Cải thiện chứng ngưng thở khi ngủ nhờ giảm chất béo trong lưỡi Leave a comment

Theo các nhà khoa học, giảm mỡ lưỡi có thể giúp chứng ngưng thở khi ngủ cải thiện đến 31%.

Chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) gây ra những nguy hiểm cho sức khỏe như tăng huyết áp, trầm cảm và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ hoặc đái tháo đường. Vì vậy giải pháp giảm cân thường được các nhà khoa học khuyến nghị để giảm thiểu cảm giác khó chịu của tình trạng này. Theo một phát hiện mới từ các nhà khoa học tại đại học Pennsylvania (Mỹ) cho thấy, giảm chất béo ở lưỡi có thể cải thiện chứng ngưng thở khi ngủ.

Nghiên cứu thử nghiệm trên 67 người mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn từ nhẹ đến nặng, đều có chỉ số BMI lớn hơn 30. Những người tham gia sẽ áp dụng chế độ ăn kiêng hoặc phẫu thuật giảm cân; trung bình các bệnh nhân giảm gần 10% trọng lượng cơ thể trong hơn 6 tháng.





Lưỡi béo phì có thể là nguyên nhân gây nên tình trạng ngưng thở khi ngủ. Ảnh: Freepik

Lưỡi “béo phì” có thể là nguyên nhân gây nên tình trạng ngưng thở khi ngủ. Ảnh: Freepik

Sau khi phân tích MRI quét từ cổ họng và mũi của bệnh nhân trước, sau giảm cân, kết quả cho thấy điểm số chứng ngưng thở khi ngủ của những người này cải thiện 31%. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng chứng minh giải pháp giảm cân khiến cơ thể giảm thể tích cho cơ hàm kiểm soát việc nhai, cơ ở hai bên đường thở. Cả hai thay đổi này đều có chức năng cải thiện chứng ngưng thở khi ngủ nhưng không mang đến hiệu quả nhiều như giảm mỡ ở vùng lưỡi.

Giảm cân đúng cách

Hiệp hội Lồng ngực Mỹ khuyến cáo, những người được chẩn đoán mắc chứng ngưng thở khi ngủ nên giảm từ 5-10% trọng lượng cơ thể. Điều này sẽ giúp kiểm soát các triệu chứng của bệnh, cải thiện sức khỏe tổng thể.

Xây dựng chế độ ăn uống cân bằng: một trong những nguyên nhân chính dẫn đến béo phì là do thói quen ăn uống dư thừa tinh bột, đạm thực vật nhưng thiếu hụt chất xơ. Để giảm cân, mỗi người hãy xây dựng khẩu phần ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc, cây họ đậu, thịt nạc,… hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, rượu, bia hoặc đồ uống có đường.

Tăng cường tập thể dục: tập thể dục giúp cơ thể khỏe mạnh, giúp giảm các triệu chứng của bệnh ngưng thở khi ngủ. Do đó, bạn hãy tăng cường các bài tập tốt cho hệ hô hấp, hơi thở như yoga, bơi lội, giãn cơ hoặc đi bộ nhẹ nhàng, tăng cường vài buổi tập thể lực.

Ngủ đủ giấc: ngủ không đủ giấc sẽ khiến cơ thể dễ bị tăng cân do thay đổi nội tiết tố. Theo một nghiên cứu cho thấy, những người ngủ dưới 6 giờ có thể thúc đẩy có thể thèm ăn nhiều hơn vào ban đêm, làm tăng lượng calo tổng thể; từ đó dẫn đến tăng cân. Vì thế, ngủ đủ giấc sẽ làm giảm cảm giác thèm ăn vặt, giảm nhu cầu ăn những thực phẩm không lành mạnh, khiến quá trình giảm cân hiệu quả hơn.

Giảm căng thẳng: khi tinh thần ở trạng thái căng thẳng kéo dài, não sẽ tiết ra ghrelin. Chính loại hormone này sẽ kích thích sự thèm ăn; từ đó khiến chúng ta khó giảm cân thành công. Để tránh xa căng thẳng, bạn hãy tập thư giãn bằng cách trò chuyện nhiều hơn, tập thiền hoặc dành thời gian cho bản thân.

Huyền My (Theo CNN, Science Daily)

Trả lời