Làm thế nào để cải thiện tình trạng ‘sương mù não’ hậu Covid-19? Leave a comment

Bệnh nhân sau mắc Covid-19 có thể luyện tập các bài tập trí não, lập thời gian biểu, kế hoạch hoạt động… để cải thiện tình trạng “sương mù não”.

Trong thời gian phục hồi sau mắc Covid-19, người bệnh có thể gặp một số khó khăn liên quan đến khả năng suy nghĩ. Những khó khăn này bao gồm các vấn đề về trí nhớ, sự chú ý, khả năng xử lý thông tin, lập kế hoạch và tổ chức. Đây còn được gọi là tình trạng “sương mù não”. Tình trạng này thường trở nên tồi tệ hơn do mệt mỏi. Điều đó có nghĩa, khi càng mệt mỏi, bệnh nhân càng thấy khó khăn hơn đối với khả năng suy nghĩ của mình.





Sương mù não ảnh hưởng đến công việc và chất lượng cuộc sống. Ảnh: Sdxcentral

“Sương mù não” ảnh hưởng đến công việc và chất lượng cuộc sống. Ảnh: Sdxcentral

Tình trạng “sương mù não” ảnh hưởng tới các mối quan hệ, các hoạt động hàng ngày cả trong học tập và công việc nên chính bản thân người bệnh và gia đình cần nhận biết được tình trạng và có hướng khắc phục kịp thời. Nếu đang đối diện với triệu chứng “sương mù não”, bệnh nhân có thể áp dụng một số biện pháp dưới đây.

– Giảm thiểu sự xao nhãng: Bệnh nhân cố gắng làm việc trong môi trường yên tĩnh không có sự phân tâm đồng thời có thể sử dụng nút bịt tai nếu cần. Nếu bị phân tâm khi đọc văn bản, người bệnh có thể đánh dấu các phần của văn bản bằng cách sử dụng giấy hoặc sử dụng ngón tay làm điểm đánh dấu.

– Hoàn thành các hoạt động khi ít mệt mỏi hơn: Khi làm những công việc đòi hỏi khả năng tư duy, người bệnh có thể lập kế hoạch thực hiện việc này vào thời điểm bớt mệt mỏi hơn. Ví dụ, nếu càng về chiều bạn càng cảm thấy mệt mỏi thì hãy làm công việc vào buổi sáng.

– Thường xuyên nghỉ giải lao: Nếu tình trạng “sương mù não” trở nên tồi tệ hơn do mệt mỏi, bệnh nhân có thể làm việc trong thời gian ngắn hơn và nghỉ giải lao.

– Đặt cho mình những mục tiêu và đích đến hợp lý: Có mục tiêu và đích đến trong công việc sẽ giúp bạn duy trì động lực. Tuy nhiên, người bệnh cần đảm bảo các mục tiêu thực tế và có thể đạt được.

– Lập thời gian biểu: Bệnh nhân hãy cố gắng thiết lập lịch trình làm việc hàng ngày và hàng tuần cho mình. Nó có thể hữu ích nếu bạn lập kế hoạch các hoạt động trước thời hạn. Cũng có thể sẽ hữu ích nếu bạn ghi chép lại, hoặc chia nhỏ mọi thứ thành các phần có thể quản lý được.

– Sử dụng các biện pháp khuyến khích: Khi bạn đạt được mục tiêu hoặc mục đích, hãy tự thưởng cho mình. Bạn có thể thử làm điều gì đó rất đơn giản, chẳng hạn uống một tách trà hoặc cà phê, xem tivi hoặc đi dạo.

– Làm một hoạt động một lần: Đừng vội vàng hoặc cố gắng tiếp nhận quá nhiều thông tin cùng một lúc, vì điều này có thể dẫn đến sai lầm trong xử lý thông tin. Ngoài ra, bạn có thể dùng biện pháp trợ giúp như ghi chú, nhật ký và lịch có thể giúp hỗ trợ trí nhớ và thói quen của bạn.

– Bài tập trí não: Bạn có thể thử những sở thích mới, giải câu đố, trò chơi chữ và số, các bài tập trí nhớ hoặc đọc để giúp bạn suy nghĩ. Bạn có thể bắt đầu với các bài tập trí não thách thức, sau đó tăng dần độ khó. Điều này rất quan trọng để giữ cho bạn có động lực.

Ngoài ra, bệnh nhân nên áp dụng các biện pháp nâng cao thể trạng và chiến lược làm giảm căng thẳng để cải thiện tình trạng sương mù não như: ngủ đủ giấc và đúng giờ, tập thể dục, thư giãn; suy nghĩ tích cực, chế độ ăn uống hợp lý, tránh các chất tác động tâm thần như rượu, bia, chất kích thích,…

Hồng Thảo (Theo Bộ Y tế)

Trả lời