Người tiểu đường có nên uống cà phê sữa mỗi sáng? Leave a comment

Tôi thường uống cà phê sữa mỗi sáng để tỉnh táo làm việc nhưng mới đây phát hiện mắc bệnh tiểu đường thì cần bỏ thói quen này không? (Tấn Đạt, TP HCM)

Trả lời:

Không chỉ ngon miệng, uống cà phê sáng còn là nét văn hóa của người Việt, giúp tinh thần sảng khoái, làm việc hứng khởi. Cho đến nay chưa có bằng chứng xác định cụ thể số gram đường mà người bệnh đái tháo đường có thể tiêu thụ mỗi ngày. Với người bình thường, Hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo mức đường nhanh (đường kính, đường mía…) tiêu thụ mỗi ngày là khoảng 36 gram (9 muỗng cà phê, mỗi muỗng tương đương 4 gram) với nam giới; nữ giới dùng khoảng 25 gram (6 muỗng cà phê. Người bệnh tiểu đường nên sử dụng lượng ít hơn mức trên. Người bệnh có thể thêm khoảng 1-2 muỗng cà phê đường hoặc sữa đặc để ly cà phê vừa thơm ngon vừa không gây tăng đường huyết. Uống cà phê trong bữa phụ có thể tránh làm tăng lượng đường trong máu.

Mỗi buổi sáng sáng uống một ly cà phê mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Cà phê chứa caffeine – một loại chất kích thích tăng cường dẫn truyền xung thần kinh, có tác dụng cải thiện tâm trạng, trí nhớ, khả năng tập trung trong học tập cũng như công việc. Nhờ chứa thành phần polyphenol có tính chống oxy hóa, cà phê giúp trái tim khỏe mạnh, góp phần ngăn ngừa đột quỵ, ung thư… Uống cà phê điều độ một ly mỗi ngày có thể giảm nguy cơ mất trí nhớ, suy giảm nhận thức, bệnh Alzheimer.

Các thành phần chất chống oxy hóa trong cà phê có khả năng duy trì chức năng của các tế bào beta trong tuyến tụy và quá trình chuyển hóa trong cơ thể, từ đó, duy trì sản xuất insulin điều chỉnh đường huyết, hạn chế nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp hai.





Người bệnh tiểu đường tránh cho quá nhiều đường, sữa vào cà phê vì dễ gây tăng đường huyết. Ảnh: Shutterstock

Người bệnh tiểu đường tránh cho quá nhiều đường, sữa vào cà phê vì dễ gây tăng đường huyết. Ảnh: Shutterstock

Bên cạnh cà phê, người bệnh có thể sử dụng các loại nước uống ít chứa đường hoặc không chứa đường mà vẫn thơm ngon, giải khát như trà xanh, nước chanh, sữa hạt…

Trà xanh: nước nấu từ lá trà xanh không chứa calo, lại chứa nhiều chất chống oxy hóa như polyphenol có tác dụng phòng chống ung thư, kháng khuẩn… Người bệnh tiểu đường nên uống mỗi ngày tuy nhiên không nên uống quá nhiều hay dùng trước bữa ăn làm loãng dịch dạ dày, lâu dần dẫn đến viêm dạ dày.

Nước chanh: trong những ngày hè, nước chanh là một trong những gợi ý để giải nhiệt dành cho người bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, bạn lưu ý pha nước chanh với 1-2 muỗng cà phê đường hoặc 1-2 muỗng cà phê đường ăn kiêng. Thêm một vài cọng sả, gừng hoặc vài lá bạc hà giúp ly nước chanh thêm hấp dẫn.

Sữa: người bệnh nên chọn loại không đường, ít béo hoặc không béo. Trong 100 g sữa có khoảng 50 kcal. Vì vậy, người bệnh chỉ nên uống khoảng 200 ml mỗi ngày. Trường hợp không ăn uống được, bạn có thể bổ sung sữa nhiều hơn để đảm bảo năng lượng cho hoạt động trong ngày.

Sữa hạt: để thay thế sữa bò, người bệnh tiểu đường có thể chọn sữa hạt. Đây là gợi ý hàng đầu dành cho những người ăn chay hoặc không dung nạp lactose. Một ly sữa hạnh nhân, sữa đậu nành, đậu phộng… thơm ngon vừa giúp cung cấp dinh dưỡng cần thiết vừa đảm bảo không ảnh hưởng đến đường huyết.

Người bệnh có thể chọn nhiều thức uống khác theo nhu cầu của cơ thể nhưng cần đảm bảo kiểm soát đường huyết ổn định để tránh các biến chứng nguy hiểm như bệnh tim, suy thận…

Bác sĩ Võ Trần Nguyên Duy
Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Trả lời