Chu kỳ kinh nguyệt dự báo điều gì về sức khỏe? Leave a comment

Kỳ kinh kéo dài, ra máu nhiều hoặc xuất hiện cục máu đông là dấu hiệu cho thấy sức khỏe của các chị em đang gặp vấn đề.

Cân nặng, huyết áp và nhịp tim là các phép đo tiêu chuẩn để đánh giá sức khỏe. Ngoài những cách trên, một số những thay đổi trong kỳ kinh cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ thể phụ nữ đang gặp vấn đề về sức khỏe. Mặc dù số lượng, màu sắc kinh nguyệt của mỗi người là khác nhau nhưng chúng đều có một số thay đổi mà các chị em cần lưu ý.

Xuất hiện nhiều mảng máu đông

Trong thời kỳ kinh nguyệt, các protein đông máu do cơ thể giải phóng khiến máu trong tử cung đông lại. Chức năng đông máu này giúp ngăn chặn việc tiếp tục chảy máu của các mạch máu. Khi lượng máu chảy nhiều, những protein đông máu bắt đầu kết tụ với nhau khiến kinh nguyệt ra nhiều cục máu đông.

Theo CDC Mỹ, các cục máu đông lớn là dấu hiệu của chứng rong kinh bởi hiện tượng mất cân bằng hormone estrogen đã dẫn đến sự hình thành các cục máu đông. Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc sẩy thai ở những người đang thực hiện thiên chức làm mẹ.

Nếu nhận thấy kỳ kinh thường xuất hiện cục máu đông lớn trong ít nhất một vài chu kỳ liên tiếp, bạn hãy đến bệnh viện để được thăm khám và chữa trị kịp thời.





Ngoài nhận biết khả năng mang thai, kinh nguyệt có thể phản ánh những bằng chứng quan trọng đối với sức khỏe. Ảnh: Freepik

Ngoài nhận biết khả năng mang thai, kinh nguyệt có thể phản ánh những bằng chứng quan trọng đối với sức khỏe. Ảnh: Freepik

Kỳ kinh nguyệt kéo dài

Kinh nguyệt có thể kéo dài trong vòng 7 ngày. Nếu nhận thấy kỳ kinh đã kéo dài hơn một tuần, các chị em nên cẩn trọng. Theo Health.com, bệnh tuyến giáp, hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) u xơ tử cung và polyp cổ tử cung là những vấn đề khiến kỳ kinh trở nên dài hơn bình thường.

Ngoài ra, những người bước vào thời kỳ tiền mãn kinh thường cũng có thể xảy ra trường hợp kinh nguỵệt kéo dài do sự thay đổi hormone trong cơ thể.

Nếu nhận thấy chu kỳ kinh nguyệt cách nhau dưới 21 ngày hoặc kéo dài hơn bảy ngày trong hơn ba tháng, hãy đến bệnh viện để được thăm khám và chữa trị kịp thời.

Thường xuyên xuất hiện đốm đỏ

Một vài đốm máu nhẹ thỉnh thoảng xuất hiện không gây xáo trộn lớn. Tuy nhiên, nếu hiện tượng ra máu đến vào bất kỳ thời điểm nào khác ngoài kỳ kinh có thể là dấu hiệu đáng báo động. Theo các chuyên gia y tế, các đốm máu xuất hiện dày đặc này có thể là dấu hiệu nhận biết của tình trạng nhiễm trùng, ung thư tử cung hoặc ung thư cổ tử cung.

Chảy máu nhiều

Chảy máu kinh nguyệt quá nhiều là dấu hiệu nguy hiểm. Theo Verywell Health, tình trạng này có thể là dấu hiệu của chứng rối loạn chảy máu cơ bản. Về lâu dài, tình trạng chảy máu ồ ạt có thể ảnh hưởng đến các tế bào hồng cầu và lượng oxy trong cơ thể, từ đó gây thiếu máu do bị mất máu quá nhiều kèm theo các biểu hiện như choáng váng, mệt mỏi, da xanh xao.

Nếu các chị em có tiền sử gia đình bị rối loạn chảy máu hoặc đã từng điều trị bệnh thiếu máu sẽ dễ gặp phải tình trạng chảy máu kinh ồ ạt.

Chuột rút

Khi tử cung bắt đầu co lại để giúp bong lớp niêm mạc trong kỳ kinh nguyệt, chuột rút sẽ xảy ra. Do đó, hiện tượng chuột rút trước kỳ kinh là dấu hiệu bình thường. Nhưng các chị em cần cẩn trọng nếu chứng chuột rút xuất hiện dày đặc hơn. Vì triệu chứng này có thể liên quan đến bệnh viêm vùng chậu – một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng dễ dẫn đến vô sinh. Ngoài ra, những người mắc bệnh lạc nội mạc tử cung, u xơ hoặc u tuyến cũng thường đi kèm với cảm giác chuột rút.

Huyền My (Theo WebMD, Health, Verywell Health)

Trả lời