Tại sao nữ giới dễ bị trật khớp chè đùi? Leave a comment

Ngoài nguyên nhân hoạt động sai tư thế và cấu tạo xương bẩm sinh, nữ giới dễ bị trật khớp chè đùi do đầu gối vẹo ra ngoài nhiều hơn nam giới.

ThS.BS.CKII Đào Duy An Duy, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình – Hệ thống BVĐK Tâm Anh mới đây tiếp nhận một nữ bệnh nhân trẻ, trật xương bánh chè mà không do bất kỳ chấn thương nào. Theo đó, khi người bệnh đang chạy bộ, đầu gối đột nhiên khụy xuống, xuất hiện khối u ở mặt trước đầu gối và không thể gập duỗi gối như bình thường. Sau khi nhập viện, người bệnh được bác sĩ chẩn đoán trật khớp bánh chè đùi.

Bác sĩ An Duy cho biết, khớp gối là nơi giao nhau của xương chày, xương lồi cầu đùi và xương bánh chè. Khi gập duỗi gối, xương bánh chè sẽ trượt trên mặt khớp lồi cầu đùi. Ở hai đầu xương bánh chè có gân tứ đầu thuộc nhóm cơ tứ đầu đùi nằm ở xương đùi và gân bánh chè bám vào lồi củ chày ở xương mâm chày; khi chuyển động gối, hệ thống các gân và dây chằng sẽ giữ cho xương bánh chè không bị lệch ra ngoài. Khi chấn thương xảy ra do va chạm lực mạnh và đột ngột ở gối, hoặc hoạt động sai tư thế, xương bánh chè sẽ trượt ra khỏi rãnh dọc của khớp gối, gây ra tình trạng trật khớp bánh chè đùi.





Trật khớp chè đùi thường gặp ở phụ nữ hơn nam giới. Ảnh: Shutterstock

Trật khớp chè đùi thường gặp ở phụ nữ hơn nam giới. Ảnh: Shutterstock

Bên cạnh chấn thương, trật khớp chè đùi có thể xảy ra do bất thường bẩm sinh ở cấu trúc xương. Ở một số người, trục xương đùi và/hoặc trục xương chày xoay nhiều ra ngoài, diện khớp xương đùi phía ngoài không đủ cao… tạo điều kiện cho xương bánh chè lật ra ngoài dễ dàng hơn. Ngoài ra, cơ tứ đầu và gân xương bánh chè khi kết hợp với nhau sẽ tạo thành một góc Q. Góc Q này ở nam giới rộng khoảng 10 – 15 độ, ở phụ nữ là 15 – 20 độ, do đó, đầu gối của phụ nữ vẹo ra ngoài nhiều hơn nam giới nên xương bánh chè dễ bị trật hơn.

Tùy thuộc vào độ nặng nhẹ của chấn thương, người bệnh có thể cảm thấy phần xương bánh chè lệch ra phía ngoài và phần gối gồ lên, đau cứng sưng gối, khó gập duỗi gối, không thể đi bộ hoặc đứng thẳng…

Bác sĩ An Duy cho biết, trật khớp chè đùi thường được điều trị kết hợp nhiều phương pháp như dùng thuốc và không dùng thuốc, vật lý trị liệu, phẫu thuật. Điều trị không dùng thuốc kết hợp với vật lý trị liệu sẽ được áp dụng khi người bệnh vừa trải qua tình trạng trật khớp chè đùi cấp tính. Lúc này, người bệnh có thể được chỉ định bó bột, hoặc dùng nẹp zimmer để thư giãn và cố định chân bị chấn thương. Sau một thời gian, khi khớp gối đã giảm sưng đau, bác sĩ sẽ quấn băng vải để đưa khớp chè đùi vào trong.





Phần xương bánh chè lệch ra phía ngoài và phần gối gồ lên, gây đau cứng sưng gối, khó gập duỗi gối, không thể đi bộ hoặc đứng thẳng... Ảnh: Shutterstock

Phần xương bánh chè lệch ra phía ngoài và phần gối gồ lên, gây đau cứng sưng gối, khó gập duỗi gối, không thể đi bộ hoặc đứng thẳng… Ảnh: Shutterstock

Trật khớp chè đùi có thể kèm theo các tổn thương khác như bung điểm bám dây chằng chè đùi trong, co rút bao khớp phía ngoài, rách dây chằng… Vì vậy, trong trường hợp điều trị bằng vật lý trị liệu không thành công, bác sĩ sẽ đánh giá lại tổn thương trong cấu trúc chè đùi và tiến hành các phẫu thuật.

Trường hợp nghiêm trọng nhất, bao gồm các vấn đề như góc Q lớn, trục xương đùi xoay, trục mâm chày bị xoay, thì bác sĩ sẽ phối hợp cả 3 phương pháp như đục xương chỉnh trục cho trục xương đùi xoay trong, tái tạo dây chằng chè đùi trong tạo độ vững bên trong khớp gối, đục dời điểm bám lồi cầu chày vào trong để tạo thành đường đi tốt nhất cho xương bánh chè trên lồi cầu đùi mỗi khi người bệnh vận động.

Bác sĩ An Duy nhấn mạnh, trật khớp bánh chè đùi có thể phát triển thành mạn tính, do đó, người bệnh nên đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời khi có triệu chứng bệnh.

Phi Hồng

Trả lời