TP HCM muốn xây khu công nghiệp dược Leave a comment

Sở Y tế TP HCM dự định xây dựng khu công nghiệp được quy mô khoảng 300 ha, phục vụ thị trường dược phẩm nội địa, tiến tới xuất khẩu.

Nội dung này được Sở Y tế đề cập trong công văn gửi các sở, ngành nhằm góp ý cho dự thảo Đề án phát triển công nghiệp dược trên địa bàn TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, thành phố hiện có 31 nhà máy dược phẩm đạt chuẩn GMP-WHO (hướng dẫn thực hành sản xuất thuốc tốt của Tổ chức Y tế Thế giới – WHO), phân bố chủ yếu tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, chủ yếu sản xuất theo công thức từ những thuốc đã hết hạn bản quyền để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Sở Y tế TP HCM nhận định công nghiệp dược có tiềm năng trở thành mũi nhọn của kinh tế thành phố. Thành phố tập trung các trường đại học đào tạo nguồn nhân lực dược hàng đầu, lại có các khu công nghệ cao, nhà máy lớn. Bên cạnh đó, thành phố có lợi thế về thị trường đầu ra với 133 bệnh viện, hơn 1.200 doanh nghiệp buôn bán và hơn 6.500 nhà thuốc cũng như đầu mối xuất khẩu. Nhiều bệnh viện tại thành phố có quy mô lớn với nhiều chuyên khoa đầu ngành, là tuyến cuối điều trị của nhiều địa phương, tiêu thụ lượng thuốc lớn nhất cả nước, đặc biệt là thuốc chuyên khoa đặc trị.

Tuy nhiên, nhược điểm là đa số nhà máy tại thành phố chỉ sản xuất mặt hàng thuốc thông thường mang tính trùng lắp, nhiều nhà máy sản xuất cùng một hoạt chất, nguyên liệu chủ yếu nhập từ Ấn Độ, Trung Quốc. Hầu hết nhà máy chưa phát huy hết công suất, nhất là các doanh nghiệp nhà nước. Giá thành các sản phẩm sản xuất tại thành phố thường cao nên không có lợi thế trong đấu thầu vào các bệnh viện nên chưa được sử dụng nhiều. Thành phố chưa có khu công nghệ Y – Dược kỹ thuật cao để thu hút các dự án, doanh nghiệp sản xuất.





Sản xuất thuốc tại công ty ở TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Sản xuất thuốc tại công ty ở TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Trong bối cảnh nhu cầu thuốc, các sản phẩm trang thiết bị y tế, máy móc ngày càng lớn so với thực tế còn khiêm tốn cả về số lượng, chất lượng, Sở Y tế TP HCM xây dựng lộ trình thực hiện xây dựng khu công nghiệp dược với ba giai đoạn.

Giai đoạn đầu (năm 2022-2025), thành phố lên kế hoạch, ban hành cơ chế chính sách về quỹ đất, thuế, nguồn tài chính cũng như thu hút đầu tư. Ngành y tế cũng sẽ xác định các loại hình sản phẩm bao gồm dược phẩm công nghệ cao và trang thiết bị y tế, qua đó đưa ra các tiêu chí cụ thể đối với sản phẩm được sản xuất trong khu công nghệ cao.

Giai đoạn hai (năm 2025-2030), triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp dược với quy mô khoảng 300 ha, từng bước đưa vào hoạt động thực tế. Giai đoạn ba (năm 2030-2045) tập trung đưa khu công nghiệp dược hoạt động theo nguyên tắc đảm bảo tính kết nối – liên kết mở giữa các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghệ, đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho các nhà máy.

Khu công nghiệp dược tập trung sản xuất các thuốc phát minh (hoặc chuyển giao công nghệ), thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc generic có dạng bào chế công nghệ cao, vaccine, sinh phẩm, các trang thiết bị xét nghiệm, sản phẩm y sinh kỹ thuật cao. Những sản phẩm này phục vụ nhu cầu trong chẩn đoán và điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn và trong nước, đồng thời tiến tới xuất khẩu sang các nước trong khu vực với lợi thế cạnh tranh về giá và chất lượng.

Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có tổng giá trị thị trường dược phẩm và mức tăng trưởng ngành dược phẩm nhanh nhất thế giới. Tổng giá trị thị trường dược phẩm tại Việt Nam đạt 2,7 tỷ USD trong năm 2015, tăng lên 5,1 tỷ USD năm 2018 và năm 2020 đạt 6,1 tỷ USD. Theo phân loại của WHO, ngành công nghiệp dược Việt Nam đang ở cấp độ 3 (cấp có công nghiệp dược nội địa, có sản xuất thuốc generic, xuất khẩu được một số dược phẩm).

Lê Phương

Trả lời