Sống cùng người bệnh tâm thần Leave a comment

Hà NộiBa năm chăm sóc Hùng, một kỹ sư 30 tuổi bị rối loạn tâm thần, bố, mẹ và chị gái anh suy sụp theo, cũng phát sinh suy nghĩ tiêu cực.

Hùng từng đạt giải nhất học sinh giỏi toán quốc gia khi học THPT. Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa, anh làm việc cho một công ty nước ngoài và công tác dài ngày tại Nhật Bản. Đúng lúc này Covid-19 xuất hiện và bùng phát khắp thế giới trong đó có Nhật. Hùng sống một mình ở nước ngoài, căng thẳng do dịch bệnh, anh bắt đầu xuất hiện các triệu chứng loạn thần, không điều trị nên bệnh một nặng và một ngày nọ nhảy lầu quyên sinh.

Câu chuyện về Hùng được bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, chia sẻ với VnExpress hôm 17/5. Lần nhảy lầu đó, Hùng may mắn được cứu sống nhưng bị đa chấn thương rất nặng, đáp ứng điều trị kém, phải nằm viện suốt một năm. Gần đây anh về nước, một số triệu chứng loạn thần vẫn tiếp diễn khiến anh mất khả năng lao động.

Trong 2-3 năm qua Hùng phát bệnh, bố, mẹ và chị gái của anh cũng suy sụp, rơi vào bế tắc vì cảm thấy bất lực với bệnh tật của con. Mặt khác, kinh tế khó khăn, thu nhập giảm, gánh nặng chi phí điều trị cho Hùng khiến họ thêm mệt mỏi. Theo bác sĩ Thu, họ từng đặt nhiều kỳ vọng vào con trai nên bệnh tật của Hùng tạo cú sốc lớn cho gia đình. Giờ đây, bố mẹ anh thường xuyên mất ngủ, buồn chán, sống thu mình, hạn chế giao tiếp và bắt đầu xuất hiện những ý nghĩ tiêu cực như muốn chết.

Trường hợp khác là anh Bảo, 34 tuổi, chưa lập gia đình, sống với bố mẹ già (ngoài 60 tuổi), đang điều trị tâm thần 7-8 năm nay. Bác sĩ Thu nói rằng ban đầu anh được chẩn đoán bị rối loạn lưỡng cực, sau đó thay đổi thành tâm thần phân liệt, đến viện điều trị định kỳ sau đó về nhà. Trong một lần bệnh tái phát, anh tự đốt nhà của mình, bố mẹ bị bỏng nhẹ. Sau hỏa hoạn, bố mẹ anh phải sống với nỗi đau cùng sự sợ hãi và lo lắng suốt thời gian dài, bị ám ảnh về bệnh tật của con, sức khỏe cũng vì thế mà suy yếu dần.

Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước hiện có khoảng 13 triệu người (chiếm khoảng 15% dân số) bị bệnh liên quan tới các dạng rối loạn tâm thần như trầm cảm, động kinh, rối loạn hành vi, tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, cứ 10 người thì chỉ có 2-3 trường hợp được chữa trị tại các cơ sở y tế, số còn lại đang sinh sống trong cộng đồng. Theo bác sĩ, nhiều người trong số họ có thể gây hại cho bản thân và người xung quanh khi mất khả năng kiểm soát hành vi.

“Người chăm sóc bệnh nhân tâm thần phải chịu đựng những rối loạn hành vi, đôi khi là hành vi ngược đãi hoặc bạo lực”, bà Thu nói và cho biết thêm, nhiều cha mẹ sau thời gian chăm sóc con cái mắc bệnh tâm thần đều nhận thấy sức khỏe tâm lý của mình ngày càng xấu đi. Các triệu chứng trầm cảm mà họ chưa từng trải qua trước đây như lo lắng hay suy nghĩ tiêu cực xuất hiện, lặp đi lặp lại.

Như chị Hòa 43 tuổi, từ khi con bị trầm cảm thì sức khỏe cũng giảm sút theo, tinh thần bất ổn, cứ khóc lóc giày vò bản thân. Tuy nhiên, người mẹ này không ý thức được về vấn đề sức khỏe tâm thần của chính mình. Đến khi đưa con vào viện khám, bác sĩ phân tích các dấu hiệu bệnh của con, chị mới nhận ra bản thân cũng đang gặp tình trạng giống như vậy.

Chị buộc phải dùng thuốc chống trầm cảm, được bác sĩ hướng dẫn các bài tập thể dục, thiền, chánh niệm để đối phó với cảm xúc tiêu cực.

Theo bác sĩ, gia đình là một hệ thống phức tạp, liên kết với nhau và bất kỳ thay đổi nhỏ nào trong hệ thống đó cũng sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Một người không khỏe sẽ ảnh hưởng đến các thành viên khác. Phụ huynh có thể cảm thấy bất lực khi không thể cho con một cuộc sống tốt. Bên cạnh đó, khi con cái gặp vấn đề không thể giải quyết, họ cảm thấy mình đang thất bại, từ đó những suy nghĩ tiêu cực dần xuất hiện.

Ở hầu hết quốc gia đang phát triển, người nhà là người chăm sóc chính cho những bệnh nhân tâm thần, vì hơn 90% bệnh nhân mắc bệnh tâm thần mạn tính sống với gia đình. Người nhà chăm sóc các nhu cầu hàng ngày của bệnh nhân, theo dõi trạng thái tinh thần, xác định những dấu hiệu ban đầu, tái phát và tình trạng bệnh nặng lên, giúp người bệnh tiếp cận với các dịch vụ. Người nhà cũng trực tiếp cho bệnh nhân uống thuốc và hỗ trợ tinh thần bệnh nhân. Bởi vậy, khi các thành viên tiếp xúc với nhiều tác nhân gây căng thẳng, có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ gia đình và tình trạng sức khỏe của chính họ, bao gồm: tăng huyết áp động mạch, tiểu đường, buồn bã, trầm cảm, mất ngủ, ăn kém ngon…

Để giải quyết vấn đề cả gia đình khủng hoảng tâm lý khi người thân mắc bệnh tâm thần, bước đầu tiên là cha mẹ phải xác thực cảm xúc của chính họ, thừa nhận rằng họ bị ảnh hưởng bởi bệnh tật của con mình, sau đó đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, chăm sóc và điều trị như một bệnh nhân tâm thần riêng biệt. Như gia đình anh Hùng hay chị Hòa, người thân khi gặp vấn đề về tâm lý sau quãng thời gian chăm sóc bệnh nhân, các bác sĩ đều áp dụng các phương pháp như liệu pháp tâm lý, thuốc… để giải tỏa vấn đề tâm thần họ gặp phải.

Một giải pháp ít phổ biến hơn là gia đình trị liệu – loại tư vấn tâm lý (tâm lý trị liệu) giúp các thành viên cải thiện giao tiếp và giải quyết xung đột. Bác sĩ tâm thần sẽ cùng bác sĩ tâm lý hỗ trợ vấn đề mà các thành viên gặp phải, điều trị thông qua thuốc, tư vấn hoặc cách khác, như tổ chức những buổi chia sẻ kinh nghiệm để giải tỏa áp lực cho gia đình.

Tuy nhiên, bác sĩ Thu nhận định, phương pháp trị liệu gia đình rất phức tạp, để làm thành một mô hình dịch vụ bài bản thì rất khó. Hơn nữa, nhiều khi gia đình bệnh nhân không đủ nguồn lực để chi trả cho những hoạt động đó. Thực tế các bệnh viện tâm thần tại Việt Nam hiện nay cũng chưa áp dụng liệu pháp này.

Bác sĩ Thu nhận định, người chăm sóc bệnh nhân tâm thần trong gia đình tại Việt Nam hiện có quá nhiều nhu cầu cần được quan tâm song đang bị lãng quên. Họ cần tư vấn nâng đỡ, can thiệp trị liệu có thể mang lại những kết quả tích cực cho cả người bệnh và người chăm sóc.





Người chăm sóc bệnh nhân tâm thần gặp căng thẳng và gánh nặng đáng kể. Ảnh: Nytimes

Ảnh minh họa một bệnh nhân ngồi co ro trên mặt đất trong một vòng tròn ánh sáng khi một đám đông nhìn từ trong bóng tối. Ảnh: NYtimes

Tên nhân vật được thay đổi

Thúy Quỳnh

Trả lời