Yếu nửa người phát hiện bệnh đái tháo đường Leave a comment

TP HCMNgười đàn ông không chịu khám sức khỏe, khi yếu nửa người, rơi vào nguy kịch, nhập cấp cứu mới biết bị đái tháo đường nặng.

Ông Đặng Văn Nguyên (70 tuổi, quận Tân Phú) thường xuyên thấy mệt mỏi nhưng nghĩ do lớn tuổi. Từ trước đến nay, ông không bao giờ đi khám sức khỏe tổng quát. Hai tuần nay, ông Nguyên yếu dần nửa người bên trái, nhai nuốt khó, sụt cân, thường xuyên đau đầu, khát và uống nước liên tục. Tình trạng yếu nửa người tăng dần, gia đình vội đưa ông đến bệnh viện cấp cứu vào giữa tháng 5.

Thạc sĩ, bác sĩ Phan Thị Ngọc Lời (khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng yếu nửa người bên trái, mệt mỏi, da khô, vùng sau lưng có khối áp xe. Bác sĩ Lời chỉ định chỉ định chụp MRI, X-quang, xét nghiệm máu, phân tích nước tiểu. Kết quả ghi nhận đường huyết tăng cao 923mg/dl (mức đường huyết bình thường trước khi ăn là dưới 100mg/dl và sau khi ăn là 140mg/dl), tăng áp lực thẩm thấu máu.

Ngay lập tức, bệnh nhân được truyền insuline, bù nước điện giải. Nhờ được nhập viện cấp cứu kịp thời mà người bệnh tránh được nhiễm toan ceton (biến chứng nghiêm trọng của bệnh đái tháo đường), tránh bị hôn mê và tử vong.





Ông Nguyên được truyền dịch bù nước điện giải. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Ông Nguyên được truyền dịch bù nước điện giải. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Người nhà bệnh nhân cho biết, ông Nguyên nhất định không đi khám bệnh mặc cho mọi người khuyên nhủ. Ông ăn uống bình thường và cứ mỗi lần mệt thường uống các loại viên vitamin tổng hợp.

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Nguyễn Quỳnh Trâm (khoa Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) điều trị cho bệnh nhân chia sẻ, người bệnh không hay mắc bệnh đái tháo đường cho đến khi tình trạng yếu nửa người mỗi ngày tăng nặng, phải nhập viện cấp cứu. Bệnh đang trong giai đoạn biến chứng, đường huyết tăng cao, dẫn đến rối loạn tri giác, tăng áp lực thẩm thấu máu. Bệnh nhân được cấp cứu bù dịch và truyền insuline ngay nên tri giác và tình trạng yếu liệt được cải thiện.

Theo bác sĩ Trâm, chỉ số HbA1C (xét nghiệm phản ánh tình trạng glucose) của bệnh nhân Nguyên là 15% cho thấy bệnh nhân đã bị đái tháo đường ít nhất 3 tháng và không kiểm soát tốt. Chính vì không đi khám sức khỏe thường xuyên nên bệnh nhân Nguyên không phát hiện ra bệnh đái tháo đường để được điều chỉnh bằng thuốc và chế độ ăn uống hợp lý.ếu

Tại khoa Nội tổng hợp, người bệnh tiếp tục được truyền insuline tĩnh mạch, dưới da để điều chỉnh đường huyết. Người bệnh còn có ổ áp xe ở vùng lưng – tình trạng viêm thường gặp ở người bệnh đái tháo đường, được điều trị bằng kháng sinh. Sau 4 ngày, ông Nguyên hồi phục hoàn toàn, không để di chứng nhưng cần phải uống thuốc điều trị bệnh và điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp.

Biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường

Theo bác sĩ Quỳnh Trâm, tăng áp lực thẩm thấu máu là biến chứng cấp tính của bệnh đái tháo đường, xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ insulin gây ra rối loạn trong chuyển hóa protid, lipid và carbohydrate. Người mắc bệnh đái tháo đường tuýp một có nguy cơ tăng áp lực thẩm thấu máu cao hơn vì cơ thể không tạo ra insuline. Bệnh nhân đái tháo đường tuýp hai bị tăng áp lực thẩm thấu máu khi không theo dõi, điều trị và điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp trong thời gian dài.

Tăng áp lực thẩm thấu máu do đái tháo đường có hai rối loạn sinh hóa nguy hiểm: tăng glucose máu, nhiễm toan kèm theo các rối loạn điện giải. Nếu không có phương pháp điều trị khẩn cấp, người bệnh nguy cơ cao bị hôn mê, phù não, rối loạn tri giác, mất ý thức… thậm chí tử vong.

Bệnh nhân tăng áp lực thẩm thấu máu do đái tháo đường sẽ bị thiếu hụt dịch. Do đó, đồng thời với truyền insuline, theo dõi điện giải đồ, bác sĩ chỉ định truyền dung dịch và điện giải bị thiếu để bồi hoàn nước điện giải.

“Tăng áp lực thẩm thấu máu là tình trạng nguy hiểm, nếu không cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể tử vong. Các triệu chứng của bệnh đái tháo đường như khát nước, đói bụng liên tục, yếu dần nửa người… là dấu hiệu rõ ràng của đái tháo đường. Thế nhưng, nhiều người bệnh quá chủ quan không đi khám sức khỏe định kỳ; cho đến khi không chịu đựng được mới đi cấp cứu. Lúc này tình trạng bệnh đã nặng, đôi khi xảy ra biến chứng nguy hiểm dẫn đến điều trị khó khăn”, bác sĩ Quỳnh Trâm thông tin.

Bác sĩ Trâm khuyên, người dân nên khám sức khỏe định kỳ để phòng ngừa tăng áp lực thẩm thấu máu cũng như các biến chứng cấp của bệnh đái tháo đường. Người bệnh đái tháo đường nên thực hiện đúng theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát tốt lượng đường trong máu, có chế độ ăn uống phù hợp, thực hiện các động tác thể dục nhẹ nhàng, đi dạo bộ… hàng ngày.

Tên nhân vật đã được thay đổi

Nguyễn Trăm

Trả lời