sĩ Vũ Đình Ân bày tỏ xúc động, cho rằng đây là món quà, hạnh phúc của những người làm ngành y. Bác sĩ cho rằng sự hồi phục ngoạn mục của những người như Thu Trinh là tấm gương về nghị lực vượt khó. Thành quả này tiếp thêm sức mạnh, là động lực để các y bác sĩ tiếp tục nỗ lực làm việc, điều trị những ca bệnh nặng, nguy kịch.

“Chúng tôi biết ơn các bệnh nhân”, bác sĩ Ân nói.

Lê Phương

Trả lời