Những môn thể thao tốt cho trẻ tự kỷ Leave a comment

Bơi lội, đi bộ, câu cá, đạp xe, võ thuật… là những môn thể thao cá nhân giúp trẻ tự kỷ rèn luyện sức khỏe thể chất, tinh thần.

Một số môn thể thao có thể là thách thức đối với trẻ tự kỷ. Điều đó không có nghĩa trẻ nên tránh xa các hoạt động thể chất. Cha mẹ nên giúp con chọn những hoạt động mà chúng có tiềm năng, yêu thích.

Các môn thể thao đồng đội như bóng đá, bóng rồ, bóng chuyền… có thể đặc biệt khó khăn đối với trẻ tự kỷ, vì đòi hỏi sức mạnh, khả năng phối hợp cao. Chứng tự kỷ thường đi kèm tình trạng giảm trương lực cơ, các vấn đề phối hợp, do đó, trẻ tự kỷ có thể gặp khó khăn khi tham gia.

Bên cạnh đó, các môn thể thao đồng đội thường diễn ra trong môi trường ồn ào, rất nóng và sáng. Hầu hết trẻ tự kỷ nhạy cảm với tiếng ồn lớn, ánh sáng rực rỡ, nhiệt độ khắc nghiệt. Kết quả, đứa trẻ có thể không vui, thậm chí bất hợp tác.

Các môn thể thao đồng đội cũng đòi hỏi kỹ năng giao tiếp xã hội nâng cao. Tự kỷ là một chứng rối loạn trong đó năng lực giao tiếp bị ảnh hưởng. Trẻ tự kỷ có thể khó hòa nhập với đồng đội hoặc phán đoán các tình huống trong lúc chơi.

Tuy nhiên, có nhiều hoạt động được tổ chức tạo cơ hội cho trẻ tự kỷ tham gia các môn thể thao đồng đội giống như những người khác. Nếu trẻ quan tâm, cha mẹ có thể tìm các câu lạc bộ thể thao dành cho con, với những thiết kế đặc biệt cho trẻ em gặp trở ngại trong cuộc sống. Lưu ý, các môn thể thao có tổ chức dành cho trẻ tự kỷ có xu hướng thiên về tham gia xã hội, rèn luyện sức khỏe hơn là xây dựng kỹ năng thể thao.

Dưới đây là một số môn thể thao không mang tính đồng đội có thể tốt cho trẻ tự kỷ.

Bơi lội

Bơi lội là một môn thể thao tốt cho sức khỏe của hầu hết mọi người, kể cả trẻ tự kỷ. Đây được coi là một hoạt động trị liệu, dạy cho trẻ các chuyển động liên tục với những động tác bơi cơ bản, cách nổi trong nước. Bơi lội có thể cải thiện khả năng phối hợp, kỹ năng xã hội, sự tự tin, nhận thức của trẻ tự kỷ. Hơn nữa, môn thể thao này cho phép trẻ tập luyện, tiến bộ theo tốc độ của riêng mình.





Bơi lội có thể là hoạt động giải trí cho trẻ tự kỷ. Ảnh: Freepik

Bơi lội có thể là hoạt động giải trí cho trẻ tự kỷ. Ảnh: Freepik

Điền kinh

Điền kinh đòi hỏi ít kỹ năng giao tiếp hơn so với hầu hết môn thể thao đồng đội. Trẻ tự kỷ có thể lựa chọn trò chuyện với đồng đội nếu chúng muốn, phần lớn thành tích ở mức độ cá nhân.

Chạy là một trong những bài tập toàn thân tốt nhất, hữu ích trong việc chống lại bệnh tiểu đường, béo phì. Đây là nguy cơ tiềm ẩn đối với người được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ. Một số lợi ích lâu dài mà điền kinh mang lại cho trẻ tự kỷ là giảm hành vi tự kích thích, tính hung hăng, đốt cháy căng thẳng, năng lượng tích tụ.

Bowling

Mức độ tiếng ồn, ánh sáng ở sân bowling có thể là thách thức, nhưng bowling dường như là một môn thể thao phù hợp với nhiều trẻ mắc chứng tự kỷ. Hành động lặp đi lặp lại của việc lăn bóng xuống làn đường, quan sát những chiếc ki gỗ đổ xuống thường có tác động bổ ích. Trẻ sẽ thích thú khi có cú đánh bóng đầu tiên. Bowling có thể cải thiện các kỹ năng xã hội, phối hợp, hành vi của trẻ.

Cưỡi ngựa

Thực tế, nhiều trẻ tự kỷ tham gia môn thể thao cưỡi ngựa như một hoạt động trị liệu, được gọi là liệu pháp hippotherapy. Nguyên nhân có thể do trẻ cảm thấy giao tiếp với động vật dễ dàng hơn so với con người. Cưỡi ngựa khuyến khích bé tập trung vào từng chuyển động, chấp nhận quá trình huấn luyện, học cách chăm sóc ngựa, phát triển mối liên hệ với các loài động vật.





Cưỡi ngựa giúp trẻ tự kỷ phát triển các kỹ năng xã hội và sức khỏe thể chất. Ảnh: Freepik

Cưỡi ngựa giúp trẻ tự kỷ phát triển các kỹ năng xã hội và sức khỏe thể chất. Ảnh: Freepik

Đi bộ đường dài và câu cá

Đối với người tự kỷ, sự yên tĩnh của thế giới tự nhiên là liều thuốc giảm căng thẳng hiệu quả. Đi bộ đường dài có thể là một hoạt động cá nhân hoặc nhóm, giúp rèn luyện sức khỏe, tận hưởng thiên nhiên mà không bị áp lực bởi xã hội. Tương tự, câu cá cũng là một môn thể thao phù hợp với trẻ tự kỷ.

Đạp xe

Đạp xe có thể khó khăn đối với trẻ tự kỷ, vì chúng có xu hướng khó giữ thăng bằng. Tuy nhiên, khi thành thạo các kỹ năng cơ bản, đạp xe có thể là một môn thể thao giúp trẻ tận hưởng không gian ngoài trời. Sự chuyển động liên tục giúp tăng cường sức mạnh cơ chân, tinh chỉnh các kỹ năng vận động và tăng khả năng cân bằng. Ngoài ra, trẻ sẽ học được giá trị của sự quyết tâm, kiên nhẫn và cách tự mình đạt được thành công.

Võ thuật

Các môn võ thuật như karate, judo, taekwondo, aikido… kết hợp các yếu tố về tư duy, kỹ thuật tương tác vật lý, là một trong những môn thể thao được khuyến khích cho trẻ tự kỷ. Sự lặp đi lặp lại các kỹ thuật cơ bản và chuyển động cần thiết giúp bé tăng cường sức khỏe thể chất, tinh thần. Mặt khác, trẻ còn được dạy về giá trị của kỷ luật và tinh thần thượng võ. Ngoài ra, võ thuật là môn thể thao đối kháng 1:1, có thể không gây áp lực giao tiếp với trẻ tự kỷ mà vẫn giúp chúng tiếp xúc với người khác.

Châu Vũ (Theo Verywellhealth)

Trả lời