Rối loạn nhịp tim – VnExpress Sức khỏe Leave a comment

Hồi hộp, khó thở, hụt hơi hoặc xuất hiện cảm giác đánh trống ngực,… là các biểu hiện thường gặp của rối loạn nhịp tim.

Theo ThS.Bs Nguyễn Khiêm Thao – Phó khoa Điện sinh lý & Loạn nhịp tim, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, tim thường có 4 buồng. Hai buồng tim nhỏ hơn, nằm phía trên gọi là tâm nhĩ. Hai buồng tim còn lại có kích thước lớn hơn, nằm phía dưới gọi là tâm thất. Nhịp tim bình thường được tạo ra từ một cấu trúc trong tim, nằm ở nhĩ phải gọi là nút xoang. Xung động điện được tạo ra bởi nút xoang sẽ lan truyền ra các tâm nhĩ của tim, sau đó xung động này truyền xuống thất thông qua nút nhĩ thất và các bó nhánh dẫn truyền. Những xung động điện này được phát ra bởi nút xoang và truyền đi khắp tim một cách nhịp nhàng và thành từng đợt liên tục giúp tim co bóp tạo ra những nhát đập của tim. Sự hình thành và tính chất xuất hiện nhiều nhát đập của tim tạo nên nhịp tim.

Do nhịp tim được tạo ra bởi nút xoang, nên nhịp tim bình thường cũng được gọi là nhịp xoang. Tần số nhịp xoang (số nhịp tim trong 1 phút) không cố định mà thay đổi phù hợp theo tình trạng sinh lý, hoạt động của cơ thể và điều kiện môi trường xung quanh. Do đó, nhịp xoang là nhịp phù hợp và tốt nhất của cơ thể.

Thế nào là tần số tim?

Tần số tim là số nhát đập của tim có trong một phút. ThS.BS Nguyễn Khiêm Thao cho biết người bình thường sẽ có tần số tim dao động từ 60 – 100 lần/phút. Tuy vậy, tần số tim dao động khá nhiều do chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố. Tần số tim có thể tăng hơn bình thường (dưới 100 lần/phút) sau khi ăn no, vận động, bị sốt, tình trạng cảm xúc (nóng giận, lo sợ, hồi hộp…) và thậm chí thời tiết nóng cũng làm tăng nhịp tim. Tần số tim có thể chậm hơn bình thường (trên 60 lần/phút) khi ngủ hoặc ở người có rèn luyện thể thao. Những thay đổi này được gọi là sinh lý vì tùy thuộc vào mức độ vận động, cảm xúc, tình trạng sức khỏe chung và điều kiện môi trường xung quanh.





Rối loạn nhịp tim là tình trạng cần được can thiệp kịp thời để ngăn ngừa biến chứng làm tổn thương tim. Ảnh: Shutterstock

Rối loạn nhịp tim là tình trạng cần được can thiệp kịp thời để ngăn ngừa biến chứng làm tổn thương tim. Ảnh: Shutterstock

Bạn có thể tự theo dõi tần số tim của mình bằng 3 cách:

– Bắt và đếm mạch nảy lên ở cổ tay (phía bên ngón cái), ở mặt trong cẳng tay hoặc ở cổ (cạnh góc hàm).

– Nghe tiếng tim đập bằng ống nghe, với cách này bạn cần nhân viên y tế hướng dẫn trước để thực hiện đúng.

– Đo tần số tim thông qua các thiết bị điện tử có sẵn hỗ trợ đo nhịp tim như đồng hồ, điện thoại hoặc máy đo huyết áp. Tùy vào thói quen, sự thuận tiện mà bạn có thể chọn phương pháp đo tần số tim phù hợp.

Rối loạn nhịp tim là gì?

Rối loạn nhịp là tình trạng tần số tim trở nên quá nhanh, quá chậm hoặc có ổ phát nhịp khác ngoài nút xoang làm cho nhịp tim không còn đều. Một dạng rối loạn nhịp khác do hệ thống dẫn truyền nhịp trong tim bị tổn thương khiến tim co bóp không đồng bộ, làm suy giảm chức năng tim dần hoặc giảm khả năng hoạt động của bệnh nhân.

Theo ThS.BS Nguyễn Khiêm Thao, rối loạn nhịp tim có thể hình thành từ rất nhiều nguyên nhân. Những nguyên nhân đó có thể là những bất thường hoặc bệnh lý của chính tim gây ra, hoặc do bệnh lý ở các cơ quan khác làm ảnh hưởng đến nhịp tim (ví dụ: bệnh lý tuyến giáp, suy thận gây rối loạn điện giải). Tình trạng rối loạn nhịp có thể xảy ra từng lúc thoáng qua chỉ vài phút hoặc ngắn hơn, xuất hiện thành từng đợt mà không có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào trước đó. Tuy nhiên, một số trường hợp loạn nhịp tim lại kéo dài nhiều giờ, thậm chí liên tục trong nhiều năm.

Các nguyên nhân gây loạn nhịp tim có thể là: Hoạt động của nút xoang trở nên bất thường hoặc suy yếu; có ổ phát nhịp bất thường khác ở trong tim; có đường dẫn truyền bất thường ở trong tim; hệ thống dẫn truyền bình thường của tim bị nghẽn (block); cơ tim bị tổn thương; rối loạn điện giải gây loạn nhịp; do thuốc hoặc độc chất; do bất thường của các cơ quan khác gây ảnh hưởng lên tim (ví dụ như cường giáp).

Dựa vào vị trí phát nhịp bất thường, tần số tim, nguyên nhân và đặc điểm của nhịp tim (nhanh, chậm, đều, không đều hay bỏ nhịp), rối loạn nhịp tim được phân loại thành rất nhiều dạng khác nhau như: nhịp nhanh kịch phát trên thất, cuồng nhĩ, rung nhĩ, rung thất, hội chứng suy nút xoang, block (nghẽn) dẫn truyền nhĩ thất, ngoại tâm thu nhĩ, ngoại tâm thu thất…





Hụt hơi, khó thở là những biểu hiện thường gặp của rối loạn nhịp tim. Ảnh: Shutterstock

Hụt hơi, khó thở là những biểu hiện thường gặp của rối loạn nhịp tim. Ảnh: Shutterstock

Triệu chứng

Triệu chứng của bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim rất đa dạng, với nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng. ThS.BS Nguyễn Khiêm Thao cho biết thêm, một số bệnh nhân bị rối loạn nhịp nhưng hoàn toàn không có biểu hiện nào, hoặc các biểu hiện khá mơ hồ như cảm giác không khỏe, cảm giác khó chịu ngực. Những triệu chứng thường gặp trong rối loạn nhịp gồm: hồi hộp, cảm giác đánh trống ngực hoặc tim đập mạnh, hụt hơi, khó thở, ran ngực, yếu sức…

Bên cạnh đó, các triệu chứng liên quan rối loạn nhịp cần được lưu ý đặc biệt vì có khả năng bị loạn nhịp tim nặng, bao gồm: đau ngực, vã mồ hôi, chóng mặt, hoa mắt, gần ngất hoặc ngất, mệt đừ…

Theo bác sĩ Thao, tình trạng rối loạn nhịp kéo dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí nguy hiểm tính mạng người bệnh.

Suy tim: Khi hiệu quả bơm máu bị giảm sút, tim phải làm việc nhiều hơn bình thường để bơm đủ máu nuôi cơ thể. Tình trạng gắng sức kéo dài lâu ngày khiến tim suy yếu dẫn đến suy tim.

Đột quỵ: Khi tim đập quá nhanh hoặc quá chậm, hiệu suất bơm máu của tim sẽ bị giảm sút. Lúc này, máu sẽ bị ứ đọng lại tại các buồng tim, dẫn đến hình thành các cục máu đông. Khi cục máu đông di chuyển theo dòng máu đến các động mạch não, làm tắc nghẽn hoặc vỡ động mạch gây đột quỵ.

Ngoài ra, tình trạng loạn nhịp tim có thể khiến người bệnh bị ngừng tim đột ngột, nhồi máu cơ tim…





Bệnh nhân khám tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bệnh nhân khám tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Đa phần rối loạn nhịp tim là dấu hiệu của một bệnh lý nào đó. Vì vậy, khi cảm thấy những bất thường nhịp tim, bạn cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra và xử trí kịp thời. Đặc biệt là trong những trường hợp dưới đây: tim đập nhanh hoặc chậm kèm theo cảm giác hồi hộp đánh trống ngực, chóng mặt hoặc ngất; loạn nhịp tim kèm theo khó thở, đau ở ngực, cổ, vai, cánh tay hoặc ở lưng; loạn nhịp tim sau khi sử dụng một loại thuốc nào đó; loạn nhịp tim kèm dấu hiệu sụt cân, mệt mỏi kéo dài, đánh trống ngực, đau đầu, vã mồ hôi…

“Bệnh nhân rối loạn nhịp cần tuân thủ điều trị của bác sĩ và thăm khám đúng lịch hẹn. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần thay đổi thói quen, lối sống lành mạnh như: chế độ ăn nhiều rau xanh, trái cây, cá, các loại hạt, hạn chế chất béo động vật, phủ tạng động vật, đồ chiên nướng; bỏ thuốc lá; hạn chế rượu bia, cafein, chất kích thích; ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng; duy trì cân nặng hợp lý… để hỗ trợ điều trị hiệu quả tình trạng loạn nhịp tim”, bác sĩ Thao nhấn mạnh.

Thu Hà

Trả lời