10 dấu hiệu nhận biết bệnh thận Leave a comment

Nhận biết dấu hiệu bệnh thận là học cách lắng nghe và cảm nhận cơ thể, sớm ngăn chặn sự tiến triển của bệnh thận mạn tính và nguy cơ suy thận.

Theo bác sĩ CKII Đinh Cẩm Tú, Trung tâm Tiết niệu thận học, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, bệnh thận thường không có biểu hiện cụ thể, hầu hết người bệnh phát hiện khi bệnh đã tiến triển. Do đó, việc nhận biết sớm các dấu hiệu bệnh thận có ý nghĩa rất quan trọng.

Thường cảm thấy mệt mỏi

Thận chịu trách nhiệm lọc chất độc, chất thải từ máu và tống xuất ra ngoài qua nước tiểu. Nếu thận hoạt động không tốt, chất độc có thể tích tụ lại trong cơ thể thông qua dấu hiệu phổ biến là mệt mỏi. Người có bệnh thận sẽ cảm thấy dễ tiêu hao năng lượng, yếu ớt, khó tập trung. Thận có vai trò tạo ra hormone kích thích tủy xương sản sinh hồng cầu. Do đó, khi có bệnh thận mạn sẽ gây ra tình trạng thiếu máu, dẫn đến hàm lượng oxy trong máu thấp nên không cung cấp đủ oxy đến cơ, não gây ra tình trạng mệt mỏi, uể oải.





Bệnh thận thường không có biểu hiện cụ thể, hầu hết người bệnh phát hiện khi bệnh đã tiến triển. Ảnh: Shutterstock

Bệnh thận thường không có biểu hiện cụ thể, hầu hết người bệnh phát hiện khi bệnh đã tiến triển. Ảnh: Shutterstock

Khó ngủ

Có mối liên hệ giữa chứng ngưng thở khi ngủ và bệnh thận mạn. Chứng ngưng thở khi ngủ khiến cho thận bị tổn thương một phần do cơ thể không đủ oxy trong máu. Ngược lại, suy thận mạn tính có thể gây ra chứng ngưng thở khi ngủ do thu hẹp cổ họng, cơ thể tích tụ độc tố… Theo thời gian, tình trạng này sẽ làm tổn thương các cơ quan của người bệnh và có thể dẫn đến suy thận.

Mẩn ngứa da

Mẩn ngứa xảy ra do thận không thể đào thải chất độc ra ngoài, tích tụ trong máu gây phát ban hoặc ngứa ngáy khắp người. Theo thời gian, thận của người bệnh có thể không cân bằng được các khoáng chất và chất dinh dưỡng trong cơ thể khiến da bị khô, dễ dị ứng với các tác nhân gây ngứa từ môi trường.

Phù toàn thân

Khi thận không thể loại bỏ natri, chất lỏng sẽ tích tụ trong cơ thể. Điều này dẫn đến tình trạng sưng phù bàn tay, bàn chân, mắt cá chân, chân, khuôn mặt… Đặc biệt, vùng bàn chân và mắt cá chân có thể bị sưng tấy. Tình trạng tiểu protein cũng làm phù nhiều hơn.

Chuột rút

Tình trạng chuột rút ở chân và những nơi khác có thể là dấu hiệu của chức năng thận kém. Nguyên nhân của tình trạng này là do mất cân bằng nồng độ natri, canxi, kali hoặc các chất điện giải khác làm gián đoạn hoạt động của cơ và dây thần kinh.

Khó thở

Khi có bệnh thận, cơ thể không tạo đủ hormone erythropoietin có vai trò hỗ trợ tăng sản xuất hồng cầu. Nếu không có hormone này, người bệnh có thể bị thiếu máu và cảm thấy khó thở. Một nguyên nhân khác là do sự tích tụ dịch trong mô kẽ gây khó khăn cho việc hô hấp. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, khi nằm người bệnh có thể cảm thấy như bị ngạt thở.





Bác sĩ Cẩm Tú tư vấn cho người bệnh tại Trung tâm Tiết niệu thận học. Ảnh: Anh Thái

Bác sĩ Cẩm Tú tư vấn cho người bệnh tại Trung tâm Tiết niệu thận học. Ảnh: Anh Thái

“Sương mù não”

Khi thận không làm việc hiệu quả, các chất độc có thể “đầu độc” mọi cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả não của người bệnh. Gọi là hội chứng urê huyết cao. Khi đó não không được cung cấp đủ lượng oxy cần dùng, người bệnh dễ cảm thấy chóng mặt, khó tập trung, mất trí nhớ. Thậm chí, người bệnh có thể gặp khó khăn trong việc suy nghĩ, ghi nhớ những công việc đơn giản.

Chán ăn

Bệnh thận có thể gây buồn nôn, nôn mửa và khiến cho dạ dày khó chịu. Điều đó có thể khiến người bệnh ít hứng thú với việc ăn uống. Rất nhiều trường hợp phát hiện bệnh thận khi có dấu hiệu sụt cân bất thường.

Hơi thở có mùi

Quá nhiều chất độc tích tụ trong thận có thể gây ra tình trạng nhiễm độc. Điều đó có thể làm cho hơi thở của người bệnh có mùi khó chịu. Ngoài ra, các chất độc tích tụ trong máu còn có thể ảnh hưởng đến vị giác, khiến cho người bệnh cảm thấy thức ăn có vị kim loại hoặc không ngon như thông thường.

Nước tiểu có bọt, đổi màu hoặc lẫn máu

Nước tiểu có bọt là dấu hiệu có quá nhiều chất đạm bị rò rỉ trong nước tiểu. Đó có thể do thận không còn khỏe. Lúc này nước tiểu có màu nâu hoặc màu rất nhạt. Bệnh thận cũng có thể gây ra tình trạng tiểu hồng cầu do cầu thận bị tổn thương. Tiểu máu cũng có thể đến từ nguyên nhân sỏi thận, khối u hoặc nhiễm trùng các cơ quan đường tiết niệu.





Một trong dấu hiệu thận bị tổn thương là nước tiểu có bọt, đổi màu hoặc lẫn máu. Ảnh: Shutterstock

Một trong dấu hiệu thận bị tổn thương là nước tiểu có bọt, đổi màu hoặc lẫn máu. Ảnh: Shutterstock

BS.CKII Đinh Cẩm Tú lưu ý từ những biểu hiện bệnh thận ban đầu sẽ tiến triển đến giai đoạn suy giảm chức năng thận nhanh hay chậm tùy theo thể trạng, lối sống, cách chăm sóc… Khi thận mất chức năng rất ít biểu hiện đặc thù do thận có khả năng tăng chức năng để bù lại. Đến khi người bệnh nhận biết triệu chứng, tình trạng gần như đã rất phức tạp.

“Do đó, mỗi người nên quan tâm đến sức khỏe của thận nhiều hơn bằng cách duy trì lối sống lành mạnh, hạn chế căng thẳng, tăng cường vận động. Đặc biệt, nên tầm soát chức năng thận định kỳ hoặc theo chỉ định của bác sĩ, nhất là khi có các bệnh lý đi kèm như tiểu đường, huyết áp, tim mạch…”, BS.CKII Đinh Cẩm Tú nhấn mạnh.

Anh Thái

Trả lời