5 suy nghĩ tiêu cực người mắc tiểu đường cần tránh Leave a comment

Người mắc tiểu đường nên tránh đổ lỗi cho bản thân, tránh các suy nghĩ tiêu cực hay tuyệt vọng khi gặp khó khăn trong kiểm soát triệu chứng.

Quản lý bệnh tiểu đường cần sự kiên trì, đòi hỏi kết hợp nhiều yếu tố như ăn uống, vận động, uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Bởi việc kiểm soát đường huyết, thời gian điều trị có thể không đạt như hiệu quả mong đợi do sự tiến triển của bệnh.

Theo Everyday Health, người bị tiểu đường nếu chú ý đến sức khỏe tinh thần và cảm xúc sẽ giúp ích nhiều cho quá trình điều trị. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn gấp 2-3 lần so với người bình thường. Khoảng 25-50% những người mắc bệnh tiểu đường bị trầm cảm được chẩn đoán và điều trị.

Dưới đây là một số suy nghĩ và cảm xúc tiêu cục mà người mắc tiểu đường hay gặp phải và cần loại bỏ.

Lỗi của bản thân

Một trong những lời khuyên cho người mắc tiểu đường là nên có lối sống lành mạnh để giúp kiểm soát các triệu chứng. Khi bệnh diễn tiến theo chiều hướng xấu, người bệnh thường nghĩ do bản thân đã không tuân thủ theo khuyến cáo của bác sĩ. Nhiệm vụ của các bác sĩ là giải thích cho người bệnh hiểu được rằng, điều trị tiểu đường phải thay đổi phương pháp thường xuyên và tránh để họ rơi vào trạng thái muốn bỏ cuộc.

Bệnh tiểu đường là “án tử”

Một trong những suy nghĩ tồi tệ nhất của người mắc tiểu đường là cho rằng họ sẽ chết vì căn bệnh này. Nếu suy nghĩ tiêu cực thì người bệnh dễ dàng chấp nhận và buông bỏ các phương pháp điều trị. Một nghiên cứu được công bố vào tháng 5/2020 trên tạp chí PLoS One (Mỹ) cho thấy, nhiều người mắc bệnh tiểu đường được kiểm soát tốt, có thể sống khỏe mạnh mà tuổi thọ không bị giảm so với những người không mắc bệnh.





Người bệnh tiểu đường hay có tâm trạng tiêu cực khi phải thay đổi phương pháp điều trị. Ảnh: Freepik

Người bệnh tiểu đường có thể có những suy nghĩ tiêu cực về căn bệnh đang mắc phải. Ảnh: Freepik

Không bao giờ có phương pháp điều trị hiệu quả

Khi phương pháp cũ không đạt được hiệu quả, bác sĩ đề nghị người bệnh tiểu đường thay đổi phương pháp khác để đạt hiệu quả tốt hơn. Những lúc này, người bệnh nên cố gắng tránh suy nghĩ sẽ chẳng có phương pháp nào hiệu quả. Thay vào đó, bạn nên ghi nhớ tìm ra phương pháp điều trị bệnh tiểu đường phù hợp nhất thường trải qua thử nghiệm và sai lầm. Trong những trường hợp này, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để tìm ra kế hoạch phù hợp.

Mọi thứ đều vô vọng

Bệnh tiểu đường và trầm cảm có thể song hành với nhau. Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu điều trị tốt bệnh tiểu đường cũng giúp ích cho người bệnh về mặt tinh thần. Do vậy, khi mắc tiểu đường và tiếp tục bị chẩn đoán trầm cảm, người bệnh nên tránh suy nghĩ tất cả đều đã vô vọng mà nên lạc quan hơn.

Không ai hiểu những điều người bị tiểu đường đang trải qua

Việc điều trị bệnh tiểu đường có thể rất khó khăn, đặc biệt nếu bạn bè và gia đình người bệnh không có ai mắc bệnh tiểu đường. Trong trường hợp này người bệnh thường có cảm giác tự ti, chán nản và cho rằng không ai hiểu được cảm giác của họ. Người mắc tiểu đường cần nhắc nhở bản thân rằng có hàng triệu người mắc bệnh tiểu đường và họ có thể rơi vào cảm giác tương tự. Người bệnh nên tìm kiếm một cộng đồng người mắc bệnh tiểu đường để có thể dễ dàng chia sẻ.

Theo EverydayHealth, người bệnh tiểu đường khi gặp khó khăn về mặt cảm xúc, đừng ngần ngại nói chuyện với bác sĩ hoặc một nhà trị liệu có kinh nghiệm. Giải tỏa căng thẳng là cách tạo ra sức khỏe và động lực tiếp tục chiến đấu với căn bệnh này.

Anh Chi (Theo EverydayHealth)

Trả lời