11 biện pháp giảm ho khan dễ thực hiện tại nhà Leave a comment

Uống trà gừng, mật ong, súc miệng bằng nước muối, tạo ẩm cho không gian sống… có thể giúp làm dịu cơn ho tại nhà mà không cần dùng thuốc.

Các nguyên nhân phổ biến của ho khan bao gồm dị ứng, hen suyễn, nhiễm trùng và trào ngược axit. Việc điều trị thường phụ thuộc vào nguyên nhân và tình trạng ho của bạn là tái phát hay mới xảy ra. Nếu cơn ho khan của bạn nhẹ và không có biến chứng, không kèm theo sốt, đau ngực hoặc bất kỳ triệu chứng liên quan nào khác, bạn có thể khắc phục bằng các biện pháp tại nhà theo Verywellhealth.

Mật ong

Mật ong nguyên chất là một trong những phương pháp chữa ho thường được sử dụng. Mật ong có đặc tính chống viêm tự nhiên giảm kích ứng cổ họng. Tác dụng kháng khuẩn của nó cũng có thể làm dịu các bệnh nhiễm trùng nhẹ do vi khuẩn hoặc virus.

Mật ong có hiệu quả để điều trị ho cho trẻ em. Tuy nhiên, tuyệt đối không được dùng mật ong cho trẻ sơ sinh dưới một tuổi vì nguy cơ ngộ độc. Mật ong cũng ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, người có đường huyết cao cũng nên cẩn trọng khi sử dụng.

Rễ cây cam thảo

Nhấm nháp trà làm từ rễ cam thảo có tác dụng làm dịu cổ họng. Rễ cam thảo đã được sử dụng từ năm 2100 trước công nguyên và được cho là có tác dụng giảm đau, thông đờm và giảm ho.

Để pha trà, bạn ngâm hai muỗng cà phê rễ cam thảo trong 240 ml nước sôi trong 5 đến 10 phút. Mặc dù trà rễ cam thảo thường an toàn nhưng sử dụng kéo dài có thể gây tăng huyết áp và dẫn đến kinh nguyệt không đều, mệt mỏi, đau đầu, giữ nước và rối loạn cương dương.

Lá kinh giới

Kinh giới có chứa các hợp chất có nguồn gốc thực vật chống viêm (chất phytochemical), giảm ho do hen suyễn, viêm phế quản, cảm lạnh và ho gà. Để pha trà kinh giới, bạn ngâm 3-4 thìa cà phê lá kinh giới khô trong 240 ml nước nóng và nhấm nháp 3 lần mỗi ngày.

Kinh giới thường được coi là an toàn nhưng nó có thể làm chậm quá trình đông máu và làm tăng nguy cơ bầm tím và chảy máu cam ở những người đang dùng thuốc chống đông máu (làm loãng máu).

Nghệ

Củ nghệ có chứa một hợp chất gọi là curcumin có đặc tính kháng virus, kháng khuẩn và chống viêm nhẹ. Một số nhà nghiên cứu cho thấy nghệ dùng đường uống có thể làm dịu cơn ho và các triệu chứng khác của bệnh hen suyễn. Tuy nhiên, nó đã không được chứng minh có thể giúp điều trị cơn ho cấp tính. Bạn có thể mua trà nghệ uống để giảm ho.

Gừng

Gừng từ lâu đã được sử dụng để điều trị buồn nôn và đau bụng. Có bằng chứng cho thấy nó cũng có thể ngăn chặn phản xạ ho bằng cách thư giãn các cơ trơn của đường hô hấp.

Một nghiên cứu của Đại học Columbia đã báo cáo rằng gingerol, một hợp chất hóa học trong gừng tươi, có thể ngăn chặn tình trạng tăng phản ứng đường thở có thể gây ra các triệu chứng của bệnh hen suyễn – bao gồm cả ho. Bạn có thể uống trà gừng, ngậm kẹo gừng hoặc hít hơi nước có pha gừng. Tuy nhiên, tránh dùng quá nhiều gừng vì nó có thể gây đau bụng, ợ chua hoặc tiêu chảy.





Trà gừng và mật ong làm dịu cơn ho. Ảnh: Freepik

Trà gừng và mật ong làm dịu cơn ho. Ảnh: Freepik

Tỏi

Tỏi có đặc tính kháng virus, kháng khuẩn và chống viêm nhẹ. Dùng tỏi thường xuyên có tác dụng giảm huyết áp và tăng cường hệ miễn dịch. Một số nghiên cứu cho thấy, tỏi làm dịu cơn ho do cảm lạnh thông thường.

Xạ hương

Cỏ xạ hương đã được sử dụng trong y học từ lâu. Nó chứa một hợp chất thymol chống co thắt, có thể giúp thư giãn các cơ trơn của cổ họng. Khi được dùng dưới dạng trà, cỏ xạ hương có thể an toàn để sử dụng nhưng không nên thường xuyên. Bạn có thể pha trà cỏ xạ hương bằng cách pha 3 đến 4 thìa cà phê thảo mộc khô trong 240 ml nước sôi. Bạn có thể thêm mật ong để tăng lợi ích giảm ho.

Hít hơi nước

Hít hơi nước là một phương pháp giảm ho tại nhà rất quen thuộc. Hơi nước ấm có thể giúp làm ẩm các đường mũi bị khô và bị kích ứng, làm dịu cơn đau họng và giảm mức độ nghiêm trọng của cơn ho do nhiễm trùng hoặc dị ứng nhẹ.

Một số phụ gia tự nhiên như húng quế thánh (Ocimum tenuiflorum) có thể được thêm vào hơi nước để giảm ho do cảm lạnh, cảm cúm, viêm phế quản, viêm xoang, hen suyễn và dị ứng.

Khi bạn hít hơi nước hãy trùm một chiếc khăn lên đầu để hút ẩm nhiều hơn. Không đặt khuôn mặt của bạn trực tiếp vào nước sôi vì nó có thể gây bỏng nặng.

Súc miệng bằng nước muối

Bác sĩ thường khuyến nghị súc miệng bằng nước muối để giảm đau họng do cảm lạnh thông thường. Nước muối hút ẩm ra khỏi vùng bị đau để giúp giảm sưng và kích ứng. Theo một nghiên cứu năm 2019 đăng trên tạp chí Scientific Reports, súc miệng ba lần một ngày bằng nước muối làm giảm thời gian ho do cảm lạnh xuống 2,4 ngày và khàn giọng 1,7 ngày.

Tránh các thực phẩm gây ho

Bạn có thể bị ho do dị ứng thức ăn. Nếu bạn nhận thấy một số loại thực phẩm khiến bạn bị ho thì đừng ăn chúng. Nếu bạn dễ bị các triệu chứng dị ứng đường hô hấp thì nên tránh một số loại thực phẩm có nhiều histamine giúp giảm các triệu chứng, bao gồm cả ho. Chúng bao gồm rượu, thực phẩm ngâm chua, pho mát chín, động vật có vỏ, thịt hun khói, sô cô la, trái cây khô và dâu tây.

Trào ngược axit cũng có thể gây ho mạn tính. Nếu bạn bị trào ngược axit thì nên tránh thực phẩm giàu chất béo, thực phẩm có tính axit (bao gồm cà chua), sô cô la, caffeine và thực phẩm cay. Tất cả đều có thể làm trầm trọng thêm tình trạng ho của bạn.

Cải thiện môi trường sống

Bạn có thể sử dụng máy tạo độ ẩm phun sương mát nếu cơn ho có xu hướng phát triển trong thời tiết hanh khô, nhất là vào ban đêm. Máy lọc không khí có thể loại bỏ các chất gây dị ứng và kích thích khỏi không khí, bao gồm bụi, lông vũ và phấn hoa, đặc biệt hữu ích cho người bị hen suyễn. Không hút thuốc, tiếp xúc với khói thuốc lá nhằm tránh làm tăng kích ứng cổ họng.

Kim Uyên
(Theo Verywellhealth)

Trả lời