Có nên đo đường huyết liên tục trong ngày? Leave a comment

Người bệnh tiểu đường có thể đo đường huyết 3 lần trong ngày, tránh lạm dụng; tuy nhiên, tần suất còn phụ thuộc vào lượng đường trong máu, dùng thuốc.

Kết quả đo đường huyết theo thời gian thực 24 giờ một ngày cho phép những người mắc bệnh tiểu đường theo dõi mức đường huyết. Nhờ đó, người bệnh có thể linh hoạt thay đổi các loại thực phẩm trong ngày, hạn chế thực phẩm nguy cơ, đồng thời cân đối hoạt động thể chất, sinh hoạt.

Theo tờ VeryWellHeath (Mỹ), khi người bệnh cảm thấy mệt có thể do hạ hoặc tăng đường huyết, việc xác định mức đường huyết ngay cả sáng sớm hay nửa đêm có thể hữu ích. Người bệnh có thể biết cần nạp thêm gì hay cắt bỏ gì trong các bữa ăn trước đó. Bên cạnh đó, tự đo đường huyết còn giúp làm rõ ảnh hưởng của chế độ ăn uống và tập thể dục đối với lượng đường trong máu của mỗi cá nhân. Theo Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ (ADA), theo dõi đường huyết tại nhà là phần không thể thiếu trong việc lập kế hoạch điều trị cho bệnh nhân tiểu đường, nhất là bệnh nhân tiểu đường dùng insulin.

Tuy nhiên, bệnh nhân tiểu đường nên đo đường huyết mấy lần trong ngày và đo nhiều lần có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không. Theo các chuyên gia, mặc dù đo đường huyết tại nhà cung cấp kết quả nhanh, tiện lợi nhưng trong nhiều trường hợp vẫn tồn tại một số hạn chế.

Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ khuyên, người bệnh cần tiêm nhiều insulin nên kiểm tra lượng đường trong máu khoảng 3 lần một ngày. Đối với những trường hợp mắc bệnh tiểu đường khác, người bệnh không nên lạm dụng việc đo đường huyết. Một số nghiên cứu cho thấy rằngtheo dõi thường xuyên không phải lúc nào cũng hữu ích đối với những người mắc bệnh tiểu đường. Việc cố gắng kiểm tra mức đường huyết thường xuyên có thể liên quan đến các vấn đề tâm lý, chẳng hạn như phủ nhận về bệnh tiểu đường, trải qua tình trạng kiệt sức do bệnh tiểu đường hoặc bị trầm cảm.





Đo đường huyết hỗ trợ kiểm soát bệnh phù hợp. Ảnh: Freepik

Đo đường huyết hỗ trợ kiểm soát bệnh phù hợp. Ảnh: Shutterstock

Nhu cầu đo đường huyết trong ngày không quy định bao nhiêu lần mà tần suất kiểm tra nên được quyết định bởi nhu cầu và mục tiêu cụ thể của bệnh nhân. Tần suất kiểm tra đường huyết phụ thuộc vào các yếu tố sau.

Dùng thuốc: một số loại thuốc uống có thể gây hạ đường huyết và làm lượng đường trong máu thấp. Vì vậy, khi sử dụng các loại thuốc, người bệnh tiểu đường có thể cần phải kiểm tra đường huyết thường xuyên hơn.

Thay đổi: người vừa được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, bắt đầu sử dụng thuốc mới hay dùng thêm một loại thực phẩm mới, vừa tăng hoặc giảm cân, thử sức với môn thể thao mới cần kiểm tra đường huyết thường xuyên hơn trong ngày.

Lượng đường trong máu khi được chẩn đoán: những người có lượng đường trong máu cao khi được chẩn đoán cũng cần phải xét nghiệm thường xuyên hơn. Theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ, mức đường huyết trước bữa ăn phải nằm trong khoảng 70-130 mg/dL và sau bữa ăn nên dưới 180 mg/dL.

Bên cạnh đó, kiểm tra đường huyết nên thực hiện thường xuyên hơn trong thời gian bị ốm, trước khi lái xe hoặc tham gia vào các hoạt động rủi ro cao.

Các dụng cụ đo đường huyết tại nhà hỗ trợ nhiều cho người mắc bệnh tiểu đường. Khi có nhu cầu, máy đo đường huyết tại nhà giúp người bệnh hạn chế được việc di chuyển đến bệnh viện, những người có nỗi sợ hãi với việc lấy máu xét nghiệm cũng cảm thấy thoải mái hơn khi đo đường huyết tại nhà.

Anh Chi
(Theo VeryWellHealth, Health)

Trả lời