7 bệnh dễ lây qua đường uống Leave a comment

Nguồn nước ô nhiễm, không đảm bảo vệ sinh có thể là nguyên nhân dẫn đến các bệnh như viêm gan A, tả, thương hàn, kiết lỵ.

Các bệnh lây truyền qua đường uống là bệnh do các sinh vật cực nhỏ như virus, vi khuẩn sống trong nguồn nước bị ô nhiễm. Chúng lây lan khi chủ thể uống phải nước bẩn hoặc do tiếp xúc với phân.

Mỗi năm, các bệnh lây truyền qua đường uống đã ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người, chủ yếu là những người sống không có nguồn nước an toàn, thường ở các nước đang phát triển. Theo tờ The Healthsite có 7 bệnh dễ lây truyền qua đường uống, trong đó tiêu chảy là bệnh phổ biến nhất.

Sốt thương hàn

Bệnh thương hàn phổ biến ở những vùng dân cư nghèo của các nước đang phát triển. Năm 2017, các nhà nghiên cứu ước tính có khoảng 20 triệu người trên toàn thế giới mắc căn bệnh này mỗi năm. Bệnh thương hàn dễ lây lan qua thực phẩm bị ô nhiễm, nước không an toàn, điều kiện vệ sinh kém.

Người mắc bệnh sốt thương hàn thường có các triệu chứng như sốt tăng dần, đau cơ, mệt mỏi, đổ mồ hôi, tiêu chảy hoặc táo bón. Bệnh có thể ngăn chặn được nếu mọi người thường xuyên rửa tay, chân trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Khi sống hoặc đi du lịch đến những nơi có điều kiện vệ sinh nguồn nước kém, không an toàn, bạn nên tiêm vaccine phòng bệnh thương hàn. Mọi người nên hạn chế uống nước không được đóng chai, đậy kín và không ăn thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh.





Nguồn nước bẩn là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý. Ảnh: Freepik

Nguồn nước bẩn là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý. Ảnh: Freepik

Bệnh tả

Bệnh tả thường xảy ra ở nơi có điều kiện vệ sinh kém. Bệnh tả lây lan qua nguồn nước bị ô nhiễm và gây ra tình trạng mất nước nghiêm trọng kèm theo tiêu chảy. Bệnh tả có thể gây tử vong trong vài ngày hoặc thậm chí vài giờ sau khi tiếp xúc với vi khuẩn, nhưng chỉ khoảng 1/10 người mắc mới xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm tính mạng. Các triệu chứng của bệnh tả gồm buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, chuột rút cơ bắp…

Để phòng tránh, mọi người nên rửa tay thường xuyên, ăn chín uống sôi… Ở những nơi có nguồn nước ô nhiễm, người lớn, trẻ em nên hạn chế ăn các loại rau sống; hoa quả phải được gọt vỏ, rửa kỹ.

Bệnh viêm ruột Giardia

Bệnh lây truyền khi nguồn nước bị ô nhiễm, thường là ở các ao và suối, nhưng nó cũng có thể được tìm thấy trong nguồn cung cấp nước của thị trấn, hồ bơi. Bệnh viêm ruột Giardia xảy ra do nhiễm trùng, ký sinh trùng và thường khỏi sau vài tuần. Tuy nhiên, những người từng bị viêm ruột Giardia thường gặp các vấn đề về đường ruột trong nhiều năm sau đó.

Các triệu chứng của bệnh bao gồm đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy, nôn mửa và giảm cân. Hiện nay, bệnh viêm ruột Giardia chưa có thuốc chủng ngừa. Cách phòng tránh nhiễm trùng là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, không nuốt nước khi bơi và chỉ uống nước đóng chai, nhất là những vùng được cảnh báo có tình trạng ô nhiễm nguồn nước.

Bệnh kiết lỵ

Kiết lỵ là một bệnh lây truyền qua đường nước, đặc trưng bởi tiêu chảy dữ dội, có máu hoặc chất nhầy trong phân. Bệnh kiết lỵ thường xảy ra với những người không chịu rửa tay và vệ sinh cá nhân kém. Bệnh có thể do vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng tồn tại trong thức ăn, nước uống không an toàn và do người tiếp xúc với phân. Người bị kiết lỵ nếu không cung cấp đủ nước có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Triệu chứng của kiết lỵ thường biểu hiện như đau, co thắt dạ dày, tiêu chảy, sốt, buồn nôn, nôn mửa và mất nước. Để ngăn ngừa bệnh này, mọi người nên rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, không sử dụng nước đá ở các hàng quán, không ăn thức ăn bán hàng rong không đảm bảo vệ sinh, ăn trái cây gọt vỏ, uống nước đóng chai ở những nơi có nguy cơ mắc bệnh kiết lỵ cao.

Nhiễm khuẩn E. coli

E. coli là một loại vi khuẩn có nhiều chủng khác nhau, một số nguy hiểm nhưng một số có lợi. Ví dụ, vi khuẩn E. coli có ích trong việc tạo ra một đường ruột khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu chất thải động vật ở trong đất nông nghiệp nơi trồng trọt rau, củ quả hoặc nếu các chủng vi khuẩn E. coli lây lan trong quá trình chế biến thịt bò xay… thì những người tiêu thụ các thực phẩm này có thể gặp phải các triệu chứng nhiễm khuẩn E.coli.

Các triệu chứng của các chủng vi khuẩn E. coli nguy hiểm tương tự như bệnh kiết lỵ và các bệnh lây truyền qua đường nước khác. Hầu hết các đợt nhiễm khuẩn E.coli đều diễn ra trong vòng một tuần, nhưng người lớn tuổi và trẻ nhỏ có nhiều khả năng phát triển các triệu chứng nặng hơn.

Để tránh nguy cơ nhiễm vi khuẩn E.coli, mọi người nên tránh nguồn nước có thể bị ô nhiễm bởi phân người, phân động vật (như ao, sông và đầm lầy). Đối với thịt bò xay, mọi người nên nấu chín kỹ, rửa sạch trái cây, rau quả, rửa tay thường xuyên và chỉ uống nước an toàn.

Viêm gan A

Viêm gan A là bệnh nhiễm trùng gan do tiêu thụ thức ăn và nước bị ô nhiễm hoặc do tiếp xúc gần với người bị nhiễm trùng. Viêm gan A chủ yếu lây qua đường phân – miệng. Những người thường xuyên đi du lịch ở các nước đang phát triển hoặc làm việc trong các cộng đồng nông thôn với điều kiện vệ sinh kém là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh.

Người mắc viêm gan A thường có các triệu chứng như mệt mỏi, đi tiêu màu đất sét, vàng da, buồn nôn và ói mửa, đau bụng. Nhiễm trùng do virus viêm gan A thường biến mất sau vài tuần,nhưng có thể trở nên nghiêm trọng và kéo dài vài tháng. Cách tốt nhất để ngăn ngừa viêm gan A là tiêm vaccine. Lưu ý chỉ nên ăn thức ăn được nấu chín, uống nước sạch..

Nhiễm khuẩn salmonella

Hầu hết các trường hợp nhiễm khuẩn salmonella do ăn phải thức ăn hoặc nước bị nhiễm phân. Thịt chưa nấu chín, các sản phẩm trứng hồng đào, trái cây và rau quả cũng có thể mang vi khuẩn salmonella. Hầu hết mọi người khi nhiễm khuẩn salmonella không phát triển các biến chứng. Trẻ em, phụ nữ mang thai, người lớn tuổi và những người có hệ thống miễn dịch suy yếu có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.

Nhiễm khuẩn salmonella khiến người bệnh gặp phải các triệu chứng đi ngoài ra máu, ớn lạnh, đau đầu, tiêu chảy. Ăn uống hợp vệ sinh, chế biến thức ăn chín, nấu kỹ, rửa tay thường xuyên là những cách giúp hạn chế nhiễm khuẩn salmonella.

Anh Chi
(Theo News Medical, The Healhsite)

Trả lời