Cách kiểm soát cao huyết áp mùa nắng nóng Leave a comment

Người bệnh tăng huyết áp không nên ngồi máy lạnh quá lâu; nên tập thể dục khi trời mát; uống đủ nước; ăn nhạt… để kiểm soát huyết áp trong mùa nóng.

BS.CKI Hồ Thị Tuyết Mai, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, vào những ngày nắng nóng, huyết áp thường không ổn định. Nguyên nhân chủ yếu do trời nóng khiến cơ thể tiết nhiều mồ hôi, gây mất nước và điện giải, dẫn đến thể tích máu tuần hoàn giảm, người bệnh bị tụt huyết áp. Nhiệt độ cao còn khiến mạch máu giãn ra, huyết áp càng xuống thấp. Đây là lý do khiến một số người cảm thấy xây xẩm, chóng mặt khi đi nắng nhiều vào ban ngày.

Trong khi đó, huyết áp có xu hướng tăng cao vào ban đêm. Bởi vì thời tiết oi bức khiến bệnh nhân bứt rứt, trằn trọc khó ngủ, làm cho nhịp tim nhanh hơn, dẫn đến tăng huyết áp. Theo Hiệp hội Tim mạch học Việt Nam, huyết áp cao là khi huyết áp tâm thu đo tại phòng khám lớn hơn hoặc bằng 140 mmHg, huyết áp tâm trương lớn hơn hoặc bằng 90 mmHg.





Người bệnh cao huyết áp có thể bị tăng giảm huyết áp đột ngột trong mùa nắng nóng. Ảnh: Freepik

Người bệnh cao huyết áp có thể bị tăng giảm huyết áp đột ngột trong mùa nắng nóng. Ảnh: Freepik

Bác sĩ Mai giải thích thêm, trời oi bức cũng khiến nhiều người ngồi máy lạnh cả ngày, thậm chí có lúc giảm nhiệt độ phòng xuống dưới 20 độ C, trong khi ngoài trời 35-36 độ C. Ở ngoài trời nắng, mạch máu giãn ra, huyết áp có xu hướng giảm. Khi vào phòng điều hòa, mạch máu đang giãn nở gặp nhiệt độ lạnh đột ngột sẽ co lại, làm huyết áp tăng cao đột ngột.

Khi huyết áp tăng cao đột ngột có thể khiến bệnh nhân gặp các biến chứng nguy hiểm đến não (đột quỵ, nhồi máu não, xuất huyết não); tim (suy tim, nhồi máu cơ tim). Nếu tình trạng huyết áp không ổn định kéo dài, có thể gây ảnh hưởng mắt (mờ mắt, mù vĩnh viễn); suy thận; xơ vữa mạch máu, hình thành cục máu đông, gây tắc mạch.

Do đó theo bác sĩ Mai, khi huyết áp tăng, điều cần thiết nhất là nên để bệnh nhân nằm nghỉ, thư giãn trong phòng thoáng mát. Sau đó, dùng huyết áp kế đo lại. Nếu huyết áp vẫn cao nhưng không gặp các triệu chứng buồn nôn, nôn, chóng mặt, chảy máu cam, thì có thể cho người bệnh ngậm thuốc huyết áp và tiếp tục nghỉ ngơi. Ngược lại, nếu huyết áp cao đi kèm các biểu hiện trên, hãy đưa bệnh nhân nhập viện ngay lập tức để được bác sĩ thăm khám và chỉ định dùng thuốc phù hợp.

Để kiểm soát huyết áp trong tiết trời nắng nóng, oi bức mùa hè, bác sĩ Mai khuyến nghị người bệnh nên duy trì nhiệt độ phòng khoảng 26-28 độ C, tránh sự chênh lệch lớn giữa nhiệt độ phòng và ngoài trời; không nên ngồi máy lạnh quá lâu hoặc nằm trong phòng điều hòa cả ngày, có thể nằm vào giờ nghỉ trưa và ngủ ban đêm với nhiệt độ phù hợp. Trước khi ra khỏi phòng lạnh, người dùng nên tắt điều hòa 15-30 phút để cơ thể có thời gian thích nghi với nhiệt độ bên ngoài, tránh sốc nhiệt. Khi vào nhà, nên đứng ở cửa khoảng vài phút để cảm nhận nhiệt độ của phòng, sau đó tăng hoặc giảm nhiệt độ điều hòa để cơ thể dễ thích nghi. Nếu ra đường khi trời nắng nóng, nên mặc đồ chống nắng, đeo kính râm để hạn chế tác động của nhiệt độ cao.





Tập các bài tập nhẹ nhàng vào sáng sớm hoặc chiều mát giúp kiểm soát huyết áp. Ảnh: Freepik

Tập các bài tập nhẹ nhàng vào sáng sớm hoặc chiều mát giúp kiểm soát huyết áp. Ảnh: Freepik

Bên cạnh đó, người bị tăng huyết áp nên tập thể dục đều đặn vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát với các môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, tập dưỡng sinh. Vận động làm cho mạch máu đàn hồi tốt, giúp giữ huyết áp ổn định.

Theo bác sĩ Mai, người bệnh tăng huyết áp nên uống 2-2,5 lít nước một ngày, tạo thói quen uống một ly (khoảng 250 ml) nước sau khi thức dậy vào buổi sáng và trước khi đi ngủ buổi tối. Lưu ý không đợi đến khi khát mới uống nước bởi vì việc cung cấp nước đều đặn cho cơ thể rất quan trọng.

Về chế độ ăn, người bệnh tăng huyết áp nên ăn nhạt, hạn chế muối, bột ngọt, các nước chấm mặn; không nên ăn thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, nội tạng/da/mỡ động vật; hạn chế thịt đỏ (bò, heo, trâu… ) và đồ ngọt (bánh ngọt, nước ngọt, chè…). Thay vào đó, nên ăn cá – hải sản, thịt trắng bỏ da (gà, vịt, chim…); trứng, sữa và những sản phẩm từ sữa ít béo (phô mai, sữa chua…); ăn nhiều trái cây tươi, rau, củ, ngũ cốc nguyên hạt, dầu oliu, các loại đậu, hạt, rau…

Người cao huyết áp cũng cần bỏ các thói quen xấu như hút thuốc lá, uống rượu; tránh các chất kích thích như cà phê… Có thể dùng rượu vang đỏ nhưng không quá 250 ml một ngày. Ngoài ra, người bệnh cần sử dụng thuốc huyết áp hàng ngày, đúng liều lượng do bác sĩ chỉ định để duy trì huyết áp ổn định.

Châu Vũ

Trả lời