Kiểm soát đường huyết của người lớn tuổi Leave a comment

Chỉ số đường huyết bình thường của người cao tuổi lúc đói khoảng 90-130 mg/dL, dưới 180 mg/dL sau ăn 1-2 giờ và trước khi đi ngủ là 110-150 mg/dL.

Hiệp hội Tiểu đường Mỹ khuyến nghị tầm soát bệnh tiểu đường loại hai định kỳ ba năm một lần cho người sau 35 tuổi. Người trên 65 tuổi có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại hai cao hơn. Theo báo cáo thống kê quốc gia của Mỹ về bệnh đái tháo đường năm 2020, hơn 20% những người được chẩn đoán mắc bệnh này từ 65 tuổi trở lên, cao hơn bất kỳ nhóm tuổi nào.

Mục tiêu quản lý đường huyết cho những người trên 65 tuổi ít nghiêm ngặt hơn so với những người trẻ tuổi để giúp hạn chế nguy cơ hạ đường huyết. Kế hoạch quản lý bệnh tiểu đường cũng có thể khác nhau.

Người lớn tuổi bị hạ đường huyết khi lượng đường trong máu thấp hơn 70 mg/dL. Các triệu chứng như run rẩy, hồi hộp, lo lắng; đổ mồ hôi, ớn lạnh; cáu gắt; lú lẫn; tim đập loạn nhịp. Chóng mặt, mệt mỏi, suy nhược, nhìn mờ, nhức đầu, vụng về, co giật cũng là dấu hiệu khi hạ đường huyết.

Hạ đường huyết thường gặp ở người lớn tuổi mắc bệnh tiểu đường. Điều này có thể là do các vấn đề sức khỏe khác chẳng hạn như các bệnh mạn tính, suy dinh dưỡng hoặc dùng nhiều loại thuốc. Nguy cơ biến chứng tiểu đường tăng lên theo tuổi.

Hạ đường huyết cũng có thể do dùng quá nhiều thuốc tiểu đường. Điều trị tiểu đường quá mức thường gặp ở người lớn tuổi.

Người cao tuổi cần theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên bằng máy đo đường huyết, đặc biệt nên kiểm tra lượng đường trong máu trước bữa ăn và trước khi đi ngủ.





Người tiểu đường nên đo đường huyết thường xuyên để tránh tăng hoặc hạ bết thường. Ảnh: Freepik

Người tiểu đường nên đo đường huyết thường xuyên để tránh tăng hoặc hạ bết thường. Ảnh: Freepik

Chế độ ăn uống và dùng thuốc là hai cách để kiểm soát bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh có thể là một thách thức đối với một số người lớn tuổi vì các bệnh tiêu hóa thông thường khiến đối tượng này có nguy cơ bị thiếu dinh dưỡng. Những vấn đề này có thể bao gồm như khó nuốt, chán ăn, khó tiêu và các vấn đề về ruột, ăn ít nhưng lại nhanh no. Người lớn tuổi có thể cần thêm liệu pháp dinh dưỡng vào kế hoạch điều trị bệnh tiểu đường như chất bổ sung, protein hoặc chất tăng calo lỏng để duy trì cân nặng, nới lỏng hạn chế thực phẩm…

Thuốc dùng kiểm soát lượng đường trong máu, có thể tương tác với các loại thuốc hoặc chất bổ sung khác. Bác sĩ sẽ giúp người cao tuổi cân bằng giữa hiệu quả dùng thuốc với nguy cơ hạ đường huyết và tương tác thuốc.

Kim Uyên
(Theo Verywell Health)

Trả lời