Bác sĩ ‘giải độc’ – VnExpress Sức khỏe Leave a comment

TP HCMBác sĩ Doãn Uyên Vy, 46 tuổi, được nhiều bệnh nhân tìm tới khi đã đi khám nhiều chuyên khoa nhưng không tìm ra căn nguyên gây bệnh, trị không khỏi.

Người đàn ông gần 40 tuổi vàng da, nôn ói, yếu tay chân, suy kiệt, đi nhiều bệnh viện trong nước cũng như sang Singapore vẫn không biết chính xác bệnh. Các bác sĩ nội khoa tại một bệnh viện nhận thấy mỗi lần bệnh nhân xuất viện về nhà là tình trạng nặng hơn, nghi ngờ trúng độc, cho xét nghiệm kim loại nặng ra kết quả nhiễm độc thạch tín. Nếu không tìm được căn nguyên, điều trị khỏi anh vẫn có thể bị nhiễm độc trở lại. Xác định đây là một ca bệnh khó, ê kíp mời bác sĩ Doãn Uyên Vy, chuyên gia về độc chất của Bệnh viện Chợ Rẫy hội chẩn.

Bác sĩ Vy trò chuyện với bệnh nhân về những nguồn có thể gây nhiễm độc trong môi trường sống, thói quen ăn uống, sử dụng thuốc đông y… nhưng không phát hiện bất thường. Hỏi sâu về nghề nghiệp, anh cho biết kinh doanh nhà xây sẵn 10 năm nay, một năm bán khoảng 20 căn. Mỗi lần chuẩn bị bán căn nào anh lại mua bột phong thủy về xông nhà để cầu may mắn, vượng khí.

“Điều anh ấy không ngờ là trong thuốc xông có thạch tín khiến bị nhiễm độc. Việc phát hiện chính xác nguyên nhân không chỉ giúp anh điều trị khỏi bệnh, mà từ đó cắt đứt nguồn độc để phòng nguy cơ tái mắc bệnh”, bác sĩ Vy cho biết.

Hơn 20 năm qua, hàng nghìn bệnh nhân như vậy đã được bác sĩ Vy tìm ra bệnh, giải độc, tránh được nguồn độc. Tình yêu với chuyên ngành ít người biết đến, chưa có đào tạo chuyên khoa, được khơi nguồn từ khi chị còn rất nhỏ.

Là con gái của giáo sư chuyên về nhiễm độc học, dạy môn giải phẫu bệnh, pháp y ở trường Đại học Y khoa Sài Gòn (nay là Đại học Y dược TP HCM), Vy rất hứng thú với công việc nghiên cứu của cha về độc chất. Ông thường đem về nhà rất nhiều thuốc đông y để nghiên cứu, tìm hiểu xem vị thuốc nào có chất độc. “Bố bảo chuyên ngành này rất hay, nếu làm tốt sẽ giúp ích bệnh nhân vì rất nhiều người nhiễm độc mà không hay biết, không tìm ra bệnh để chữa”, chị kể.

Những năm là sinh viên y khoa, mỗi lần thực tập bệnh viện, Vy luôn dành quan tâm đặc biệt cho những ca bệnh ngộ độc. Trường không dạy nhiều, chị tham khảo các kiến thức từ bố và tự đọc sách tìm tòi thêm. Luận văn tốt nghiệp đại học, chị thực hiện đề tài về ngộ độc thuốc rầy phospho hữu cơ. Ra trường, hồ sơ xin về làm tại Bệnh viện Chợ Rẫy của chị là đề án thành lập trung tâm chống độc.





Bác sĩ Vy thăm khám cho bệnh nhân tại Phòng khám Chống độc. Ảnh: An Mỹ

Bác sĩ Vy thăm khám cho bệnh nhân tại Phòng khám Chống độc. Ảnh: An Mỹ

Mong muốn được học hỏi, trau dồi kiến thức, mở mang tầm nhìn, quan sát cách mọi người làm việc ở những nước có các trung tâm chống độc (Poison Control Center – PCC) phát triển, chị xin học bổng sang Đài Loan (Trung Quốc) và Mỹ học tập. Các trung tâm này rất chú trọng việc phòng chống ngộ độc, nhiễm độc, ngăn ngừa hậu quả. Họ thường có đội ngũ đến cộng đồng, các nhà máy, xí nghiệp, trường học, tổ chức các hoạt động tuyên truyền để mọi người hiểu, từ đó tránh rơi vào tình huống ngộ độc.

“Hoạt động phòng chống là quan trọng vì bệnh nhiễm độc khi đã có biểu hiện ra bệnh thì đã trễ và rất khó điều trị do cơ thể bị độc chất tàn phá tổn thương dần dần thầm lặng qua năm tháng trước đó”, bác sĩ Vy phân tích.

Về nước, chị bày tỏ mong muốn thành lập một trung tâm chống độc giống như nước ngoài, đặt tại bệnh viện nhưng phục vụ toàn miền Nam, nhằm giúp giảm tỷ lệ tử vong, tỷ lệ biến chứng do ngộ độc và bệnh nhiễm độc gây ra. Được sự đồng tình của bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, Phòng khám Chống độc của bệnh viện đi vào hoạt động từ cuối năm ngoái. Theo bác sĩ Thức, việc lập phòng khám chống độc đầu tiên khu vực phía Nam là nền tảng tiến tới thành lập Trung tâm Chống độc của bệnh viện.

Đến nay, phòng khám đã tiếp nhận hàng trăm người với nhiều loại nhiễm độc khác nhau như tiếp xúc hóa chất trong công việc nghề nghiệp, thói quen trong cuộc sống hàng ngày, nhiễm độc kim loại do thuốc đông y, thuốc gia truyền… “Mỗi ca bệnh nhiễm độc là một tình huống khác nhau, rất đa dạng”, bác sĩ Vy nói.

Ngay cả những thực phẩm ăn uống, đồ dùng thường ngày cũng có nguy cơ gây ngộ độc. Chẳng hạn, có người phải vào cấp cứu, chạy thận nhân tạo sau khi uống nhiều nước ép khế, bởi khế có acid oxalic, khi uống nhiều sẽ kết hợp canxi tạo sỏi, làm tắc ống sỏi dẫn đến suy thận cấp.

Đau lòng hơn, bác sĩ Vy từng chứng kiến người phụ nữ ung thư máu qua đời sau ba năm về nhà chồng. Bệnh nhân vốn có cơ địa nhạy cảm với mùi thơm, phòng ngủ lại gần bàn thờ – nơi mẹ chồng thường có thói quen đốt hai bó nhang trong nhà từ sáng đến tối (khoảng 120 cây). Trong khi đó, nhang chứa nhiều thành phần độc hại như benzene – chất gây ung thư khi tiếp xúc lâu dài. Hơi benzen có thể tồn tại bay trong không khí xung quanh hơn 8 giờ. Người hít phải hơi này 24/24h và kéo dài vài tháng đến vài năm sẽ dễ diễn tiến rối loạn sinh tủy, nặng hơn thành ung thư máu.

Bệnh nhiễm độc thường biểu hiện dưới dạng bệnh nội khoa mạn tính, tổn thương tại một cơ quan hay nhiều cơ quan cùng lúc, có thể tái phát nhiều lần mà không tìm ra nguyên nhân, không chẩn đoán chính xác căn bệnh. Bệnh nhân có thể vào khám bất kỳ chuyên khoa nào, trong đó phổ biến là huyết học, tiêu hóa, cơ xương khớp, tim mạch hô hấp với các triệu chứng như rối loạn tiêu hóa, viêm dạ dày, rối loạn nhịp tim, vàng da, ho dai dẳng, viêm phổi mô kẽ… Đặc biệt, rất nhiều người nhiễm độc vì sử dụng thuốc đông y dài ngày trị bệnh xương khớp.





Bàn tay xù xì, bong tróc của một người bệnh bị nhiễm độc sau thời gian dài uống nhiều loại thuốc đông y để tăng cường sinh lực và chữa viêm gan. Ảnh: An Mỹ

Bàn tay xù xì, bong tróc của một người bệnh bị nhiễm độc sau thời gian dài uống nhiều loại thuốc Đông y để tăng cường sinh lực và chữa viêm gan. Ảnh: An Mỹ

Chuyên ngành này đòi hỏi bác sĩ không chỉ đọc sách y khoa mà còn phải nghiên cứu sách hóa học, vật lý, sinh học để biết chất độc đó có công thức gì, tác động sức khỏe ra sao, gây triệu chứng gì ở bệnh nhân. Có những ca bệnh, bác sĩ Vy chỉ tốn một vài phút có thể chẩn đoán ra bệnh. Có những trường hợp khó, chị phải nghiên cứu, tìm hiểu vài ngày mới tìm ra bệnh nhân nhiễm độc loại chất nào. Chẳng hạn, với nhóm 35 học sinh bị nhiễm độc do đồ chơi slime ở Hòa Vang, Đà Nẵng hồi năm ngoái, bác sĩ mất 4 ngày tìm đọc, phân tích tài liệu, và tham khảo ý kiến của các chuyên gia nước ngoài mới tìm ra nguyên nhân là các khí độc gây ngạt. Từ kết quả này, mọi người biết chính xác nguồn gốc để phòng tránh nhiễm độc cho trẻ về sau.

“Nhiều người vẫn cho rằng chẩn đoán ngộ độc phải căn cứ vào xét nghiệm. Quan điểm này là không đúng. Độc chất có đến hàng triệu loại, đâu có máy xét nghiệm có thể nào phát hiện tất cả, chưa kể không phải chất độc nào cũng vào máu để xét nghiệm ra”, bác sĩ Vy chia sẻ. Việc chẩn đoán đòi hỏi nhiều yếu tố, đặc biệt là sự am hiểu về các độc chất, sự “nhạy cảm” của bác sĩ với các triệu chứng lâm sàng từ người bệnh.

Chị Hạnh, 27 tuổi, ngụ Đăk Lăk, cho biết “bác sĩ Vy là ân nhân lớn giúp hồi sinh cuộc đời” mình. Chị bị viêm cột sống dính khớp, sau vài tháng dùng thuốc nam đã bị phù, suy kiệt, tiêu chảy… do loét nặng đường ruột, phải truyền albumin, truyền đạm mỗi ngày tốn hàng trăm triệu đồng nhưng không khỏi hẳn. Hạnh cũng đi thăm khám một số nơi nhưng không phát hiện triệt để căn nguyên bệnh.

Qua thăm khám và xét nghiệm, bác sĩ Vy chỉ định thuốc giải độc kim loại nặng, nhờ bệnh viện nhập về cho bệnh nhân dùng. Sau ba ngày sử dụng, Hạnh hồi phục ngoạn mục, các chỉ số xét nghiệm cải thiện tốt, có thể trở về cuộc sống bình thường. “Nếu không có bác sĩ Vy, không biết tôi sống nổi không”, Hạnh nói.

Sống trọn với đam mê phòng tránh độc, giải độc, điều khiến bác sĩ Vy trăn trở là số y bác sĩ theo chuyên ngành này chưa nhiều, đa số người bệnh nhập viện đã rất nặng mới được phát hiện bệnh lý nhiễm độc, khiến việc điều trị không còn nhiều hiệu quả. Trong khi đó, xã hội hiện đại, con người ngày càng sử dụng nhiều hóa chất, sử dụng bừa bãi nhiều loại thuốc, môi trường sống ô nhiễm… nguy cơ nhiễm độc ngày càng tăng cao.

Bác sĩ mong muốn Trung tâm Chống độc – PCC Chợ Rẫy sớm ra đời để đáp ứng nhu cầu tìm ra nguyên nhân gây bệnh, trong bối cảnh bệnh nhiễm độc mạn tính ngày càng tăng, cũng như đưa ra những cảnh báo giúp mọi người, cộng đồng phòng tránh nhiễm độc, hỗ trợ cho đồng nghiệp trong điều trị những bệnh này. Trung tâm sẽ có điện thoại và email riêng dành cho hoạt động tư vấn, trả lời các thắc mắc về bệnh nhiễm độc của mọi người dân hay nhân viên y tế từ các nơi xa trong khu vực có thể dễ dàng liên lạc.

Tại Việt Nam, từ trước đến nay, các bệnh viện có đơn vị chống độc nằm chung trong khoa Hồi sức Tích cực, chủ yếu tập trung vào các ca ngộ độc cấp tính do tự tử, rắn cắn, côn trùng độc cắn, ăn hải sản có độc tố… chứ chưa có một PCC đúng nghĩa. Nơi duy nhất có Trung tâm Chống độc là Bệnh viện Bạch Mai nhưng cũng tập trung chủ yếu vào điều trị các ca ngộ độc cấp. Trong khi đó, nhiều nước trong khu vực như Đài Loan, Thái Lan, đã thành lập các trung tâm hoạt động theo hình thức này vài chục năm nay.

Theo bác sĩ Vy, với những trường hợp tự tử, tai nạn rắn cắn thì bác sĩ cấp cứu dễ dàng nhận diện độc chất gì. Khi đó, bác sĩ đa khoa hoặc bác sĩ cấp cứu có thể chẩn đoán và điều trị nhanh chóng, dễ dàng hơn. Riêng những bệnh nhiễm độc do độc chất không hiển nhiên hay không phải do cố ý, cả bệnh nhân lẫn bác sĩ đa khoa, nội khoa đều không biết nguyên nhân do độc chất gì, từ đâu xâm nhập vào cơ thể, chủ yếu chỉ điều trị triệu chứng, bệnh thường tái phát nhiều lần không hết, có thể ngày càng nặng hơn và tử vong.

“Do đó, một PCC do bác sĩ chuyên khoa hiểu biết về độc chất và bệnh nhiễm độc đảm trách là rất cần thiết, để đảm bảo cho phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị loại bệnh này”, bác sĩ Vy nói.

Lê Phương

Trả lời