Tôm chứa nhiều cholesterol có lợi hay có hại? Leave a comment

Tôm chứa hàm lượng cholesterol cao nhưng không làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch nếu được chế biến bằng cách hấp, luộc, nướng ít dầu.

Ăn tôm như một phần của chế độ dinh dưỡng cân bằng có thể cung cấp cho cơ thể một số chất dinh dưỡng quan trọng. Tôm chứa hàm lượng cholesterol cao, nhưng các nhà nghiên cứu cho biết, ngay cả với những người có cholesterol cao, lợi ích của việc ăn tôm có thể nhiều hơn bất lợi.

Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết 100 gram tôm chứa 189 milligram cholesterol. Một nhóm các nhà khoa học phát hiện ăn tôm làm tăng mức cholesterol xấu LDL, nhưng mức cholesterol tốt HDL cũng tăng lên. HDL là một loại cholesterol bảo vệ, đưa cholesterol xấu ra khỏi động mạch, đi vào gan để đào thải khỏi cơ thể. Lượng HDL cao có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

Các nhà nghiên cứu cho rằng tôm có thể hỗ trợ sức khỏe tim mạch. 100 gram tôm chứa ít hơn 0,3 gram chất béo, hầu hết là chất béo không bão hòa. Nói cách khác, hàm lượng chất béo trong tôm không có khả năng làm tăng mức cholesterol LDL.

Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng hầu hết thực phẩm chứa nhiều cholesterol cũng có nhiều chất béo bão hòa. Tuy nhiên, tôm và lòng đỏ trứng là những trường hợp ngoại lệ. Cả hai đều chứa ít chất béo bão hòa, có nhiều chất dinh dưỡng khác. Các tác giả cho rằng tôm, trứng là những thực phẩm lành mạnh sẽ không làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.





Tôm chứa nhiều cholesterol và dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Ảnh: Freepik

Tôm chứa nhiều cholesterol và dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Ảnh: Freepik

Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) thậm chí còn liệt kê tôm là thực phẩm có thể làm giảm mức cholesterol chỉ cần không chế biến bằng cách chiên rán. Ngoài ra, AHA còn khẳng định tôm có chứa một số axit béo omega-3, một loại chất béo lành mạnh, có thể có lợi cho hệ tim mạch, các chức năng khác của cơ thể.

Ăn tôm có thể không làm tăng mức cholesterol nhưng mọi người nên cân nhắc một số yếu tố khi đưa nó vào chế độ ăn.

Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), tôm chứa ít thủy ngân nên an toàn cho phụ nữ mang thai. Nhưng có những lo ngại về an toàn tiềm ẩn khác, bao gồm nhiễm vi khuẩn, tùy thuộc vào cách nuôi, thu hoạch tôm như đánh bắt từ biển hoặc lấy từ các trang trại nuôi tôm. Do đó, người mua nên kiểm tra bao bì sản phẩm hoặc chọn tôm có nguồn gốc xuất xứ tin cậy.

Bên cạnh đó, tôm có thể tốt cho tim mạch nhưng một số phương pháp nấu ăn có thể không tốt. Để đảm bảo rằng tôm ít cholesterol nhất có thể, bạn nên chế biến bằng cách hấp, luộc, nướng (ít hoặc không thêm dầu), nêm nếm với gia vị và rau thơm; không nên chiên xào với bơ hoặc dầu, ăn kèm sốt kem hoặc bơ, thêm nhiều muối không cần thiết.

Các chuyên gia khuyến cáo nên mua tôm từ những nguồn đáng tin cậy, vì bảo quản không đúng cách có thể làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Bảo quản tôm ở ngăn mát 4 độ C hoặc lạnh hơn, tối đa 2-3 ngày. Để bảo quản được lâu hơn, bạn hãy cho tôm vào hộp nhựa và để đông đá, lưu ý không để tôm vào tủ đá sau khi rã đông. Ngoài ra, bạn nên chuẩn bị, nấu tôm đúng cách. Vi khuẩn sinh sôi ở nhiệt độ 4-38 độ C, hãy chế biến ngay sau khi lấy tôm từ ngăn mát.

Một số người có thể bị dị ứng với tôm. Tôm là động vật có vỏ nên những người bị dị ứng động vật có vỏ nên tránh. Các dấu hiệu của phản ứng dị ứng gồm: phát ban hoặc nổi mẩn đỏ, sưng tấy, khó thở. Nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào, bạn cần được chăm sóc y tế ngay lập tức vì có thể bị sốc phản vệ, đe dọa tính mạng.

Châu Vũ (Theo Medical News Today, Washington Post)

Trả lời