Cách chọn trái cây trong bữa phụ tránh tăng đường huyết Leave a comment

Người bệnh tiểu đường nên chọn táo, cam, nho, quả mọng… trong bữa phụ và nên ăn liều lượng bằng một nắm tay để không làm tăng đường huyết.

Hoa quả, trái cây tươi là nguồn thực phẩm giàu chất xơ, vitamin tốt cho sức khỏe, có thể sử dụng trong các bữa ăn vặt cho người bệnh tiểu đường.

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Nguyễn Quỳnh Trâm (Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, người bệnh tiểu đường có thể sử dụng các loại trái cây có chỉ số đường huyết thấp, tránh dùng một số loại hoa quả có chỉ số đường huyết cao. Để biết cách chọn loại trái cây, liều lượng, người bệnh tiểu đường chỉ cần ghi nhớ quy tắc đơn giản “táo, cam, nho, quả mọng” và một khẩu phần trái cây phù hợp là bằng một nắm tay. Nếu mỗi lần ăn số lượng trái cây nhiều hơn một nắm tay có thể ảnh hưởng đến mức insulin của người bệnh tiểu đường.





Quy tắc khẩu phần trái cây phù hợp trong bữa phụ của người tiểu đường là một nắm tay. Ảnh: Shutterstock

Quy tắc khẩu phần trái cây phù hợp trong bữa phụ của người tiểu đường là một nắm tay. Ảnh: Shutterstock

Bưởi, cam, quýt

Bưởi, cam, quýt có chỉ số đường huyết thấp và chứa nhiều chất xơ. Nhờ tác động tương tự insulin nên bưởi giúp giảm đường huyết. Trong các bữa phụ, người bệnh đái tháo đường có thể ăn khoảng bốn múi bưởi hoặc một trái cam hoặc hai trái quýt.

Dâu, nho, mâm xôi, việt quất, cherry

Những loại quả mọng này chứa nhiều chất xơ, vitamin C và các khoáng chất có lợi cho sức khỏe, có khả năng kiểm soát đường máu, giảm mỡ máu thích hợp cho người bị tiểu đường.

Bơ là loại quả giàu chất béo, axit amin, khoáng chất và chất chống oxy hóa tốt cho người bệnh tiểu đường. Bơ cũng giúp làm giảm chất béo trung tính triglyceride và mức cholesterol xấu trong cơ thể. Chỉ số đường huyết của bơ rất thấp và an toàn.

Táo, lê, ổi, mận, đào

Nhóm trái cây này chứa nhiều chất xơ dễ hòa tan, giàu vitamin và chỉ số isulin thấp, có lợi cho người bệnh tiểu đường. Ngoài ra, trong táo còn có chất pectin có thể giúp loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể, trong khi lê giảm cơn thèm ngọt ở người bệnh. Mận đào cũng góp phần cải thiện hệ tiêu hóa.

Sầu riêng

Sầu riêng giàu chất béo và vitamin. Theo bác sĩ Trâm, bệnh nhân tiểu đường có thể ăn một múi trong bữa phụ để hạn chế việc nạp quá nhiều đường vào cơ thể nhưng vẫn đảm bảo cung cấp đủ năng lượng và chất dinh dưỡng.





Người tiểu đường nên lưu ý khi ăn sầu riêng. Ảnh: Shutterstock

Người tiểu đường nên lưu ý khi ăn sầu riêng. Ảnh: Shutterstock

Mít

Mít chứa vitamin C và giàu các chất dinh dưỡng thực vật, có khả năng tăng cường hệ miễn dịch. Người bệnh tiểu đường có thể ăn một lượng phù hợp 3-4 miếng mỗi ngày thì vẫn ở mức độ cho phép.

Chuối xiêm

Nếu chọn chuối xiêm cho bữa phụ, bác sĩ khuyến cáo ăn một quả sẽ tốt cho những người bị bệnh tiểu đường.

Quả vải, nhãn

Bổ sung một chén nhỏ nhãn hoặc vải tươi (cỡ chén ăn cơm) trong bữa phụ là khối lượng phù hợp nhất cho người bệnh đái tháo đường.

Xoài chín

Nhiều người lầm tưởng xoài chứa nhiều đường và người bệnh tiểu đường không được ăn. Theo bác sĩ Trâm, có thể sử dụng xoài chín cho bữa phụ thay thế trong ngày, với khẩu phần là một má xoài, cung cấp khoảng 65 kcal.

Dưa hấu

Dưa hấu chứa lượng nước cao, các vitamin và chất chống oxy hóa rất tốt cho cơ thể. Người bệnh có thể sử dụng hai lát nhỏ trong bữa phụ.

Theo bác sĩ Trâm, trong thực đơn mỗi ngày của người bệnh đều được khuyến cáo bổ sung ít nhất 1-2 loại trái cây và ít nhất là 5 khẩu phần rau quả để đảm bảo đủ dinh dưỡng cần thiết. Cân bằng liều lượng trái cây phù hợp sẽ giúp người bệnh tiểu đường kiểm soát được lượng đường nạp vào, đảm bảo cơ thể hấp thu đầy đủ chất dinh dưỡng nhưng không làm tăng chỉ số đường huyết. Nếu các loại quả tươi có tác dụng tốt cho sức khỏe thì trái cây sấy khô hoặc đóng hộp lại chứa rất nhiều đường. Do đó, các loại trái cây đã qua chế biến như nho khô và sữa chua dâu tây không thích hợp với người mắc bệnh tiểu đường.

Trâm Anh

Trả lời