Xương cá đâm thủng dạ dày khiến mưng mủ Leave a comment

TP HCMBệnh nhân 75 tuổi đau nhói bụng, được chẩn đoán nhầm sỏi mật, gan nhiễm mỡ đến khi phát hiện xương cá đâm thủng dạ dày đã mưng mủ, phải phẫu thuật gấp.

Bệnh nhân Liễu (75 tuổi, Khánh Hòa) nhận thấy cơn đau nhói giữa đêm, theo cô mô tả là đến mức không thể thở được, đau từng cơn, rất khó chịu. Cô được các con đưa đến bệnh viện địa phương để kiểm tra. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân Liễu bị sỏi mật, gan nhiễm mỡ và kê thuốc điều trị nội khoa. Thế nhưng cơn đau không có dấu hiệu thuyên giảm. Bệnh nhân được con gái đưa đến một bệnh viện khác để kiểm tra thêm và phát hiện có dị vật trong dạ dày. Khối phù nề đã mưng mủ, chọc vào gây chảy dịch và bác sĩ chỉ định phải mổ mở để gắp ra.

Tuổi cao, lại có nhiều bệnh nền như tiểu đường, cao huyết áp… gia đình đưa cô Liễu đến Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM để tìm phương án điều trị an toàn. Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Minh Hùng (Giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi Tiêu hóa) tiến hành nội soi gây mê không đau với hệ thống Fuji 7000, phóng đại đến 140 lần để khẳng định dị vật đâm thủng dạ dày nhiều khả năng là xương cá.

“Chúng tôi thử can thiệp nhanh qua nội soi ống mềm để rút dị vật đâm thủng dạ dày cho người bệnh nhưng phương án này không thành công. Dị vật đâm quá sâu, không còn dấu tích gì để có thể lấy ra khi nội soi. Vì thế, chúng tôi cần lên phương án mổ nội soi ngay”, tiến sĩ Đỗ Minh Hùng chia sẻ.





Tiến sĩ Đỗ Minh Hùng trong một ca phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Tiến sĩ Đỗ Minh Hùng trong một ca phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân.

Các bác sĩ kiểm tra và đánh giá các bệnh nền của bệnh nhân Liễu, nguy cơ và tiên lượng cuộc phẫu thuật. Êkip phẫu thuật tiến hành mở 3 lỗ nhỏ có độ dài khoảng 5 mm, 10 mm trên thành bụng của người bệnh, tiếp cận với dạ dày. Hệ thống máy mổ nội soi Karl Storz thế hệ mới với màn hình có độ sắc nét 4K, 3D giúp hình ảnh có độ sâu, hỗ trợ bác sĩ lấy được đoạn xương cá dài khoảng 3 cm xuyên thủng thành dạ dày. Cuộc phẫu thuật diễn ra chỉ trong khoảng 15 phút. Một ngày sau, sức khỏe bệnh nhân ổn định. Ăn uống, sinh hoạt bình thường và được xuất viện để về chăm sóc tại nhà.





Chị Oanh mừng và ôm hôn mẹ trong ngày xuất viện.

Chị Oanh mừng và ôm hôn mẹ trong ngày xuất viện.

Thạc sĩ bác sĩ Võ Nhật Trường, người trực tiếp thăm khám và theo dõi bệnh nhân Liễu chia sẻ, nuốt phải dị vật cần cảnh giác trong sinh hoạt hàng ngày. Dị vật phổ biến là xương cá, tre, tăm… Khoảng 80-90% dị vật ở dạ dày sẽ thoát ra khỏi đường tiêu hóa. 10-20% có thể điều trị bảo tồn. Dưới 1% trường hợp còn lại bắt buộc can thiệp phẫu thuật. Đối với dị vật không thoát ra được, bác sĩ có thể xử lý bằng nội soi dạ dày hoặc đại trực tràng để gắp dị vật.

Bác sĩ Nhật Trường khuyến cáo, dị vật trong đường tiêu hóa có thể tạo ổ áp xe, gây chảy máu, thủng trung thất, tổn thương động mạch xung quanh thực quản và thậm chí đe dọa tính mạng. Người bệnh không ăn nhanh, không nuốt vội, không vừa ăn vừa trò chuyện, không ngậm tăm tre sau khi ăn. Người lớn tuổi nên thận trọng với các thức ăn có xương và cắt nhỏ, lọc xương… Nếu phát hiện nuốt phải dị vật cần phải đến bệnh viện gấp.

Trong tình huống không phát hiện có nuốt dị vật, nhưng có những cơn đau nhói vùng dạ dày nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được kiểm tra và can thiệp kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.

Anh Thái
(Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh)

Trả lời