Chế độ ăn uống cho túi mật khỏe Leave a comment

Rau củ quả giàu chất xơ, protein dưới dạng nạc, chất béo có lợi trong cá… giúp phòng tránh các bệnh về túi mật.

Túi mật là một cơ quan nhỏ, hình quả lê nằm ngay dưới gan có nhiệm vụ chứa đựng và lưu trữ mật từ gan. Một số lời khuyên về chế độ ăn uống sau sẽ giúp cho túi mật khỏe và hoạt động tốt hơn.

Nguồn thực phẩm cần thiết

Chế độ ăn kiêng túi mật (gallbladder diet) giúp giảm bớt cường độ hoạt động lên túi mật, hỗ trợ tiêu hóa, từ đó, túi mật có thời gian hợp lý để nghỉ ngơi.

Các nhà khoa học đã thực hiện một nghiên cứu khảo sát trên 114 phụ nữ năm 2015 về thói quen ăn uống gây nguy cơ mắc bệnh liên quan đến túi mật. Kết quả cho thấy, chế độ ăn uống lành mạnh được áp dụng khi bạn ăn nhiều trái cây và rau tươi, nước ép trái cây, các sản phẩm từ sữa ít béo, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, gia vị và các loại đậu.

Thực phẩm có nguồn gốc thực vật

Thực phẩm có nguồn gốc thực vật có chứa vitamin, khoáng chất và các chất chống oxy hóa; góp phần ngăn ngừa bệnh túi mật.

Chất chống oxy hóa giúp thải độc cơ thể, ngăn ngừa các gốc tự do. Các gốc tự do phát triển trong cơ thể từ quá trình chuyển hóa tự nhiên và từ môi trường bên ngoài, ví dụ khi bạn ăn thực phẩm đã qua chế biến. Các gốc tự do tích tụ có thể dẫn đến ức chế sản sinh chất chống oxy hóa. Điều này có thể gây ra tổn thương tế bào, dẫn đến các bệnh khác nhau, bao gồm cả ung thư.





Bữa ăn chứa thực phẩm có nguồn gốc thực vật giúp giữ túi mật khỏe mạnh. Ảnh: Freepik

Bữa ăn chứa thực phẩm có nguồn gốc thực vật giúp giữ túi mật khỏe mạnh. Ảnh: Freepik

Protein dưới dạng nạc

Protein cần thiết cho quá trình tái tạo và phát triển của các mô cơ thể. Thịt đỏ và các sản phẩm từ sữa là nguồn cung cấp protein dồi dào, nhưng chúng cũng có thể chứa nhiều chất béo và việc hấp thụ nhiều chất béo có thể không tốt cho túi mật.

Thực phẩm protein ít chất béo là lựa chọn phù hợp, bao gồm gia cầm, cá, sản phẩm sữa không béo, các loại hạt và hạt giống, đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành, các loại đậu (như đậu và đậu lăng), các thức uống thay thế sữa (như sữa đậu nành).

Các loại thịt đã qua chế biến và các sản phẩm từ sữa thường chứa nhiều muối. Thực phẩm tươi không đường là lựa chọn lành mạnh hơn. Một nghiên cứu năm 2016 đã tìm thấy mối liên hệ giữa lượng protein thực vật hấp thụ cao và giảm nguy cơ mắc bệnh túi mật.

Chất xơ

Các chuyên gia cho biết chất xơ hỗ trợ sức khỏe hệ tiêu hóa và nó có thể bảo vệ túi mật bằng cách tăng cường sự di chuyển của thức ăn qua ruột và giảm sản xuất axit mật thứ cấp.

Vào năm 2014, các nhà nghiên cứu đã xem xét chế độ ăn nhiều chất xơ ảnh hưởng thế nào đến việc sản xuất bùn mật trong quá trình ăn kiêng giảm cân nhanh chóng cho những người bị béo phì. Bùn đường mật hoặc bùn túi mật làm tăng nguy cơ phát triển bệnh túi mật. Nó có thể tích tụ ở những người nhịn ăn hoặc giảm cân nhanh chóng.

Những người theo chế độ ăn nhiều chất xơ tích tụ ít bùn túi mật hơn, giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh túi mật. Điều này cho thấy rằng chất xơ có thể giúp ngăn ngừa bệnh túi mật ở những người cần giảm cân nhanh chóng.

Nguồn chất xơ có trong trái cây, rau, cây họ đậu, các loại hạt và hạt giống, các loại ngũ cốc.

Chất béo có lợi

Chất béo không bão hòa, chẳng hạn như omega-3, có thể giúp bảo vệ túi mật có trong: cá nước lạnh, các loại hạt quả (như quả óc chó), hạt gieo (như hạt lanh), dầu từ cá hoặc các loại hạt lanh. Bạn cũng có thể dùng thực phẩm chức năng, nhưng nên tham khảo từ bác sĩ về các thành phần phù hợp với cơ địa.





Chất béo không bão hòa như omega-3 có trong quả óc chó có thể giúp bảo vệ túi mật. Ảnh: Freepik

Chất béo không bão hòa như omega-3 có trong quả óc chó có thể giúp bảo vệ túi mật. Ảnh: Freepik

Cà phê

Uống cà phê vừa phải có thể giúp bảo vệ chức năng túi mật. Các chất trong cà phê có thể có nhiều lợi ích khác nhau lên chức năng của túi mật, bao gồm cân bằng một số hóa chất và kích thích hoạt động của túi mật, và có thể cả hoạt động của ruột.

Canxi

Bổ sung đủ lượng canxi trong chế độ ăn uống có thể hỗ trợ sức khỏe túi mật. Canxi có trong: rau xanh sẫm màu (như cải xoăn và bông cải xanh), thực phẩm từ sữa (như sữa chua, pho mát và sữa), các lựa chọn thay thế sữa (như sữa hạnh nhân hoặc sữa hạt lanh), cá mòi, nước cam.

Những người có nguy cơ mắc bệnh túi mật nên chọn các sản phẩm sữa không chất béo.

Vitamin C, magiê và folate

Vitamin C, magiê và folate có trong trái cây tươi và rau quả là những nguồn tốt của những chất dinh dưỡng này, giúp ngăn ngừa bệnh túi mật. Vitamin C có sẵn trong ớt đỏ và xanh, cam và các loại thực phẩm có múi khác, trái kiwi, bông cải xanh, dâu tây, cà chua.

Vitamin C là một vitamin tan trong nước, nghĩa là nấu trong nước có thể loại bỏ chất này khỏi thực phẩm. Vì vậy, trái cây tươi và rau sống được xem là nguồn thực phẩm giàu vitamin C nhất.

Magiê có mặt trong hạnh nhân và hạt điều, đậu phộng và bơ đậu phộng, rau bina, đậu (đậu đen và đậu edamame), sữa đậu nành, khoai tây, trái bơ, cơm, sữa chua, trái chuối.

Nguồn folate tốt có trong gan bò, rau bina, đậu mắt đen, ngũ cốc, măng tây.

Các thực phẩm cần tránh

Một số loại thực phẩm có thể làm tăng khả năng phát triển các rối loạn túi mật như sỏi mật cần tránh sau đây.

Carbohydrate tinh chế

Carbohydrate là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống, và carbohydrate chưa tinh chế như ngũ cốc nguyên hạt và yến mạch còn cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu. Tuy nhiên, carbohydrate tinh chế có thể làm tăng nguy cơ rối loạn túi mật. Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng ăn từ 40g đường trở lên mỗi ngày sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc sỏi mật.

Các loại carbohydrate cần hạn chế hoặc tránh bao gồm: đường tinh luyện, chất tạo ngọt, bột mì trắng, các loại ngũ cốc tinh chế khác, các loại bánh nướng chế biến sẵn (bánh quy, bánh ngọt), kẹo và sôcôla có đường.

Chất béo không có lợi

Túi mật sản xuất mật giúp cơ thể tiêu hóa chất béo. Ăn nhiều chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, có thể gây thêm căng thẳng cho quá trình này. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người tiêu thụ thịt đỏ, thịt chế biến sẵn và trứng như một phần của chế độ ăn tổng thể không lành mạnh có nguy cơ mắc sỏi mật cao hơn.

Chất béo không có lợi có trong: thịt đỏ, thịt béo, thịt/thực phẩm đã qua chế biến (như thức ăn xông khói, thức ăn ủ muối), các sản phẩm từ sữa hàm lượng béo cao, đồ chiên, thức ăn nhanh, nước xốt/nước xốt salad chế biến sẵn, đồ ngọt chế biến sẵn, kem, kẹo và sôcôla có đường.

Người phẫu thuật cắt bỏ túi mật cần thực hiện một số thay đổi về chế độ ăn uống, ít nhất là trong vài ngày hoặc vài tuần đầu tiên như, ăn nhiều bữa nhỏ vào những ngày sau phẫu thuật theo chế độ ăn ít chất béo trong vài tuần.

Nếu có tiền sử bị đầy hơi, tiêu chảy hoặc các triệu chứng tiêu hóa khác, bạn có thể phải: kiêng caffein, tránh thức ăn cay hoặc béo, đưa chất xơ vào chế độ ăn uống từ từ. Nếu có dấu hiệu đi đại tiện phân nhờn, sủi bọt hoặc có bọt, bạn nên liên hệ với bác sĩ để được hướng dẫn.

Mai Trinh
(Theo Medical News Today)

Trả lời