Yếu liệt cơ, khó đi lại phát hiện mắc bệnh hiếm gặp Leave a comment

Bệnh nhân bị đau mỏi cơ, khó giơ cao tay chân, xuất hiện các hồng ban ngoài da… được bác sĩ chẩn đoán mắc viêm da cơ tự miễn.

Ông Trần Văn Bảo (44 tuổi, TP HCM) đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM vào cuối tháng 6 với tình trạng đau nhức nhiều khớp, yếu mỏi các cơ gần trục thân (gốc chi) ngày càng tăng, khó đứng lên ngồi xuống, xuất hiện các hồng ban sẫm màu ở các khớp ngón tay, mu bàn tay rồi lan ra mặt, ngực, vai… Bác sĩ nghi ngờ người bệnh mắc viêm da cơ tự miễn, một bệnh hiếm gặp liên quan thần kinh cơ, tỷ lệ khoảng 5-10 người trên một triệu dân.

TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức – Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, qua khai thác tiền sử, bệnh nhân cho biết trước đó có dấu hiệu mắc Covid (sốt, sổ mũi, ho…), kết quả test nhanh tại nhà hiện hai vạch mờ. Sau vài ngày, bệnh nhân tự khỏi, không xét nghiệm lại. Một tuần sau đó, bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu kể trên, được điều trị với bệnh lý viêm khớp trong 3 tuần nhưng không thuyên giảm nên đến bệnh viện Tâm Anh thăm khám.





Người bệnh viêm da cơ dễ bị yếu cơ, khó đi lại. Ảnh: Shutterstock

Người bệnh viêm da cơ dễ bị yếu cơ, khó đi lại. Ảnh: Shutterstock

Qua thăm khám, thực hiện đo điện cơ (EMG) tứ chi và các chỉ định cận lâm sàng khác như siêu âm tim, đánh giá tình trạng tổn thương gan, xét nghiệm nồng độ enzyme trong máu…, bác sĩ kết luận ông Bảo bị viêm da cơ tự miễn. Do bệnh nhân đi khám sớm, tiên lượng nhẹ, chưa có biến chứng suy hô hấp, không mắc bệnh phổi kẽ hay ung thư nên được bác sĩ điều trị bằng corticosteroid. Theo bác sĩ Minh Đức, khoảng 80% có đáp ứng với điều trị và 50% không có đáp ứng với điều trị chỉ đơn thuần với corticosteroid. Riêng chỉ định lọc huyết tương hay ức chế MD chỉ áp dụng cho các trường hợp viêm da cơ nặng có suy hô hấp.

Với mục tiêu cải thiện sức cơ, bác sĩ khuyến khích bệnh nhân giảm thiểu các hoạt động thể chất cho đến khi kiểm soát được viêm. Hiện sức khỏe của người bệnh đã cải thiện.

Nguyên nhân và dấu hiệu

Bác sĩ Minh Đức cho biết, viêm da cơ tự miễn là bệnh hiếm gặp. Bệnh phổ biến ở người da đen hơn da trắng và phụ nữ gấp đôi nam giới; thường xảy ra ở những người trên 20 tuổi, nhất là từ 45-60 tuổi. Tùy trường hợp, nếu chỉ có tổn thương ở cơ thì gọi là viêm đa cơ, nếu có thêm biểu hiện ngoài da thì gọi là viêm da cơ.

Bác sĩ Minh Đức giải thích, nguyên nhân của bệnh viêm đa cơ tự miễn là do các phản ứng tự miễn với mô cơ ở những người có mang gene dễ mẫn cảm. Các phân nhóm kháng nguyên bạch cầu của người (HLA) có liên quan đến viêm cơ làm tăng nguy cơ viêm đa cơ, viêm da cơ và bệnh phổi kẽ. Viêm da cơ di truyền theo gene, có yếu tố khởi phát là sau nhiễm siêu vi hay bị ung thư. Sự kết hợp của bệnh viêm da cơ với ung thư có thể gây khởi phát viêm cơ do kết quả của phản ứng tự miễn chống lại một kháng nguyên chung của mô cơ và khối u.

Dấu hiệu nhận biết của viêm đa cơ tự miễn thường biểu hiện đầu tiên là yếu dần các cơ, nhất là các cơ trục thân. Một số ít có các triệu chứng toàn thân (sốt cao, mệt mỏi, sút cân) hay triệu chứng phổi (ho, khó thở) cũng có thể có. Các dấu hiệu tiên lượng nặng bao gồm khó nuốt, khàn tiếng, và/hoặc yếu cơ hô hấp gây khó thở, nuốt sặc, viêm phổi, suy hô hấp thậm chí tử vong.

Yếu cơ có thể tiến triển trong vài tuần tới vài tháng. Bệnh nhân có thể khó khăn khi nâng cánh tay cao lên trên vai, leo lên bậc thang hoặc đứng lên từ vị trí ngồi. Đôi khi có triệu chứng đau cơ và teo cơ. Người bệnh có thể phải sử dụng xe lăn hoặc nằm liệt giường vì yếu cơ vùng đai chậu và đai vai. Các cơ gập cổ có thể bị ảnh hưởng nặng, làm cho bệnh nhân không thể nhấc đầu lên khỏi gối… Đau nhiều khớp hoặc viêm đa khớp, thường biểu hiện sưng, phù, và các đặc điểm khác của viêm khớp không có biến dạng khớp.





Bác sĩ Minh Đức đang khám bệnh cho người bệnh tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ Minh Đức đang khám bệnh cho người bệnh tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Một số trường hợp có biểu hiện ngoài da. Da thay đổi sẫm màu hoặc hồng ban. Nhạy cảm với ánh nắng mặt trời và loét da cũng có thể gặp. Phù quanh hốc mắt với xuất hiện ban màu đỏ tím. Ở những vùng khác, ban ngoài da có thể hơi gồ cao và mịn hoặc có vẩy…

Đôi khi, bệnh có thể làm tổn thương nội tạng. Ở những bệnh nhân có kháng thể kháng synthetase, bệnh phổi kẽ (biểu hiện bằng khó thở và ho) là biểu hiện nổi bật nhất. Ngoài ra còn có thể gặp tình trạng rối loạn nhịp tim, rối loạn chức năng tâm thất, triệu chứng tiêu hóa: đau bụng, nôn máu, phân đen và thủng ruột do thiếu máu…

“Hậu quả của bệnh viêm da cơ tương đối nặng nề. Người bệnh cần nhận biết sớm những triệu chứng để nhanh chóng đi khám, chẩn đoán và điều trị sớm nhằm ngăn ngừa biến chứng và làm chậm tiến triển của bệnh. Bệnh không có biện pháp phòng ngừa vì là tình trạng viêm tự phát thông qua cơ chế miễn dịch”, bác sĩ Minh Đức cho biết.

Tên nhân vật đã được thay đổi.

Bình An

Trả lời

2.5276