Ghép bề mặt sụn khớp gối bằng chất liệu nhân tạo Leave a comment

Sụn khớp nhân tạo được ghép vào vị trí khuyết rách bề mặt sụn, lấp đầy bề mặt tránh tổn thương rộng hơn, từ đó tái tạo sụn khớp mới.

Chị Hoa (42 tuổi, TP.HCM) bị những cơn đau khớp gối hành hạ hơn một năm, từng thăm khám nhiều nơi và được chẩn đoán là thoái hóa khớp. Qua VnExpress, chị biết đến Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh và đăng ký khám với Thạc sĩ bác sĩ CKII Trần Anh Vũ, phó giám đốc Trung tâm, với hy vọng tình trạng đau nhức của mình được giải quyết.

Thăm khám và chẩn đoán hình ảnh qua phim chụp cộng hưởng từ MRI, Bác sĩ Anh Vũ cho biết tình trạng thoái hóa khớp của chị Hoa dẫn đến bề mặt sụn khớp gối bị bào mòn bề mặt, nhiều điểm rách, gây ra tình trạng kẹt khớp gối. (Có thể hình dung như những ổ gà trên đường). Đây chính là lý do chân của chị bị hạn chế vận động, mảnh vụn khớp gây kẹt giữa hai đầu xương, làm đau mỗi khi vận động, ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày. Lỗ hổng trên bề mặt sụn khớp khá to, và cần làm phẫu thuật để khắc phục trước khi tổn thương tiến triển thành vết rách lớn hơn. Chỉ định điều trị của bác sĩ Anh Vũ là ghép sụn khớp gối nhân tạo để làm phẳng bề mặt sụn khớp cho chị Hoa.





Mô hình sụn khớp bị tổn thương. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Mô hình sụn khớp bị tổn thương. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Bác sĩ Anh Vũ chia sẻ, sụn đóng vai trò như một lớp đệm, giúp giảm chấn động và bảo vệ hai đầu xương khớp không bị va chạm vào nhau khi cử động. Hơn nữa khớp gối lại là nơi chịu tải toàn bộ cơ thể nên sụn khớp cũng dễ bị tổn thương nhiều nhất. Khi phần sụn này bị rách vỡ do chấn thương hoặc thoái hóa, sẽ có triệu chứng đặc trưng là cộm đau ở khớp, đặc biệt là khi cử động. Bệnh lý phổ biến này khá khó chẩn đoán, dễ nhầm lẫn với tổn thương khác ở khớp gối. Đôi khi, phải tiến hành nội soi khớp gối mới có thể quan sát và nhận diện chính xác tổn thương của sụn khớp. Tùy mức độ tổn thương của sụn khớp mà bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị bảo tồn bằng thuốc hoặc phẫu thuật thay ghép sụn khớp nhân tạo.

Ghép sụn khớp bằng chất liệu nhân tạo là phương pháp mới trong điều trị các bệnh lý ở vùng mặt sụn. Sụn khớp nhân tạo được làm bằng vật liệu sinh học có tính an toàn cao và tương thích với cơ thể. Bác sĩ sẽ chuẩn bị những miếng sụn nhân có hình dáng và kích thước phù hợp với khu vực sụn bị khiếm khuyết. Không chỉ có khả năng chịu lực, chống ma sát… như một sụn khớp thực thụ, mà sụn nhân tạo còn giúp nuôi dưỡng và tái tạo phần sụn thật đã bị tổn thương. Cơ chế này diễn ra bằng cách giúp sụn bị tổn thương gắn kết với tế bào gốc mô tủy xương, từ đó tái tạo sụn khớp mới. Đây là phương pháp điều trị nhanh chóng, hiệu quả cao.





Bác sĩ Trần Anh Vũ quan sát hình ảnh khớp của chị Hoa. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Bác sĩ Trần Anh Vũ quan sát hình ảnh khớp của chị Hoa. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Bác sĩ Trần Anh Vũ nói thêm, ghép sụn nhân tạo là một thủ thuật nội soi, bệnh nhân sẽ được gây tê cục bộ, hoàn toàn tỉnh táo và có thể quan sát màn hình nội soi trong suốt quá trình phẫu thuật. Thông qua hệ thống màn hình nội soi 4K hiện đại và sắc nét, bác sĩ quan sát từng góc khuất của ổ khớp, tìm ra những điểm tổn thương bề mặt. Đồng thời, gắp ra những mảnh sụn bị rách rời ra khỏi cơ thể tồn tại trong dịch khớp vốn là nguyên nhân gây đau và kẹt khớp. Sau đó, sụn khớp nhân tạo sẽ được ghép vào vị trí của phần sụn bị loại bỏ, lấp đầy lỗ hổng trong khớp của bệnh nhân; hoặc thay thế hoàn toàn bề mặt sụn đã bị thương tổn.

Một ca phẫu thuật ghép sụn khớp nhân tạo thường diễn ra trong 30 phút, và sau 1 ngày bệnh nhân có thể cử động lại. Sau một tuần vật lý trị liệu, bệnh nhân có thể vận động gần như bình thường.

Bác sĩ Anh Vũ cũng khuyến khích bệnh nhân vận động nhẹ nhàng, tập phục hồi chức năng theo chỉ dẫn của chuyên gia. Đồng thời tăng cường chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để tiến độ phục hồi mảng ghép diễn ra nhanh chóng.

Tên bệnh nhân đã được thay đổi.

Phi Hồng

Trả lời