Cẩn trọng với tình trạng chóng mặt ở người lớn tuổi Leave a comment

Chóng mặt thường gặp ở bậc cao niên hơn người trẻ và tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe như thiếu máu não, rối loạn tiền đình, vấn đề về thần kinh.

Mấy tháng nay, bà Lê Thị Lan (61 tuổi, Tân Bình, TP HCM) hay bị các cơn chóng mặt. Sau mỗi lần bị chóng mặt, đầu óc bà thường quay cuồng, chỉ dám nằm yên một chỗ, hạn chế đi lại vì sợ té ngã, chấn thương. Bà Lan chia sẻ, nhiều lúc bà nằm cũng thấy chóng mặt, chỉ cần lật mình qua là hoa hết cả mắt, tai ù ù. Ngồi dậy thì thấy loạng choạng, mắt tối sầm, quay cuồng và buồn nôn. Mấy đứa con bảo chắc bà bị huyết áp thấp… Qua thăm khám, bác sĩ kết luận bà bị thiếu máu não, rối loạn tiền đình.

Theo tiến sĩ, bác sĩ Lê Văn Tuấn – Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, chóng mặt là một triệu chứng, không phải bệnh lý, là tình trạng xoay tròn giữa các sự vật xung quanh hoặc đang chuyển động mặc dù thực tế mọi thứ đang đứng yên. Chóng mặt, hoa mắt là những vấn đề thường gặp nhất ở bệnh viện. Chóng mặt chiếm tỷ lệ khoảng 2-3% các trường hợp cấp cứu và tăng theo tuổi. Có khoảng 30% người trên 65 tuổi bị ảnh hưởng bởi tình trạng này.

Chóng mặt thường kèm theo một số triệu chứng như quay cuồng, hoa mắt, ù tai rất khó chịu và trong cơn chóng mặt, người bệnh có thể kèm theo các triệu chứng khác như nôn, buồn nôn, hồi hộp, hốt hoảng, mất định hướng, muốn xỉu, ngã… Các triệu chứng này xuất hiện bất chợt và kéo dài từ vài phút đến vài giờ tùy theo nguyên nhân gây chóng mặt – thường xảy ra lúc nửa đêm, gần sáng hoặc khi thức giấc không ngồi dậy được. Trong trường hợp chóng mặt do hệ thống mạch máu, người bệnh còn đau đầu, đôi khi đau dữ dội, liên tục.





Chóng mặt thường gặp ở người lớn tuổi, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe. Ảnh: Shutterstock

Chóng mặt thường gặp ở người lớn tuổi, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe. Ảnh: Shutterstock

Vì sao người lớn tuổi thường dễ chóng mặt?

Theo bác sĩ Lê Văn Tuấn, chóng mặt ở người lớn tuổi có thể do nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân thường gặp nhất là do bệnh Ménière có tỷ lệ cao nhất gây chóng mặt ở người trên 50 tuổi. Đây là một rối loạn ở tai trong, gây ra những cơn chóng mặt tự phát, kèm theo sự mất thính lực, ù tai, đôi lúc tạo cảm giác đầy tai. Xếp thứ hai là bệnh lý giảm chức năng tiền đình hai bên liên quan đến tuổi, tình trạng thiếu máu não. Còn các nguyên nhân tổn thương tiền đình trung ương ở người cao tuổi thường gặp là bệnh lý mạch máu não và u não.

Người lớn tuổi thường bị lão hóa các cơ quan trong cơ thể và hệ tiền đình cũng không phải ngoại lệ, gây ra các cơn chóng mặt. Gần 50% người trên 60 tuổi có suy giảm chức năng tiền đình. Giảm chức năng tiền đình ở người già ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày, làm hạn chế các hoạt động và dễ té ngã. Các bệnh lý của tiền đình gây chóng mặt là do tổn thương tiền đình ngoại biên, chấn thương vùng đầu, viêm mê đạo của vùng ốc tai, do tắc mạch máu não vùng sau cổ, viêm dây thần kinh tiền đình, chấn thương đầu. Người dùng các loại thuốc như kháng sinh, các nhóm thuốc chống động kinh, an thần, do rượu… cũng xảy ra tình trạng này.

Trong khi đó, chóng mặt không do tiền đình thường gặp ở người cao tuổi xuất phát từ các bệnh lý như hạ huyết áp, hạ đường huyết, động kinh, u não, đau nửa đầu – chóng mặt, nhóm nguyên nhân này thường gặp khi người bệnh thay đổi tư thế và xảy ra ở người cao tuổi. Khi cơn chóng mặt bị ảnh hưởng do bất kỳ nguyên nhân nào cũng có thể dẫn đến sự rối loạn thăng bằng, rung giật nhãn cầu, buồn nôn, nôn. Bệnh lý rối loạn vận mạch do hệ thống mạch máu bị xơ vữa mà đặc biệt là bệnh tăng huyết áp và bệnh lý ở não như u não, u tiểu não, u dây thần kinh số 8 cũng khiến chóng mặt.

Ngoài ra, đối với những người lớn tuổi, thoái hóa cột sống cổ làm chèn ép mạch máu và rễ thần kinh khiến não không được cung cấp đủ lượng máu, gây nên tình trạng thiếu máu não, đau mỏi vai gáy, đau đầu và chóng mặt kéo dài.

Bác sĩ Tuấn cho biết, nguyên nhân của chóng mặt sinh lý ở tư thế kịch phát lành tính chiếm tỷ lệ khoảng 50% chóng mặt ở người 80 tuổi so với 20% ở các lứa tuổi khác. Ở người lớn tuổi, cả ba cơ quan tham gia điều khiển chức năng thăng bằng đều bị suy thoái, bao gồm sự thoái hóa của cơ quan thăng bằng trong tai trong (các ống bán khuyên, soan nang, cầu nang), mắt cũng bị lão thị, khả năng nhìn kém, khả năng nghe kém, trương lực cơ giảm và sự phối hợp vận động của các cơ quan giảm sút do sự teo các cấu trúc tại thùy não.

Người cao tuổi thường có nhiều bệnh lý nền đi kèm như bệnh tim mạch, bệnh tăng huyết áp, bệnh đái tháo đường, bệnh suy thận, bệnh xơ vữa động mạch, bệnh rối loạn giấc ngủ… và việc dùng thuốc điều trị các bệnh lý này có thể dẫn tới tình trạng này.

Chóng mặt ở người lớn tuổi đôi khi cũng do những tác động ngoại cảnh như thay đổi thời tiết, ngộ độc thực phẩm do hóa chất, stress kéo dài. Hạ huyết áp tư thế đứng cũng là nguyên nhân gây chóng mặt hoặc choáng váng ở người già khi thay đổi tư thế từ đứng dậy sang tư thế ngồi hoặc nằm. Các triệu chứng thường kéo dài một vài phút.





Người lớn tuổi thăm khám sức khỏe tại bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.

Người lớn tuổi thăm khám sức khỏe tại bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.

“Chóng mặt do nguyên nhân nào cũng đều nguy hiểm. Khi bị chóng mặt, người lớn tuổi nên chọn tư thế nằm thoải mái (nằm nghiêng hoặc nằm ngửa), không nên gắng gượng đi tiếp để tránh nguy cơ té ngã, chấn thương. Trong lúc nằm nghỉ, cần tránh thay đổi tư thế, tránh tiếng động, ồn ào và ánh sáng chói như ánh sáng mặt trời, ánh sáng đèn”, bác sĩ Tuấn cho biết.

Khi bị chóng mặt, dù chỉ mới thoáng qua, người lớn tuổi nên đi khám để xác định tình trạng, tìm nguyên nhân. Người bệnh không được chủ quan. Tùy tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ khám về hệ thống tim mạch, hoặc chỉ định các xét nghiệm thích hợp, ví dụ xét nghiệm máu lúc đói để biết chỉ số cholesterol hoặc siêu âm tim, điện tim… Từ đó, bác sĩ sẽ chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có chỉ định điều trị sớm, mang lại chất lượng sống tốt cho người bệnh.

Bình Minh

Trả lời