Dấu hiệu nhận biết các bệnh về gan ở trẻ em Leave a comment

Trẻ mắc các bệnh liên quan đến gan như gan nhiễm mỡ, viêm gan B, xơ gan thường mệt mỏi, vàng da, ngứa hoặc sưng bụng.

Bác sĩ Keith Hazleton, một chuyên gia về gan nhi tại Banner – University Medical Group ở Arizona, Mỹ, cho biết, trẻ em khi mắc các bệnh liên quan đến gan có thể gặp các vấn đề nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bệnh gan mạn tính ở trẻ em có thể gây xuất huyết dạ dày, tiêu chảy khiến trẻ khó khăn khi phát triển và học tập.

Theo bác sĩ Keith Hazleton, khi trẻ có vấn đề về gan thường có các dấu hiệu như vàng da, mắt có màu vàng, dễ chảy máu, bầm tím dù chỉ va chạm nhẹ. Vết bầm tím cần lưu ý là những vết bầm tím xuất hiện ở những chỗ kỳ lạ, hoặc chảy máu mũi thường xuyên. Ở trẻ em có vấn đề về gan, trẻ cũng có thể thấy mệt mỏi, lú lẫn, ngứa dữ dội hoặc bụng sưng lên.

Gan nhiễm mỡ

Bệnh gan phổ biến nhất ở trẻ em là bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Khoảng 30% trẻ em thừa cân, béo phì trên 9 tuổi bị bệnh gan nhiễm mỡ. Bệnh gan nhiễm mỡ phát triển khi lượng calo thừa được lưu trữ dưới dạng mỡ trong gan, chất béo này gây kích thích gan.

Trẻ em bị bệnh gan nhiễm mỡ thường không phát triển các triệu chứng nghiêm trọng, nhưng 20% trong số này sẽ phát triển thành sẹo ở gan (xơ gan). Gan nhiễm mỡ ở trẻ em gây ra các vấn đề về gan cho trẻ khi trưởng thành.

Nhằm ngăn ngừa gan nhiễm mỡ ở trẻ em, các chuyên gia cho biết phụ huynh nên cho trẻ ăn chế độ ăn uống lành mạnh gồm nhiều ngũ cốc, trái cây và rau quả và ít thực phẩm chế biến sẵn, duy trì cân nặng hợp lý. Cha mẹ cần tránh cho trẻ ăn thịt đỏ, đường vì đây là 2 loại thực phẩm khiến bệnh gan nặng hơn.

Viêm gan B

Trong các dạng viêm gan virus nguyên phát, chỉ có viêm gan virus B (HBV) là nguyên nhân gây bệnh ở trẻ sơ sinh. Trẻ bị viêm gan virus B thường không có triệu chứng nhưng nó có thể gây ra bệnh cảnh lâm sàng mạn tính ở tuổi thiếu nhi hoặc tuổi trưởng thành. Triệu chứng của viêm gan B bao gồm vàng da, trẻ chậm chạp kém đáp ứng, chậm tăng cân, chướng bụng, phân màu đất sét.

Có tới 90% trẻ sơ sinh bị nhiễm HBV khi sinh sẽ phát triển bệnh mạn tính. Tình trạng nhiễm HBV do chu sinh là nguyên nhân chủ yếu trong nhiễm khuẩn cộng đồng hiện nay. Những thai phụ mắc viêm gan B mạn tính thường sinh con nhẹ cân, dù trẻ không mắc bệnh. Trẻ nhiễm HBV sớm làm tăng nguy cơ tiến triển bệnh viêm gan mạn tính, xơ gan, ung thư biểu mô.





Trẻ béo phì có nguy cơ cao mắc bệnh gan nhiễm mỡ. Ảnh: Freepik

Trẻ béo phì có nguy cơ cao mắc bệnh gan nhiễm mỡ. Ảnh: Freepik

Xơ gan

Xơ gan là một giai đoạn của bệnh gan. Xơ gan xảy ra khi các tế bào trong gan bị tổn thương và hình thành các mô sẹo. Mô sẹo này khiến lưu lượng máu bị tắc nghẽn, các chất cặn bã tích tụ trong cơ thể. Xơ gan ở trẻ em khiến các vùng bình thường của gan bị bao quanh bởi các vùng sẹo không hoạt động bình thường.

Mọi người thường nghĩ xơ gan là bệnh do lạm dụng rượu bia lâu ngày và chỉ người lớn mới mắc bệnh này nhưng thực tế trẻ em cũng bị xơ gan. Xơ gan ở trẻ em bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như rối loạn gan, viêm gan B, viêm gan C, viêm gan tự miễn, các bệnh về ống mật, viêm dạ dày tá tràng, xơ gan bẩm sinh…

Trẻ em khi bị xơ gan thường không gây ra triệu chứng sớm trong quá trình bệnh. Các triệu chứng bắt đầu khi gan bắt đầu suy yếu, do mô sẹo thay thế các tế bào khỏe mạnh. Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng phụ thuộc vào mức độ tổn thương của gan.

Một người trong giai đoạn đầu của bệnh xơ gan có thể cảm thấy mệt mỏi và yếu ớt, đôi khi bị sưng bụng, có cảm giác mềm hoặc đau ở bụng, chán ăn, giảm cân. Khi bệnh tiến triển, dòng chảy của mật bị tắc nghẽn hoặc ngừng lại gây vàng da (vàng da hoặc mắt), nước tiểu sẫm màu. Các triệu chứng muộn hơn khác có thể đi kèm như lòng bàn tay ửng đỏ, rụng lông trên cơ thể, gan to, lá lách to, xuất hiện các mạch máu mỏng có màu đỏ tía, giữ nước, sưng phù ở chân và bụng, ngứa, nôn ra máu…

Ngoài gan nhiễm mỡ, xơ gan, gan của trẻ em còn bị tấn công bởi các bệnh di truyền khác như thiếu alpha-1-antitrypsin, bệnh Wilson và bệnh huyết sắc tố, các bệnh nhiễm trùng như viêm gan B, viêm gan C, bệnh tự miễn…

Theo các chuyên gia, khả năng trẻ mắc các bệnh liên quan đến gan thấp nhưng nếu thấy trẻ có các dấu hiệu như vàng da, bầm tím, chảy máu không rõ nguyên nhân, phụ huynh nên liên hệ với bác sĩ để có chẩn đoán sớm. Một số rối loạn gan gây xơ gan ở trẻ em không thể ngăn ngừa được nhưng phụ huynh có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa từ sớm như tiêm vaccine, chọn chế độ ăn uống lạnh mạnh, giàu chất dinh dưỡng…

Anh Chi (Theo Banner Health, MSD Manual)

Trả lời