Bổ sung acid folic giúp tăng khả năng đậu thai Leave a comment

Phụ nữ nên bổ sung acid folic vào chế độ ăn uống đúng cách để giúp tăng khả năng đậu thai và phòng ngừa rủi ro thai kỳ.

Acid folic là vitamin dạng tổng hợp của folate, hỗ trợ chuyển hóa và tạo tế bào mới trong cơ thể người. Folate (vitamin B9) có trong nhiều thực phẩm phổ biến như bơ, các loại hạt, củ cải, bông cải xanh, cải bó xôi, măng tây, mầm lúa mì, các loại đậu…

Báo cáo nghiên cứu về ảnh hưởng của acid folic đến sức khỏe sản phụ khoa tại Viện Sinh sản New Orleans, Mỹ, cho thấy bổ sung acid folic có lợi cho các đôi mong con và phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Tùy theo thể trạng người mẹ, bác sĩ sẽ khuyến nghị lượng acid folic cần bổ sung sao cho phù hợp. Đối với phụ nữ đang cố gắng thụ thai, dùng acid folic có thể giúp phòng các dị tật thai kỳ từ sớm, hạn chế rủi ro hư thai. Hợp chất còn hỗ trợ chuyển hóa tế bào khắp cơ thể, bao gồm buồng trứng.

Acid folic giúp hình thành ống thần kinh ở thai nhi, từ đó hình thành não bộ, tủy sống và hộp sọ của trẻ. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, mẹ bầu thiếu hụt acid folic một tháng đầu thai kỳ có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh não bộ hoặc tổn thương cột sống ở con.





Quả bơ, măng tây, bó xôi, các loại rau xanh có chứa hàm lượng folate tự nhiên có lợi cho sức khỏe sinh sản nữ giới. Ảnh: Freepik

Quả bơ, măng tây, bó xôi, các loại rau xanh có chứa hàm lượng folate tự nhiên có lợi cho sức khỏe sinh sản nữ giới. Ảnh: Freepik

Tập hợp các nghiên cứu tại Anh và Thụy Sĩ về việc bổ sung acid folic trong điều trị hiếm muộn ở nữ giới cũng cho thấy, dưỡng chất này giúp quá trình thụ tinh ống nghiệm diễn ra suôn sẻ hơn, chất lượng phôi cho ra tốt hơn, từ đó tăng cơ hội mang thai cho các đôi. Lượng folate trong dịch đơn bào tăng gấp đôi, có thể giúp tăng khả năng đậu thai cao hơn gấp 3,3 lần.

Kết quả nghiên cứu ở 4.000 người tham gia khảo sát tại Đan Mạch cho thấy, phụ nữ bổ sung acid folic vào chế độ ăn uống có tỷ lệ mang thai cao hơn. Chế độ ăn uống bổ sung thêm folate và acid folic có thể giúp cải thiện vấn đề sức khỏe của người mẹ, do tuổi tác cao hay thói quen sống chưa khoa học như mẹ hút thuốc, sử dụng chất kích thích.

Các chuyên gia y tế cho biết phụ nữ trong độ tuổi sinh nở có thể bổ sung 400 mcg acid folic, mẹ bầu là 600 mcg, phụ nữ đang cho con bú là 500 mcg acid folic vào chế độ dinh dưỡng hằng ngày. Người trưởng thành cũng nên bổ sung ít nhất 400 mcg acid folic. Bệnh nhân tiểu đường, động kinh, phụ nữ từng mang thai bị dị tật ống thần kinh, người lạm dụng bia rượu nên tham vấn bác sĩ lượng dùng phù hợp với thể trạng.

Bên cạnh các nghiên cứu cho thấy ảnh hưởng của acid folic đến sức khỏe sinh sản nữ giới, vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu chỉ ra lợi ích của hợp chất này đến sức khỏe sinh sản nam. Một nghiên cứu bởi Tiến sĩ Wai Yee Wong, trung tâm Y tế Đại học Nijmegen, Hà Lan, cho kết quả khả quan ở nam giới hiếm muộn bổ sung acid folic và kẽm, tăng 74% lượng tinh trùng khỏe mạnh sau 26 tuần. Dùng acid folic có thể giúp cải thiện chất lượng tinh trùng, giảm các rủi ro cản trở quá trình thụ thai ở nam giới.

Một nghiên cứu khác công bố trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ lại cho thấy không có khác biệt giữa nam giới bổ sung kẽm hoặc acid folic để điều trị vô sinh và nam giới có chức năng sinh lý bình thường. Người nam có thể sẽ được chỉ định tiến hành các xét nghiệm nam khoa như: tinh dịch đồ, kiểm tra tinh hoàn… Sau đó, bác sĩ sẽ đề xuất phương pháp điều trị phù hợp, gợi ý chế độ dinh dưỡng tương ứng. Acid folic là một phần không thể thiếu của sức khỏe tổng thể nen bác sĩ vẫn có thể khuyến nghị nam giới bổ sung nếu thể trạng nthiếu hụt dinh dưỡng hoặc có kết quả chất lượng tinh trùng thấp.

Theo báo cáo nghiên cứu trên Thư viện Y tế Quốc gia Mỹ, người trưởng thành có thể bổ sung acid folic với lượng phù hợp không quá 1.000 mcg mỗi ngày. Người nạp quá nhiều acid folic có thể mắc các vấn đề sức khỏe khác, như thiếu hụt vitamin B12. Lượng folate, vitamin dạng tự nhiên của acid folic có trong một quả chuối tươi là 24 mcg; mỗi 64 g rau bó xôi luộc là 131 mcg, bơ là 59 mcg, bông cải xanh là 52 mcg, cải brussels là 78 mcg. 100 ml nước cam cũng chứa 35 mcg folate. Các ngũ cốc ăn sáng và bột yến mạch cũng chứa nhiều axit folic.

Mai Trinh
(Theo Fertility Institute, Today’s Parent, Medical News Today)

Trả lời

2.5132