Trẻ sơ sinh có thể đột tử vì thói quen ủ ấm giữa mùa hè Leave a comment

Theo khuyến cáo của Viện hàn lâm Nhi khoa Mỹ, trẻ sơ sinh ngủ trong môi trường nóng có thể tăng nguy cơ đột tử.

BS.CKII Phạm Lê Mỹ Hạnh – Trưởng khoa Sơ sinh, Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, đột tử trẻ sơ sinh do nhiều nguyên nhân. Trong đó có yếu tố nguy cơ gây đột tử trong mùa nắng nóng là nhiệt độ phòng tăng hoặc giảm đột ngột, môi trường ngủ quá nóng.

Tại Việt Nam, theo quan niệm từ xưa, trẻ sơ sinh dễ bị nhiễm lạnh, cần môi trường ngủ che chắn kỹ, tránh gió lùa. Điều này đúng do trẻ sơ sinh có khả năng điều hòa thân nhiệt rất kém. Tuy nhiên, phụ huynh cần theo dõi nhiệt độ phòng để điều tiết giữ ấm cho trẻ hợp lý. Bố mẹ ủ ấm trẻ nếu trời lạnh, nhưng ủ ấm trẻ vào mùa hè tiết trời nắng nóng sẽ khiến trẻ bị nóng nực, da bức bí dẫn đến viêm da, nguy hiểm hơn có thể dẫn đến đột tử ở trẻ sơ sinh.





Không nên ủ ấm trẻ sơ sinh trong mùa hè nóng bức. Ảnh: Shutterstock

Không nên ủ ấm trẻ sơ sinh trong mùa hè nóng bức. Ảnh: Shutterstock

BS.CKII Phạm Lê Mỹ Hạnh khuyến cáo, không để em bé ngủ trong môi trường quá nóng. Nếu nhà không có nhiệt kế phòng thì hãy giữ cho phòng ở nhiệt độ mà một người lớn mặc áo sơ mi ngắn tay cảm thấy thoải mái. Nếu sử dụng điều hòa, duy trì nhiệt độ phòng ở mức 25-28 độ C. Phòng trẻ sơ sinh cần thoáng mát nhưng hạn chế để gió lùa vào, nếu sử dụng quạt gió hay máy lạnh, tuyệt đối không để gió quạt thổi trực tiếp vào người bé.

Bác sĩ Mỹ Hạnh cho biết, nhiều quốc gia đã khuyến cáo, nếu môi trường ngủ quá nóng, một số trẻ có nguy cơ hôn mê sâu, khó đánh thức. Vì thế, khi con ngủ, ăn, chơi sinh hoạt trong phòng, ba mẹ thường xuyên kiểm tra xem con có dấu hiệu bị nóng không.

Trẻ sơ sinh bị nóng thường có một số biểu hiện như: trẻ đổ mồ hôi (thường ở vùng cổ), đỏ bừng mặt, quấy khóc… Lúc này, phụ huynh xử trí bằng cách dùng khăn ướt lau sạch mồ hôi. Đặc biệt phải lau sạch vùng bị che phủ, đổ mồ hôi nhiều như: lưng, nếp gấp tại cổ, chân, tay, đầu. Sau đó lấy một khăn khô để nhanh chóng lau khô người bé, thay bộ đồ mới chất vải thoáng mát. Phụ huynh cũng không cần đội mũ che thóp cho bé trong mùa hè, vì dễ khiến trẻ đổ mồ hôi đầu.

Ngoài ra, khi đặt trẻ vào nôi ngủ, phụ huynh nên quan sát và bỏ bớt những lớp khăn chèn xung quanh bé không cần thiết.

Phòng bệnh viêm da ở trẻ sơ sinh

Phụ huynh cần lưu ý, việc ủ ấm trẻ quá kỹ trong mùa hè còn dẫn đến nhiều hệ lụy, trẻ mệt mỏi, ngủ không đủ giấc, chán ăn, dễ bị rôm sảy hay còn gọi là bệnh viêm da. Viêm da là bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh, thường xuất hiện lúc trời nắng, thời tiết ẩm ướt, nguyên nhân do tuyến mồ hôi bị tắc xuất hiện những nốt đỏ xung quanh điểm tiết mồ hôi nhiều như nếp gấp da cổ, ngực trên, tay, chân, vùng da mang bỉm, tã.





Trẻ sơ sinh viêm da do được ủ ấm kỹ trong mùa hè. Ảnh: Shutterstock

Trẻ sơ sinh viêm da do được ủ ấm kỹ trong mùa hè. Ảnh: Shutterstock

Để khắc phục bệnh viêm da ở trẻ sơ sinh, phụ huynh cần hạn chế ủ ấm, tạo điều kiện phòng ngủ thoáng mát, thay quần áo, bỉm thường xuyên. Nếu tuân thủ thực hiện theo cách này từ 3-5 ngày, tình trạng viêm da ở trẻ có thể thuyên giảm.

Bác sĩ Mỹ Hạnh khuyến cáo, người chăm sóc trẻ thường tìm cách chữa trị rôm sảy theo bài thuốc dân gian tắm lá. Việc này có nhiều nguy cơ gây hại cho trẻ hơn do phụ huynh không cân đong đo liều lượng dược liệu, cũng như không kiểm soát nguồn gốc lá. Nếu sử dụng phải đảm bảo lá sạch, không nhiễm hóa chất, thuốc trừ sâu đồng thời cân đối tỷ lệ, liều lượng dược liệu pha chế với nước tắm.

Trẻ sơ sinh không nhất thiết phải tắm mỗi ngày, thời tiết lạnh có thể để 2-3 ngày tắm một lần. Nếu trời nóng, bé có thể tắm mỗi ngày, nhưng nơi tắm bé cần phòng kín, tránh gió lùa. Khi chuẩn bị nước tắm cho trẻ sơ sinh, phụ huynh chỉ cần dùng nước sạch và ấm.

Trong mùa hè nóng bức, nếu trẻ bị rôm sảy, phụ huynh không nên thoa các loại dầu dưỡng ẩm, vì càng bít tuyến mồ hôi. Ngược lại, những em bé chàm khô da, sẽ phải điều trị thoa kem dưỡng ẩm. Bác sĩ Mỹ Hạnh khuyến cáo, tổn thương do nóng hay do chàm da rất khó phân biệt, trẻ cần đi khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác, điều trị kịp thời, tránh nhiễm trùng vì lớp da trẻ sơ rất mỏng manh.

Phúc Thịnh

Trả lời