WHO cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch sởi Leave a comment

Số ca nhiễm sởi đã tăng khoảng 80% trong một năm trong khi tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh giảm, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

WHO cho biết, trong tháng 1 và tháng 2, toàn cầu có hơn 17.000 ca nhiễm sởi, tăng so với 9.600 ca vào cùng kỳ năm ngoái. Catherine Russell, Giám đốc điều hành UNICEF, nói khoảng cách tiêm chủng và tình trạng mở cửa trở lại hậu đại dịch là “điều kiện hoàn hảo” để virus lây nhiễm.

“Bệnh sởi không chỉ nguy hiểm, nó còn gây chết người. Nó cũng là dấu hiệu ban đầu cho thấy chương trình tiêm chủng toàn cầu của chúng ta đang có cách biệt lớn, ảnh hưởng đến những trẻ em dễ tổn thương nhất”, bà nói.

Các chiến dịch tiêm chủng cho trẻ nhỏ bị gián đoạn trong suốt đại dịch và hệ thống y tế chưa kịp hồi phục. Đầu tháng 4, 58 chương trình vaccine tại 43 quốc gia phải hoãn lại, ảnh hưởng tới 212 triệu người, chủ yếu là trẻ em. Trong đó, 19 chương trình là tiêm phòng sởi, khiến 73 triệu trẻ gặp rủi ro lây nhiễm, nhập viện và tử vong, UNICEF và WHO cho biết. Chiến dịch tiêm vaccine thương hàn và bại liệt cũng bị đình trệ.

5 quốc gia hứng chịu dịch sởi lớn nhất trong 12 tháng qua là Somalia, Liberia, Yemen, Afghanistan và Bờ Biển Ngà. Các nước đón 5 đợt bùng phát ở giai đoạn đó.





Một bệnh nhi sởi tại Philippines. Ảnh: NY Times

Một bệnh nhi sởi tại Philippines. Ảnh: NY Times

Tháng trước, Malawi ghi nhận ca nhiễm sởi đầu tiên sau nhiều thập kỷ. Pakistan, một trong những nước vẫn còn mầm bệnh bại liệt, báo cáo ca đầu tiên sau hơn một năm.

WHO và UNICEF cho biết các nước buộc phải trở lại đà tiêm chủng, vì sởi là một loại bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh chóng qua hơi thở hoặc dịch thể bám trên bề mặt. Một khi xâm nhập niêm mạc đường hô hấp trên, virus lập tức đi vào trong máu và di chuyển khắp cơ thể.

Điều này gây ra tình trạng mẩn đỏ, thường là phát ban xung quanh đầu và cổ, sau đó lan đến khắp cơ thể. Virus có thể đe dọa tính mạng, dẫn đến viêm phổi và sưng não, viêm não.

Cứ 500 trẻ mắc bệnh sởi thì có một trẻ tử vong. Ở nhóm chưa tiêm chủng, cứ 5 trẻ nhiễm virus thì một em nhập viện. Theo các chuyên gia, trẻ dưới 5 tuổi, người trên 20 tuổi và phụ nữ mang thai bị suy yếu miễn dịch dễ chuyển nặng và tử vong sau khi mắc sởi.

Vaccine sởi đã ngăn ngừa 20 triệu ca nhiễm và 4.500 ca tử vong kể từ khi ra đời vào năm 1968. WHO cho biết để đẩy lùi hoàn toàn bệnh sởi, thế giới cần tiêm chủng cho 95% trẻ em.

Thục Linh (Theo Daily Mail)

Trả lời

2.4845