Kiên trì ‘tìm con’ sau nhiều lần thụ tinh nhân tạo thất bại Leave a comment

Hà NộiHơn 10 năm kết hôn không có con, anh Phùng Xuân Tính 39 tuổi và chị Nguyễn Thị Thanh 33 tuổi chạy vạy cóp nhặt từng đồng để thụ tinh nhân tạo nhưng liên tiếp thất bại.

“Sau nhiều lần tay trắng trở về nhà, chúng tôi không dám nuôi nhiều hy vọng về tiếng cười trẻ thơ nữa. Hành trình này không chỉ mệt mỏi tinh thần mà còn là cuộc đấu tranh về tài chính, khi khoản nợ cứ ngày một chất chồng”, chị Thanh nói.

Kết hôn năm 2010, anh Tính và chị Thanh luôn mong ngóng có con để vui cửa, vui nhà nhưng chưa từng đậu thai. Là giáo viên mầm non, chị nhiều lần chạnh lòng khi nhìn các em bé. Vợ chồng cùng đi bệnh viện khám để tìm nguyên nhân, tất cả kết quả đều bình thường; uống đủ thuốc nam, thuốc bắc cũng không thành công. Cả hai quyết dồn toàn bộ tiền tích góp để đến bệnh viện tiến hành thủ thuật bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI). Không may, cả hai lần IUI đều thất bại, tiền tích góp “đổ sông, đổ bể”, vợ chồng tiếp tục động viên nhau đi tìm thầy chữa vô sinh, ai mách ở đâu có thầy giỏi là lại lên đường.

Sau đó, chị Thanh đến Bệnh viện Bưu điện (Hà Nội) thụ tinh ống nghiệm (IVF). Chu kỳ IVF đầu tiên, chị không có phôi. Cầm kết quả trên tay, chị Thanh như sụp đổ, tự trách “mình vô dụng”. Khác với IUI, kinh phí thụ tinh IVF đắt đỏ gấp hàng chục lần, từ 70 đến 100 triệu đồng một lần, chưa kể phí sinh hoạt, bồi dưỡng. Nghĩ “duyên chưa đến”, hai vợ chồng lại cóp nhặt, vay mượn tài chính để làm IVF lần hai.

Đầu năm 2020, chị Thanh tăng cường bồi bổ, tăng đề kháng, thực hiện thụ tinh nhân tạo lần hai. Kết quả vẫn không như mong đợi. “Người ta biết nguyên nhân vô sinh để còn chữa, mình thì không rõ tại sao vô sinh, lại nhiều lần can thiệp thất bại khiến tôi không còn hy vọng hay mong chờ điều kỳ diệu nữa”, chị Thanh chia sẻ.

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ vô sinh cao trên thế giới, ước tính hiện có trên một triệu cặp vợ chồng hiếm muộn cần khám và điều trị. Trong các cặp vợ chồng vô sinh, 40% do vợ, 30% do chồng, 20% do cả hai và 10% không rõ nguyên nhân. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo vô sinh hiếm muộn là căn bệnh nguy hiểm thứ ba, sau ung thư và bệnh tim mạch ở thế kỷ 21.

Chị Thanh ở trong số 10% không rõ nguyên nhân kia. Bác sĩ Nguyễn Thị Nhã, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện, cho biết hiện có nhiều phương pháp điều trị như thụ tinh nhân tạo (IUI) – bơm tinh trùng vào buồng tử cung, thụ tinh trong ống nghiệm, lấy tinh trùng từ mào tinh ( PESA), lấy tinh trùng từ vi phẫu tinh hoàn (MICRO TESE), đông phôi theo phương pháp thủy tinh hóa, chuyển phôi đông lạnh… Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, tinh trùng sẽ không thể thụ tinh với trứng. “Kể cả dùng phương pháp tiêm tinh trùng trực tiếp vào bào tương noãn (ICSI), vẫn có khoảng 2-3% ca thất bại”, bác sĩ nói. Khi đó, bác sĩ sẽ áp dụng kỹ thuật hoạt hóa noãn nhân tạo (AOA) để tinh trùng thụ tinh cho trứng.

Với chị Thanh, bác sĩ Nhã cho rằng hai chu kỳ chọc hút trứng không thành công có thể do bất thường của protein PLC-zeta dẫn đến không có hoạt hóa noãn. Bác sĩ động viên chị Thanh tiêm kích trứng lần ba, chọc hút trứng đồng thời thực hiện AOA – phương pháp này có kết quả khả quan đối với trường hợp tinh trùng bất thường nặng hoặc tinh trùng hình dạng bình thường (nhưng thụ tinh thất bại nhiều lần). Ngoài ra, mỗi người có tiền sử, điều kiện về thể lực… riêng, do đó áp dụng AOA giúp cá thể hóa, điều trị được trúng đích và hiệu quả hơn.

Chị Thanh thuyết phục chồng làm IVF lần cuối, “dù kết quả có thế nào cũng không còn ân hận nữa”. Kết quả, chị Thanh có hai phôi vào ngày thứ 5. Tuy nhiên, trong lần chuyển phôi đầu tiên vào tử cung, chị lại thất bại. Tháng 11/2020, chị đặt cược lần cuối, quyết định chuyển nốt phôi còn lại. “Lúc này, tôi phó mặc số phận, ở tuổi này rồi, tiền thì cạn kiệt, chẳng còn gì để mất”, người phụ nữ kể lại.

Lần này, các bác sĩ thực hiện thêm phương pháp bơm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân (PRP) và tư vấn các điều kiện cần thiết khác. Thời điểm đó, tâm lý hai vợ chồng thoải mái hơn, nghĩ “làm để không cắn rứt vì đã cố gắng đến cùng”. Chị Thanh cũng không quá kiêng cữ hay hạn chế vận động nhiều như trước.

Khoảng một tháng sau, chị ăn kém, khó chịu, nôn khan, thử que lên hai vạch – có thai. “Sự xuất hiện của con là món quà lớn nhất của hai vợ chồng. Cuối cùng, chúng tôi được làm cha, làm mẹ như những cặp vợ chồng khác”, anh Tính nói.





Gia đình anh Tính và chị Thanh hạnh phúc bên con trai đầu lòng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Gia đình anh Tính và chị Thanh hạnh phúc bên con trai đầu lòng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bé Phùng Xuân Đức Kiên chào đời ngày 2/8/2021, nặng 3 kg, trắng trẻo, bụ bẫm nay đã gần một tuổi. Tết vừa rồi là cái tết hạnh phúc nhất kể từ khi hai vợ chồng nên duyên. Chị Thanh không cần trốn sau nhà mỗi khi có người đến chúc Tết, “hỏi bao giờ có con”, còn anh Tính bế con đi khắp xóm, háo hức khoe “quả ngọt” sau 12 năm mong mỏi.

Những ngày tháng 7 nắng gắt, trong căn nhà nhỏ ở huyện Chương Mỹ, Đức Kiên đang sốt nhưng miệng vẫn bi bô nói chuyện với bố trong màn hình điện thoại để đầu giường. Bố Tính lái xe đường dài nên thường xuyên xa nhà. Hai hôm nay, con trai sốt cao, viêm họng, sổ mũi nên anh gọi điện thoại về trò chuyện với vợ con nhiều hơn. Thỉnh thoảng, anh vẫn ngỡ sự xuất hiện của con như một giấc mơ, còn chị Thanh đùa rằng “từ ngày có bé Kiên, chồng gọi điện chỉ tìm con mà quên mất vợ”.

Thùy An

Trả lời