Điều trị ung thư phổi ‘cá thể hóa’ với liệu pháp đích, miễn dịch Leave a comment

Dùng tế bào có sẵn trong cơ thể người bệnh, liệu pháp miễn dịch và nhắm trúng đích hướng đến điều trị cá thể hóa, cho kết quả khả quan.

Kích thích hệ miễn dịch tấn công khối u

Trong lần khám u bã đậu vào giữa năm trước, ông Ngô Văn Duy (Dương Kinh, Hải Phòng) tình cờ phát hiện mắc ung thư phổi, khối u có kích thước khá lớn 4×5 cm. Đón nhận tin dữ, ông không khỏi lo lắng, tìm hiểu về các phương pháp chữa trị. Vài ngày sau đó, ông Duy lên cơn co giật, méo miệng, đầu đau nhức… Nhận thấy tình trạng không ổn, vợ ông Duy đưa chồng đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội thăm khám. Ông nhận thêm kết quả chẩn đoán có khối u não.

Trước căn bệnh phức tạp “u chồng u” của ông Duy, TS.BS Vũ Hữu Khiêm – Trưởng khoa Ung bướu đã thực hiện các xét nghiệm miễn dịch, gene… mong tìm ra phương pháp chữa bệnh tối ưu. Dựa vào các dấu ấn miễn dịch của khối u, bác sĩ Khiêm quyết định điều trị cho ông Duy bằng cách truyền hóa chất kết hợp với miễn dịch để thu nhỏ kích thước u ác tính, tiến đến ổn định bệnh.

Sau 4 chu kỳ truyền thuốc (3 tuần truyền một lần, trong 12 tuần), khối u đỉnh phổi phải của bệnh nhân chỉ còn dạng xơ, khối u trên não hoàn toàn biến mất, không còn dấu hiệu phù não. Hơn 8 tháng với 8 lần truyền thuốc liên tục, đến nay, ông Duy không còn bị co giật, ăn và ngủ ngon hơn, lấy lại cân nặng như trước, được bác sĩ đánh giá hồi phục tốt.

Theo bác sĩ Khiêm, ông Duy là một trong số bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị ổn định nhờ liệu pháp miễn dịch. Đây là liệu pháp do hai giáo sư James Allison (người Mỹ) và Tasuku Honjo (Nhật Bản) phát minh đã đoạt giải Nobel Y học năm 2018 và hiện được ứng dụng phổ biến tại Việt Nam, đem lại hiệu quả rất khả quan. Bệnh nhân nếu đáp ứng tốt với liệu pháp này có hy vọng chữa khỏi bệnh, kéo dài thời gian sống, các tác dụng phụ thường nhẹ, ít biến chứng.





Bệnh nhân được điều trị tại khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bệnh nhân được điều trị tại khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Để được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch, bác sĩ sẽ lấy tổ chức khối u của bệnh nhân qua sinh thiết hoặc sau khi phẫu thuật để xét nghiệm, nghiên cứu. Bác sĩ có thể làm thêm xét nghiệm hóa mô miễn dịch và xét nghiệm sự bộc lộ các gene để tìm ra phương pháp cá thể hóa cho từng bệnh nhân.

Nếu phù hợp, thuốc miễn dịch sẽ được truyền vào tĩnh mạch giúp hệ miễn dịch của người bệnh nhận biết các tế bào ung thư là “kẻ xâm nhập” và tiêu diệt chúng. Bởi đặc tính của tế bào ung thư là “lẩn trốn” hệ miễn dịch bằng cách thay đổi cấu trúc gene, mã hóa protein, ức chế các chốt kiểm chốt miễn dịch… nên không bị các tế bào T phát hiện. Với những phát hiện này, có nhiều thuốc miễn dịch phù hợp được phát triển và phê duyệt để tác động vào hệ miễn dịch của cơ thể, nâng cao hiệu quả điều trị.

Dựa vào gene để điều trị cá thể hóa

Cùng với liệu pháp miễn dịch, liệu pháp nhắm trúng đích cũng sử dụng với sự tác động vào các đích phân tử đặc hiệu nhằm ngăn cản quá trình phát triển, xâm lấn, di căn của các tế bào ung thư. Theo bác sĩ Khiêm, xét nghiệm gene và xét nghiệm miễn dịch mở ra một kỷ nguyên trong chẩn đoán, điều trị cho nhiều bệnh nhân ung thư, nhất là ung thư phổi, ung thư vú, ung thư gan, ung thư đường tiêu hóa…





Bác sĩ Khiêm xem các hình ảnh chụp khối u để đưa ra phác đồ điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ Khiêm xem các hình ảnh chụp khối u để đưa ra phác đồ điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ Khiêm chia sẻ thêm, với sự tiến bộ của ngành sinh học phân tử, nhiều tiến bộ trong dấu ấn miễn dịch của phổi, vú, gan và nhiều gene được các nhà khoa học phát hiện. Xét nghiệm gene cũng hỗ trợ đắc lực cho bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị chính xác và tối ưu. Ứng với những gene này, các nhà khoa học có thể tạo ra thuốc nhắm trúng đích phù hợp, điều trị cá thể hóa.

Các xét nghiệm gene có thể thực hiện bằng cách lấy mẫu mô hoặc mẫu máu của khối u để xem xét. Chẳng hạn có đến hàng trăm gene đột biến trong ung thư phổi được nghiên cứu và hiện ứng dụng trong lâm sàng khoảng 10 gene như EGFR, ALK, ROS1, BRAF, KRAS, NTRK, RET, MET… Ví dụ, với bệnh nhân chẩn đoán ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến triển, di căn, bác sĩ có thể chỉ định điều trị toàn thân bằng hóa chất, điều trị đích hoặc điều trị miễn dịch. Nếu xét nghiệm xác định các đột biến EGFR, ALK… dương tính, bệnh nhân có cơ hội nhận được điều trị bằng thuốc phân tử nhắm trúng đích. Nếu âm tính, bệnh nhân không có chỉ định điều trị phương pháp này.

“Hiện nay, hầu hết các bệnh nhân đều được thực hiện xét nghiệm miễn dịch và xét nghiệm gene. Việc chẩn đoán ung thư hiện nay không chỉ dừng lại ở loại ung thư, giai đoạn nào, loại tế bào ung thư mà còn chẩn đoán ở mức độ sâu hơn gồm bộc lộ các dấu ấn miễn dịch, các đột biến gene. Từ đó, bác sĩ có phương án điều trị cá thể hóa phù hợp nhất mang lại hiệu quả cao nhất và ít biến chứng, tác dụng phụ”, bác sĩ Khiêm nói.

Tên nhân vật đã được thay đổi

Kim Uyên

Trả lời