Lý do dễ lên mụn lưng vào mùa hè Leave a comment

Trời nóng làm da tiết nhiều mồ hôi, gây tắc nghẽn lỗ chân lông, nhất là vùng da lưng ít được chăm sóc và bị che phủ bởi quần áo.

Vào mùa hè, thời tiết nóng ẩm, tuyến mồ hôi, tuyến bã nhờn hoạt động mạnh hơn. Tương tự mặt và ngực, vùng da lưng cũng có có mật độ tuyến bã nhờn cao và tế bào da chết làm tắc nghẽn lỗ chân lông, dẫn đến viêm hoặc sinh sôi vi khuẩn trong lỗ chân lông, gây mụn. Đặc biệt, vùng da lưng rộng, ít được chăm sóc, khó quan sát kỹ lại tiếp xúc nhiều với quần áo, bụi bẩn,… nên thường dễ lên mụn hơn.

Bác sĩ Lê Vi Anh, Khoa Da Liễu Thẩm Mỹ Da, Bệnh Viện Đại Học Y Dược TPHCM, cho biết mụn ở lưng và vai thường liên quan đến các hoạt động vận động gây tăng tiết mồ hôi và ma sát từ trang phục. Ngoài ra, nấm (Malassezia) cũng có thể gây ra các tổn thương tương tự như mụn trứng cá và có xu hướng phát triển quá mức trong môi trường ẩm ướt, nhiều mồ hôi.

Lưng thường bị che phủ bởi quần áo, ba lô, và những thứ khác nên nó có thể là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sinh mụn và vi nấm. Nếu nấm xâm nhập vào nang lông, nó có thể gây ra tình trạng viêm nang lông.

Bên cạnh đó, vùng da lưng ít được chăm sóc, kể cả trong quá trình tắm rửa hàng ngày. Theo thời gian, lớp sừng dày, lỗ chân lông bị bít tắc gây ra mụn lưng. Việc thoa thuốc điều trị và theo dõi hiệu quả điều trị ở vùng da lưng của bệnh nhân cũng gặp nhiều khó khăn vì khó có thể tiếp cận, sờ, chạm hoặc quan sát kỹ lưỡng so với vùng da mặt, cổ, ngực.

Một số lý do khác gây mụn lưng như chế độ ăn nhiều đường, tinh bột, chất béo hay sữa,… Thanh thiếu niên ở độ tuổi dậy thì; phụ nữ bị ảnh hưởng nhiều bởi hormone sinh dục nữ, nhất là trong chu kỳ kinh nguyệt; những người sở hữu da nhờn hay những người thường xuyên hoạt động trong môi trường nóng ẩm… là những đối tượng dễ bị mụn lưng.

Trời nóng làm da tiết nhiều mồ hôi bám trên vỏ gối khi ngủ. Nếu không vệ sinh thường xuyên, vỏ gối cũng là nơi tích tụ và phát triển vi khuẩn gây mụn.





Lưng thường bị che phủ bởi quần áo, ba lô, và những thứ khác nên nó có thể là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sinh mụn và vi nấm. Ảnh: Insider

Lưng thường bị che phủ bởi quần áo, ba lô, và những thứ khác nên nó có thể là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sinh mụn và vi nấm. Ảnh: Insider

Để chăm sóc vùng da lưng, bạn nên tắm rửa sạch sẽ hàng ngày bằng miếng bọt biển, bông tắm, cọ tắm với sản phẩm dịu nhẹ. Ngoài ra, nên cọ nhẹ nhàng, không chà xát quá mạnh gây tổn thương da và viêm nhiễm.

Nếu mụn lưng thưa, không viêm hay tình trạng mụn không quá nghiêm trọng, bạn có thể sử dụng các sản phẩm trị mụn thông thường và lành tính dành cho lưng như sữa tắm trị mụn, không dầu (oil-free),… Khi mụn bùng phát, có thể sử dụng sữa tắm có benzoyl peroxide. Thành phần này tiêu diệt vi khuẩn và giúp giảm các tổn thương, nên tìm nồng độ dưới 5,3% để tránh gây kích ứng.

Nếu da lưng bị khô hoặc căng, đặc biệt là sau khi tắm, bạn có thể sử dụng kem dưỡng ẩm hoặc lotion không dầu dịu nhẹ. Tìm kiếm các sản phẩm được dán nhãn “không gây dị ứng” để không làm tắc nghẽn lỗ chân lông.

Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể làm cho các vết mụn sậm màu hơn và dễ nhận thấy hơn. Do đó, bạn nên sử dụng kem chống nắng không gây dị ứng với SPF từ 30 trở lên bất cứ khi nào lưng bị hở.

Lựa chọn áo lót thoáng mát, thoải mái, không quá chật. Mặc áo lót dạng quây không dây sẽ giúp giảm bớt mụn trên bả vai. Mặc trang phục thoải mái, chất liệu thấm hút mồ hôi, mềm mại. Hạn chế để tóc tiếp xúc và cọ xát nhiều vào lưng.

Tránh để các hóa chất như dầu xả, dầu gội chảy qua lưng vì đó là tác nhân hàng đầu gây ra mụn lưng. Thay ga giường, giặt chăn gối thường xuyên. Tắm rửa sạch sẽ sau khi tập thể dục thể thao. Lau người khô ráo trước khi mặc quần áo.

Nếu chăm sóc tại nhà không hiệu quả, bạn nên đến bệnh viện để được bác sĩ kê đơn thuốc điều trị phù hợp.

Thùy An

Trả lời