‘Điều dưỡng không phải là osin cao cấp của bác sĩ’ Leave a comment

Nhiều người hiểu nhầm điều dưỡng là y tá hay osin cao cấp của bác sĩ, dẫn đến nghề này chưa được phát huy, theo nguyên thứ trưởng Y tế, giáo sư Phạm Mạnh Hùng.

“Tại Việt Nam, nghề y tá bị xóa bỏ, chỉ còn nghề điều dưỡng, khiến nhiều bác sĩ và người dân nghĩ điều dưỡng là y tá, tức thay tên gọi”, giáo sư Hùng nói tại hội nghị điều dưỡng do Viện Nghiên cứu và Đào tạo Y Dược An Sinh tổ chức ngày 6/5. Trên thế giới, nghề y tá vẫn được duy trì, bên cạnh điều dưỡng; trong khi đó tại Việt Nam từ lâu chuyên ngành y tá không còn được đào tạo.

Từ vai trò trợ thủ cho bác sĩ, người điều dưỡng ngày nay đóng vai trò điều phối, tích hợp công tác điều trị và chăm sóc bệnh nhân. Ông Hùng cho rằng người điều dưỡng được ví như “trái tim của công tác chăm sóc sức khỏe, nếu không có các điều dưỡng thì hệ thống chăm sóc sức khỏe sẽ sụp đổ ngay lập tức”.

Bác sĩ và điều dưỡng viên có vai trò, chức năng khác nhau. Điều dưỡng quan tâm đến sức khỏe và phục hồi sức khỏe, chăm sóc toàn diện cả thể xác lẫn tinh thần người bệnh. Bác sĩ tập trung vào việc đối phó với bệnh, chẳng hạn chẩn đoán bệnh, chữa trị ra sao, mổ thế nào… Chức năng của điều dưỡng viên là cung cấp và thực hiện các kỹ thuật chăm sóc sức khỏe, quản lý, ra chỉ định, thông tin liên lạc, tham gia huấn luyện, là người bảo hộ đối với bệnh nhân.

“Trên thực tế, bác sĩ và điều dưỡng viên đều cần đeo ống nghe để thăm khám bệnh nhân, tuy nhiên hiện nay nhiều điều dưỡng không dám đeo ống nghe vì ngại bị cho là tranh việc của bác sĩ”, ông Hùng nói và cho rằng điều này khiến vai trò của điều dưỡng không được phát huy, mang tâm lý “là osin của bác sĩ”. Thực chất công việc của bác sĩ và điều dưỡng độc lập nhưng hỗ trợ, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau.





Giáo sư Phạm Mạnh Hùng chia sẻ tại hội nghị điều dưỡng, ngày 6/5. Ảnh: Bệnh viện An Sinh

Giáo sư Phạm Mạnh Hùng chia sẻ tại hội nghị điều dưỡng, ngày 6/5. Ảnh: Bệnh viện An Sinh

Giáo sư Hùng cũng cho rằng nhiều người chưa rõ công việc giữa một điều dưỡng và y tá. Thực tế công việc của điều dưỡng và y tá (trợ lý y khoa) có nhiều khác biệt, dù điểm giống nhau là cùng chăm sóc bệnh nhân. Trong khi điều dưỡng đeo ống nghe để khám bệnh nhân thì y tá không đeo ống nghe. Y tá thực hiện mệnh lệnh của cả bác sĩ và lẫn điều dưỡng. Điều dưỡng cung cấp tình trạng bệnh nhân, vạch ra kế hoạch chăm sóc, có sự chủ động, tự chủ trong chăm sóc người bệnh. Y tá được đào tạo chủ yếu thông qua thực hành. Điều dưỡng được đào tạo qua trường đại học.

Điều dưỡng có thể làm mọi việc mà một y tá làm, nhưng y tá không thể làm tất cả mọi việc của điều dưỡng. Lý do là điều dưỡng có khả năng làm việc độc lập, còn y tá thường phải làm việc phụ thuộc vào chức danh khác.

Cụ thể, y tá chăm sóc bệnh nhân, lấy dấu hiệu quan trọng của sự sống, thu thập mẫu máu và nước tiểu để xét nghiệm trong phòng thí nghiệm, giao mẫu đến và đi từ phòng thí nghiệm, giúp bệnh nhân đáp ứng chế độ ăn uống và kế hoạch điều trị của họ, cập nhật và duy trì hồ sơ y tế, quản lý thuốc, trả lời các câu hỏi liên quan đến tình trạng bệnh nhân.

Điều dưỡng theo dõi phản ứng của bệnh nhân đối với việc điều trị, đưa ra các quyết định lâm sàng khi không có bác sĩ, thảo luận những sửa đổi trong kế hoạch điều trị, giáo dục bệnh nhân các chương trình điều trị thay thế, phối hợp giữa các bộ phận khác nhau trong khoa phòng, thực hiện khám sức khỏe và xét nghiệm chẩn đoán để điều trị, chuẩn bị cho bệnh nhân để phẫu thuật hoặc thủ thuật và hỗ trợ bác sĩ trong quá trình này, giúp bệnh nhân thực hiện các hoạt động hàng ngày như tắm, đi bộ, ăn uống, tiếp nhận và xuất viện một bệnh nhân, hướng dẫn người nhà cách hỗ trợ bệnh nhân… Điều dưỡng cần phát hiện và theo dõi các triệu chứng, thực hiện y lệnh và phác đồ điều trị, sử dụng thông thạo các phương tiện y khoa, làm một số xét nghiệm và phân tích kết quả dưới sự giám sát của bác sĩ.

Theo ông Hùng, lực lượng điều dưỡng Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế như thiếu về số lượng. Số điều dưỡng cho một nghìn dân hiện đạt khoảng 1,3, trong khi trung bình phần lớn các nước là 3,2 hoặc như Nhật Bản lên đến hơn 12, NewZealand, Australia đều hơn 11. Trong nghị quyết ban hành năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe, mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam có 2,5 điều dưỡng trên một nghìn dân, tức cần tăng số điều dưỡng hiện nay lên hai lần.

Tỷ lệ điều dưỡng trên bác sĩ hiện khoảng 1,4, thấp hơn so với trung bình của nhiều nước trên thế giới là 3-4. “Tư duy tính số điều dưỡng dựa trên bác sĩ, một ông chủ chỉ cần 1,3 osin thì sẽ dẫn đến hậu quả như vậy”, ông Hùng chia sẻ.

Về chất lượng nguồn nhân lực, Việt Nam mới có điều dưỡng đa khoa chứ chưa có chuyên khoa, trong khi thế giới có đến 20 chuyên khoa điều dưỡng. Điều dưỡng chưa thực hiện đúng chức năng điều phối trong chăm sóc người bệnh, chưa có tư duy phản biện và độc lập, chủ yếu vẫn phụ thuộc theo chỉ định của bác sĩ.

Về đào tạo, tuy đã nâng cấp đào tạo điều dưỡng lên đại học, thạc sĩ và từ năm 2019 bắt đầu đào tạo tiến sĩ điều dưỡng, nhưng thầy dạy chủ yếu vẫn là bác sĩ y khoa nên cách tiếp cận chưa phải là hướng tới chăm sóc sức khỏe (ứng xử sức khỏe) mà chủ yếu đối phó với bệnh (ứng xử với bệnh). Đội ngũ điều dưỡng ít được tham gia vào quá trình hoạch định và xây dựng chính xác y tế nói chung và chính sách cho điều dưỡng nói riêng. Chưa có định hướng, chính sách dài hạn cho sự phát triển bền vững của chuyên ngành điều dưỡng về phương diện quản lý, đào tạo và sử dụng.





Điều dưỡng điều trị cho các bệnh nhân nặng, nguy kịch tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 TP HCM, tháng 7/2021. Ảnh: Thành Nguyễn

Điều dưỡng điều trị cho các bệnh nhân nặng, nguy kịch tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 TP HCM, tháng 7/2021. Ảnh: Thành Nguyễn

Ông Hùng đề xuất ngành y tế cần tăng cường xây dựng ngành điều dưỡng, đảm bảo về số lượng, trước mắt đạt tiêu chí 3 điều dưỡng/bác sĩ. Ngoài đào tạo đa khoa cần đổi mới đào tạo chuyên khoa, nâng cao tỷ lệ giáo viên các trường điều dưỡng là điều dưỡng, giảm bớt tỷ lệ bác sĩ là giáo viên điều dưỡng. Xây dựng chức năng và nhiệm vụ của điều dưỡng theo phương hướng quốc tế, coi đây là một nghề có tính độc lập tương đối với nghề bác sĩ. “Cần phục hồi nghề y tá, phân biệt rõ y tá và điều dưỡng, hướng đến phục vụ người bệnh một cách tốt nhất”, nguyên Thứ trưởng Y tế nhấn mạnh.

Theo thạc sĩ Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, Tổ chức Y tế thế giới nhận định dịch vụ điều dưỡng là một trong các trụ cột, xương sống của hệ thống dịch vụ y tế, nhưng vai trò của điều dưỡng tại Việt Nam chưa được nhìn nhận đúng, vẫn là nghề âm thầm trong các nghề âm thầm.

Những năm 1990, một loạt điều dưỡng Việt Nam bỏ nghề vì suốt 20 năm từ 1975 đến 1995 chỉ có đào tạo điều dưỡng trình độ trung cấp là cao nhất. Nhiều điều dưỡng giỏi giang, có trí tuệ có mong muốn nâng cao trình độ nhưng cánh cửa chưa được mở rộng. Gần đây, nghề điều dưỡng được sự quan tâm của Bộ Y tế, sự sự lên tiếng, đòi hỏi của Hội Điều dưỡng Việt Nam, giúp ngành có nhiều thành tựu hơn, con đường học hành được rộng mở hơn, điều dưỡng có thể tìm được tương lai nghề nghiệp. Nhiều điều dưỡng được xét chọn thầy thuốc ưu tú, tham gia vào các chương trình tôn vinh cấp quốc gia…

Một bất cập là trong bối cảnh các bệnh viện tự chủ kinh tế, nhóm nghề nào tạo được tài chính cho bệnh viện thì nhóm đó giữ vai trò nền tảng. Với cơ cấu viện phí hiện nay, chi trả của bảo hiểm y tế vắng mặt các dịch vụ của điều dưỡng. Chẳng hạn, mỗi lần bác sĩ khám bệnh nhân thì có tiền, nhưng điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân hôn mê nằm trên giường hàng tuần, hàng tháng, công sức bỏ ra nhiều nhưng không được thể hiện rõ trong bảng giá thanh toán, khiến thu nhập điều dưỡng thường thấp, bị đánh giá thấp giá trị.

Ông Mục cũng bày tỏ mong muốn tăng số lượng và chất lượng bác sĩ, dùng nhiều chuyên gia điều dưỡng đào tạo điều dưỡng, thay vì để nhiều bác sĩ dạy điều dưỡng như hiện nay. “Chúng ta là nước hiếm hoi trên thế giới dùng rất nhiều bác sĩ để dạy điều dưỡng, điều này giống như dùng bộ đội để dạy công an, có thể bắn súng rất giỏi nhưng kỹ năng điều tra sẽ hạn chế”, ông Mục nói và nhấn mạnh “điều dưỡng là nghề thực hành, đòi hỏi những kiến thức thực tế”.

Lê Phương

Trả lời