Phương pháp mới trong điều trị bệnh thận đái tháo đường Leave a comment

SGLT2 được thế giới công nhận là nhóm thuốc thế hệ mới, mang lại hiệu quả vượt trội trong điều trị đái tháo đường và các biến chứng trên thận.

Thầy thuốc ưu tú – BS.CKII Tạ Phương Dung, Phó giám đốc Trung tâm Tiết niệu Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, đái tháo đường là một bệnh lý đa cơ chế. Trong các biến chứng của bệnh đái tháo đường, biến chứng trên thận và tim mạch là những nguyên nhân chủ yếu gây tử vong ở người bệnh. Biến chứng thận do đái tháo đường là tình trạng tổn thương hệ thống lọc thận, gây suy thận do đường huyết tăng cao kéo dài. Biến chứng trên thận và tim mạch có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Khi đái tháo đường dẫn đến biến chứng về thận sẽ làm tăng gấp đôi tỷ lệ người bệnh suy tim và ngược lại.

Theo các nghiên cứu từ năm 2018, khi sử dụng thuốc thuộc nhóm ức chế kênh đồng vận chuyển natri-glucose SGLT2 thì các vấn đề như biến cố tim mạch xuất hiện sớm, tỷ lệ tử vong nhập viện do tim mạch, nhập viện do suy tim và các biến cố về thận ở bệnh nhân đái tháo đường đều giảm. Đặc biệt, biến cố về thận giảm đến 47% và nhập viện do suy tim giảm 27%.





Biến chứng thận đái tháo đường nếu không được phát hiện kịp thời sẽ dẫn đến suy thận. Ảnh: Shutterstock

Biến chứng thận đái tháo đường nếu không được phát hiện kịp thời sẽ dẫn đến suy thận. Ảnh: Shutterstock

Bệnh thận do đái tháo đường phát triển qua 5 giai đoạn. Ở giai đoạn 1, đường huyết tăng cao làm tăng lượng máu đến thận, dẫn đến tăng kích thước thận. Đồng thời, thận phải làm việc nhiều hơn để tăng đào thải đường ra khỏi cơ thể. Ở giai đoạn 2, các mao mạch cầu thận bắt đầu bị tổn thương, làm xơ hóa màng lọc, tăng kích thước lỗ lọc. Ở giai đoạn 3, khi các biến chứng trên thận của người bệnh đái tháo đường tiến triển nặng sẽ xuất hiện tình trạng nước tiểu sủi bọt, có mùi lạ do tiểu ra albumin.

Khi bệnh thận phát triển đến giai đoạn 4, sau một thời gian dài tăng cường hoạt động, chức năng lọc của thận bị suy giảm. Khi bệnh thận tiến triển đến giai đoạn cuối, hình thành bệnh suy thận, người bệnh cần phải lọc máu suốt đời hoặc ghép thận để duy trì cuộc sống.

Đáng lưu ý là ở giai đoạn đầu, bệnh thận đái tháo đường thường không có triệu chứng rõ rệt nên không được điều trị kịp thời. Theo thời gian, khi cấu trúc thận bị tổn thương ngày càng nghiêm trọng, sẽ xuất hiện các dấu hiệu như khó kiểm soát huyết áp, protein trong nước tiểu, tăng nhu cầu đi tiểu, sưng phù toàn thân, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn…

Bác sĩ Phương Dung chia sẻ thêm, ở những người bệnh thận đái tháo đường, việc điều trị sẽ tập trung vào bình thường hóa đạm niệu. Cụ thể, giảm từ đạm niệu đại thể xuống đạm niệu vi thể và cuối cùng là trở về bình thường. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nhóm thuốc SGLT2 có tác dụng giảm tăng đạm niệu ở 46% trường hợp, đồng thời, tăng 54% khả năng bình thường hóa đạm niệu.

Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cũng chứng minh rằng SGLT2 có khả năng giảm 36% tỷ lệ tăng đường huyết, và giảm đến 51% các trường hợp giảm lọc cầu thận quá mức bình thường dẫn đến suy thận giai đoạn cuối. Đặc biệt, bất kể người bệnh có mắc bệnh đái tháo đường hay không thì SGLT2 đều làm giảm tỷ lệ tử vong và biến chứng trên thận.





Bác sĩ Tạ Phương Dung đọc kết quả hình ảnh thận của người bệnh đái tháo đường. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Bác sĩ Tạ Phương Dung đọc kết quả hình ảnh thận của người bệnh đái tháo đường. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Trong nhiều năm qua, các phương pháp chủ yếu trong điều trị đái tháo đường là kiểm soát đường huyết, huyết áp và thuốc ức chế hệ RAAS. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), Hiệp hội Nghiên cứu về Đái tháo đường Châu Âu (EASD) và Bộ Y tế Việt Nam vào năm 2020, chính nhờ những ưu điểm vượt trội so với giả dược mà SGLT2 được ưu tiên sử dụng trong điều trị bệnh đái tháo đường ở người bệnh đã có biến chứng trên thận hoặc bệnh tim mạch.

Phi Hồng

Trả lời