Nguy cơ đột quỵ khi hẹp động mạch cảnh  Leave a comment

Đối mặt với nguy cơ đột quỵ cao do tắc hẹp động mạch cảnh hơn 90%, cụ ông 70 tuổi được bác sĩ Bệnh viện Tâm Anh can thiệp kịp thời.

Hai năm trước, ông Dương Văn Bình (70 tuổi, Thái Nguyên) được mổ bắc cầu động mạch vành để xử lý tình trạng hẹp mạch vành. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, mỡ máu cao (chỉ số triglycerides cao gấp 8 lần người bình thường). Sau ca mổ, sức khỏe ông hồi phục tốt, nhưng khoảng một tháng gần đây ông Bình bắt đầu xuất hiện cơn chóng mặt, đau đầu, choáng khi thay đổi tư thế đột ngột, té ngã hai lần.

Từ kết quả siêu âm doppler mạch máu và CT động mạch cảnh, TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch – Lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, nhận định, bệnh nhân bị hẹp nặng hơn 90% tại chỗ xuất phát động mạch cảnh trong bên phải, đoạn hẹp dài khoảng 1,5 cm; động mạch cảnh trái tắc hoàn toàn. Đây chính là nguyên nhân khiến dòng máu lên não bị ngắt quãng, gây ra những triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải trong thời gian gần đây. Nếu không phẫu thuật kịp thời, bệnh nhân có nguy cơ cao bị nhồi máu não, nguy hiểm tính mạng.

Mặt khác, bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, dễ dẫn tới chảy máu và lóc nội mạc động mạch ở xa. Vị trí chia động mạch cảnh trong lại ở trên cao (gần tới cằm), trong khi vị trí này thường nằm ngang cổ, gây khó khăn khi phẫu thuật. Ngoài ra, động mạch cảnh bị tổn thương, có thể khiến vết mổ xì hoặc rò, tiềm ẩn nguy cơ đột quỵ trong và sau phẫu thuật.





TS.BS Nguyễn Anh Dũng kiểm tra vết mổ cho ông Bình trong ngày tái khám. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

TS.BS Nguyễn Anh Dũng kiểm tra vết mổ cho ông Bình trong ngày tái khám. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Đánh giá đây là ca phẫu thuật phức tạp, TS.BS Nguyễn Anh Dũng quyết định thực hiện kỹ thuật PECE để bóc lớp nội mạc động mạch cảnh, nhằm cải thiện tình trạng hẹp và làm thông thoáng mạch máu lên não. Theo bác sĩ Dũng, với kỹ thuật này, chỉ cần mở ngang khoảng 2/3 thành trước động mạch cảnh trong (ICA) tại điểm gốc của nó ở chỗ chia đôi của động mạch cảnh. Tiếp theo, bác sĩ tiến hành loại bỏ mảng xơ vữa gây hẹp bằng phương pháp lộn ngược (như bóc vỏ chuối), sau đó khâu lại chỗ mở thành trước của động mạch cảnh. Đây là kỹ thuật tiên tiến giúp rút ngắn thời gian kẹp động mạch cảnh, từ đó giảm tỷ lệ tai biến, biến chứng, giúp người bệnh nhanh hồi phục.

Ca mổ kéo dài gần hai tiếng, các bác sĩ bóc tách lớp nội mạc động mạch cảnh, tái thông mạch máu nuôi não; đồng thời xử lý mảng xơ vữa gây tổn thương hẹp động mạch cảnh, tránh nguy cơ đột quỵ não. Sau mổ, người bệnh tỉnh táo và không có bất kỳ dấu hiệu tổn thương thần kinh nào mới.

TS.BS Nguyễn Anh Dũng cho biết, hai động mạch cảnh trái và phải ở hai bên cổ là những động mạch lớn đưa máu giàu oxy đến não. Khi khỏe mạnh, các động mạch này trơn tru và mở rộng, giống như một đường ống sạch cho phép dòng chảy tự do của chất lỏng lưu thông mà không có gì cản trở.

Hẹp động mạch cảnh là tình trạng xảy ra khi một trong hai (hoặc cả hai) động mạch này bị tắc nghẽn. Nguyên nhân là do quá trình tích tụ của mảng bám (xơ vữa động mạch) dọc theo niêm mạc của động mạch cảnh. Nếu lớp mảng bám dày, ngăn chặn dòng máu qua động mạch cảnh, người bệnh sẽ đối mặt với nguy cơ đột quỵ. Ngoài ra, mảng bám còn làm cho bề mặt bên trong của động mạch cảnh trở nên thô ráp, độ nhám này thu hút các tiểu cầu, tế bào máu khiến máu đông lại. Hệ quả là các mảnh nhỏ của cục máu đông hoặc mảng bám có thể vỡ ra, đi qua dòng máu và gây tắc nghẽn các động mạch nhỏ hơn trong não.





Hệ thống chụp CT 768 lát cắt giúp phát hiện sớm các bệnh lý tim - mạch máu. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Hệ thống chụp CT 768 lát cắt giúp phát hiện sớm các bệnh lý tim – mạch máu. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Theo bác sĩ Dũng, trong những trường hợp động mạch cảnh hẹp nặng, nguy cơ đột quỵ rất cao. Lúc này, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật bóc lớp nội mạc động mạch cảnh để loại bỏ mảng xơ vữa; hoặc đặt stent nhằm mở rộng lòng động mạch, giúp máu lưu thông dễ dàng hơn. Tùy từng ca bệnh, bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn thủ thuật nào phù hợp nhất với bệnh nhân.

Nguyên nhân gây hẹp động mạch cảnh là do tình trạng xơ vữa mạch máu. Do đó, để phòng bệnh và ngăn ngừa nguy cơ tái hẹp sau phẫu thuật, người bệnh cần kiểm soát các yếu tố nguy cơ khiến mảng bám tích tụ trong động mạch. Điều này bắt đầu với việc thay đổi lối sống lành mạnh như: tuân thủ chế độ ăn ít chất béo, giảm cân nếu thừa cân – béo phì, tập thể dục đều đặn, ngừng hút thuốc lá và điều trị các bệnh lý đi kèm (rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, đái tháo đường…). Bên cạnh đó sau phẫu thuật, người bệnh cần uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ và tái khám đúng lịch hẹn, bác sĩ Dũng lưu ý.

Thu Hà

Trả lời