Cách dùng gia vị cho trẻ theo từng độ tuổi Leave a comment

Trẻ ở mỗi độ tuổi khác nhau cần sử dụng gia vị, liều lượng phù hợp để an toàn cho sức khỏe và kích thích trẻ ăn uống tốt.

Theo tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Thu Hương – Bác sĩ trưởng Nutrihome Icon4, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, gia vị cho trẻ không chỉ có muối, đường, bột ngọt như thường được cảnh báo mà còn có hành, tỏi, ớt, gừng, xả, dầu ăn hay các loại hạt nêm công nghiệp.

“Việc nêm nếm gia vị cho trẻ đòi hỏi phải phù hợp với độ tuổi, nếu nêm sớm hay nêm theo khẩu vị của người lớn thì dễ có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ”, bác sĩ Hương cho biết.

Theo đó, nếu trẻ được cho ăn gia vị khi còn quá nhỏ sẽ dễ dẫn đến trẻ bị rối loạn vị giác, biếng ăn, mắc các bệnh lý liên quan. Nếu trẻ ăn nhiều muối và đường, thận sẽ làm việc quá tải, gây tổn thương thận hoặc thiếu hụt canxi, thậm chí trẻ có nguy cơ cao mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, tim mạch, tiểu đường. Nếu trẻ ăn quá nhiều dầu, mỡ sẽ khiến trẻ ngán ăn, giảm hấp thu một số chất dinh dưỡng, đầy bụng, dễ thừa cân, béo phì…

Tuy vậy, nếu sử dụng gia vị hợp lý cho trẻ sẽ tạo động lực để trẻ thích ăn, ăn ngon, tăng đề kháng và phát triển thể lực, trí não tốt hơn.





Sử dụng gia vị hợp lý nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe của trẻ. Ảnh: Shutterstock

Sử dụng gia vị hợp lý nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe của trẻ. Ảnh: Shutterstock

Do đó, theo bác sĩ Hương, việc nêm nếm gia vị hợp lý vào các món ăn của trẻ theo từng giai đoạn phát triển là rất quan trọng. Phụ huynh cần lưu ý 3 cột mốc sau:

Trẻ dưới một tuổi không cần nêm gia vị

Ở độ tuổi này, trẻ cần phát triển vị giác dựa trên vị tự nhiên của thực phẩm. Điều này giúp vị giác của trẻ ổn định và dễ thích nghi ở giai đoạn sau.

Việc cho gia vị (mắm, muối, đường, hạt nêm, bột ngọt/mì chính) vào đồ ăn của trẻ trong giai đoạn trẻ ăn dặm là không cần thiết. Bởi vì, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chỉ cần một lượng muối rất nhỏ trong chế độ ăn uống: ít hơn 1-2g/ngày. Lượng muối khoáng này đã có đủ trong rau củ quả, sữa mẹ. Bên cạnh đó, ở độ tuổi ăn dặm bé cũng không cần thêm vị ngọt của đường vào đồ ăn vì trong thực phẩm đã có sẵn vị ngọt tự nhiên. Mật ong cũng không sử dụng cho trẻ trong giai đoạn này vì hệ tiêu hóa của trẻ chưa phát triển hoàn thiện.

Khẩu vị của trẻ khi mới tiếp xúc với chế độ ăn dặm chưa thể phân biệt được vị mặn ngọt. Do đó, bố mẹ không cần lo bé bị nhạt miệng mà dùng khẩu vị của mình để “áp đặt”. Thói quen không tốt này vô tình tạo cho con thói quen ăn mặn khi lớn lên, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, bệnh tim mạch…

Trong độ tuổi ăn dặm, nhiều phụ huynh nóng lòng muốn bổ sung i ốt cho trẻ bằng việc cho muối i ốt vào thức ăn. Tuy nhiên, bản thân các loại tôm, cua biển, mực, trứng, gan heo, thịt bò, rong tảo, phô mai, bột mì, mì sợi, đậu phộng, rau xanh… đều chứa lượng muối i ốt nhất định. Nếu nêm thêm i ốt vô tình khiến con thừa i ốt.

Trẻ từ một đến dưới 3 tuổi dùng lượng muối ít

Giai đoạn này vị giác và hệ tiêu hóa của trẻ dần hoàn thiện. Do đó, ba mẹ chỉ cần cho một lượng muối rất nhỏ vào trong khẩu phần ăn của bé, giúp bé ăn ngon hơn. Trẻ từ một đến dưới 3 tuổi chỉ cần 2, 3 gram muối mỗi ngày, lượng muối này một phần đã có trong nước mắm, nước chấm, bột canh và các loại thực phẩm.

Lưu ý khẩu vị của trẻ nhạt hơn so với người trưởng thành. Ví dụ, khi nấu đồ ăn cho trẻ, nếu ba mẹ nếm thấy vừa miệng tức là đã mặn đối với trẻ, nếu thấy nhạt có nghĩa là đã vừa miệng trẻ. Ba mẹ nên dùng nước mắm và các loại dầu ăn như ô liu, hướng dương, một chút phô mai… chế biến bữa ăn cho bé. Trong phô mai đã chứa một lượng muối nhỏ, ngoài ra, phô mai còn chứa nhiều chất dinh dưỡng khác như vitamin A, vitamin D, kẽm, canxi…

Do đó, bữa ăn của trẻ chứa phô mai sẽ giúp bé bổ sung thêm các vi chất, góp phần làm cho khẩu phần ăn của trẻ thêm thơm, ngon, ngậy và không quá nhạt. Bên cạnh đó, nước mắm có một lượng muối nhất định và hàm lượng canxi đáng kể, mẹ có thể nêm thức ăn của trẻ bằng nước mắm thay vì dùng bột canh hay muối.

Nếu muốn tập cho trẻ ăn các loại gia vị giúp tăng hệ miễn dịch, phòng ngừa bệnh như hành, tỏi, rau thơm… cần cho vào thực đơn một lượng rất ít sau đó tăng dần để bé tập làm quen với mùi vị mới, nhưng không quá hai vị một lần.





Bác sĩ đang khám, tư vấn dinh dưỡng cho phụ huynh và trẻ tại Nutrihome. Ảnh: Nutrihome

Bác sĩ đang khám, tư vấn dinh dưỡng cho phụ huynh và trẻ tại Nutrihome. Ảnh: Nutrihome

Trẻ từ 3 tuổi trở lên có thể ăn thức ăn giống người lớn

Trẻ vẫn nên hạn chế đường, muối, nước mắm trong chế biến bữa ăn hàng ngày để giảm nguy cơ mắc bệnh mạn tính như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường và ung thư dạ dày khi bé trưởng thành.

Ở giai đoạn từ 3-5 tuổi, độ mặn các món ăn của trẻ chỉ bằng khoảng 50% so với người trưởng thành. Độ mặn sẽ tăng dần khi trẻ 6-7 tuổi bằng 2/3 người lớn, vì thận của bé đã khá hoàn chỉnh và có thể đào thải lượng muối ra ngoài cơ thể tốt hơn. Ở độ tuổi 8-9, độ mặn giảm so với người lớn một chút. Sau 10 tuổi bé ăn đủ độ mặn tương đương người trưởng thành dưới 2.000mg natri (dưới 5g muối ăn mỗi ngày).

Bác sĩ Thu Hương khuyên thêm rằng phụ huynh không nên dùng bột ngọt để nêm thức ăn cho trẻ, vì trong bột ngọt chứa rất nhiều glutamat gây ức chế thần kinh, co giật, đau đầu… Ngoài ra, nếu ba mẹ lạm dụng bột ngọt để tăng vị đậm đà cho món ăn của trẻ sẽ khiến trẻ hấp thụ canxi kém, dễ dẫn tới tình trạng loãng xương, thấp còi.

Bình An

Trả lời