Vì sao nhiều người nổi mụn trứng cá hậu Covid-19? Leave a comment

Tình trạng nổi mụn trứng cá hậu Covid-19 kéo dài làm ảnh hưởng đến ngoại hình và tâm lý của nhiều người, đặc biệt là phái nữ.

Megha Kamath, 18 tuổi, cho biết, sau vài tuần điều trị khỏi Covid-19 bắt đầu nổi mụn trứng cá. Tình trạng mụn trứng cá ngày càng nghiêm trọng với nhiều mụn bọc, mụn mủ trên mặt và lưng. Trước đó, làn da của Kamath khá khỏe mạnh, hầu như không có khuyết điểm hay mụn.

Trường hợp nổi mụn trứng cá hậu Covid-19 như Megha Kamath không hiếm. Theo một cuộc khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Dynata trên 1.000 phụ nữ ở khắp nước Mỹ, hơn 80% có vấn đề về da sau khi mắc Covid-19. Cứ 4 người thì có một người nói rằng họ bị mụn trứng cá nhiều hơn, đặc biệt những người dưới 25 tuổi.





Nhiều người gặp vấn đề về da sau hậu Covid-19. Ảnh: Atrium Health

Nhiều người gặp vấn đề về da sau hậu Covid-19. Ảnh: Atrium Health

Bác sĩ Joshua Zeichner cho rằng, Covid-19 đã đảo lộn cuộc sống của tất cả mọi người. Những thay đổi trong sinh hoạt hàng ngày, thói quen, chế độ ăn uống, vận động, cũng như tâm lý… đã tác động đến làn da theo một số cách khác nhau. Cũng không loại trừ nguyên nhân làn da bị kích ứng là việc đeo khẩu trang liên tục.

Bên cạnh đó, việc ngồi trước máy tính cả ngày cũng có nghĩa là bệnh nhân chống tay vào cằm hoặc chạm vào mặt thường xuyên hơn. Điều này dẫn đến kích ứng da, gây viêm khiến nổi mụn.

Theo bác sĩ Zeichner, nhiều người bị nổi mụn xuất hiện tâm lý lo lắng, áp dụng các loại thuốc trị mụn khác nhau. Tuy nhiên cần phải biết rõ được nguyên nhân chính xác thì việc điều trị mới đúng cách và hiệu quả. Ví dụ, một số bác sĩ da liễu phải khuyên bệnh nhân ngừng sử dụng thuốc spironolactone vì bệnh nhân nổi mụn không phải do nội tiết tố. Hơn nữa, dữ liệu cho thấy spironolactone có nhiều tác dụng phụ và có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Tâm lý căng thẳng là một trong những nguyên nhân gây mụn. Phản ứng bên trong cơ thể kích hoạt hormone cortisol, khiến tăng tiết dầu trên da dẫn đến các tuyến bã nhờn hoạt động mạnh hơn. Khi các tuyến bã nhờn hoạt động mạnh cùng các tế bào chết và vi khuẩn làm cho lỗ chân lông bí tắc, tạo cơ hội để các vi khuẩn gây mụn P. Acnes tấn công, sinh ra mụn.

Stress còn khiến một số bạn tự tay nặn mụn không kiểm soát, giúp vi khuẩn lây lan nhanh và mụn trầm trọng hơn. Càng xuất hiện mụn họ càng thêm căng thẳng, tạo ra một vòng luẩn quẩn khiến tình trạng mụn kéo dài.

Thực tế, dịch Covid-19 làm cho nhiều người luôn cảm thấy lo lắng, căng thẳng. Theo một cuộc khảo sát do CDC Mỹ và Cục điều tra dân số công bố, cứ 3 người Mỹ thì có một người cảm thấy căng thẳng về sức khỏe và tinh thần.

Theo chuyên gia, căng thẳng luôn ảnh hưởng tiêu cực đến cơ thể. Do đó để việc điều trị mụn trứng cá tốt hơn, bệnh nhân cần bình tĩnh, không nên lo lắng quá về việc bị mụn. Những trường hợp nổi mụn sau Covid-19 sẽ được các bác sĩ điều trị như những ca mụn trứng cá điển hình khác. Do đó, bệnh nhân nên đi khám bác sĩ da liễu để có bước điều trị phù hợp nhất. Tuy nhiên, điều trị mụn trứng cá đòi hỏi sự kiên trì và tuân thủ đúng liệu trình dùng thuốc. Thường khoảng một tháng sau điều trị, bệnh nhân sẽ có dấu hiệu giảm, sau 2-3 tháng, tình trạng da sẽ được cải thiện.

Ngoài ra, bệnh nhân nên điều chỉnh lại chế độ sinh hoạt, tránh ăn quá nhiều thực phẩm chứa tinh bột và đường.

Hoàng Phương (theo Popsugar)

Trả lời