Viêm khớp phản ứng – bệnh thường gặp nhưng khó phát hiện Leave a comment

Viêm khớp phản ứng ít được nhắc đến vì khó nhận dạng, dễ nhầm lẫn với các bệnh về khớp khác, nhưng nếu không điều trị có thể dẫn đến tàn phế.

BS.CKI Nguyễn Tấn Vũ, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình – Hệ thống BVĐK Tâm Anh cho biết, viêm khớp phản ứng là một tình trạng phổ biến nhưng ít được nhắc đến vì khó nhận dạng, dễ nhầm lẫn với các bệnh về khớp khác. Bệnh lý này xảy ra khi hoàn toàn không có chấn thương tại khớp, mà thay vào đó là nhiễm trùng ở những cơ quan khác.

Cụ thể, khi có dấu hiệu nhiễm trùng, cơ thể sẽ tạo ra kháng thể chống lại những vi khuẩn gây ra tình trạng này. Tuy nhiên lúc này, thay vì tấn công các vi khuẩn gây hại ở cơ quan mắc bệnh, kháng thể lại tấn công khớp gây ra phản ứng viêm ở các khớp.





Viêm khớp phản ứng thường gặp ở nam giới hơn phụ nữ. Ảnh: Shutterstock

Viêm khớp phản ứng thường gặp ở nam giới hơn phụ nữ. Ảnh: Shutterstock

Viêm khớp phản ứng là bệnh lý có yếu tố di truyền, liên quan đến gen HLA – B27. Đây là gen có thể làm phát sinh nhiều bệnh lý liên quan đến khớp như viêm khớp phản ứng, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp vảy nến,… Bác sĩ Tấn Vũ cho biết, nếu có gen HLA – B27 bất thường thì những người trong độ tuổi từ 20 – 40, có lối sống tình dục không lành mạnh hoặc thói quen ăn uống không hợp vệ sinh dễ bùng phát bệnh hơn.

Dù viêm khớp phản ứng không có triệu chứng rõ rệt, bệnh có thể được nhận biết thông qua những dấu hiệu như sưng, nóng, đỏ, đau, ở khớp, thường gặp nhất là khớp gối và các khớp chi dưới; viêm điểm bám gân như viêm gân chân, viêm gân achilles; đau mắt, đỏ mắt; phát ban ở da; tiểu đau; sốt, mệt mỏi, giảm cân không rõ nguyên do… Sau khoảng 2 – 4 tuần kể từ khi người bệnh có phản ứng viêm ở một cơ quan nào đó trên cơ thể như đường tiêu hóa, đường sinh dục, đường niệu đạo… thì các dấu hiệu của viêm khớp phản ứng bắt đầu xuất hiện.





Xét nghiệm HLA - B27 là một trong những phương pháp tối ưu để chẩn đoán viêm khớp phản ứng. Ảnh: Shutterstock

Xét nghiệm HLA – B27 là một trong những phương pháp tối ưu để chẩn đoán viêm khớp phản ứng. Ảnh: Shutterstock

Để chẩn đoán bệnh, các bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm máu, kiểm tra dịch khớp, chụp X quang, MRI… Trong trường hợp viêm khớp thường xuyên tái phát nhưng không tìm ra nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định làm xét nghiệm HLA – B27.

Theo bác sĩ Tấn Vũ, may mắn là bệnh lý này không phải một tình trạng mạn tính. Thông thường, viêm khớp phản ứng khởi phát đột ngột, các triệu chứng giảm dần sau 1 – 2 tháng và khỏi hẳn trong vòng 1 năm.

Tuy nhiên, nếu người bệnh chủ quan, không tuân thủ chỉ định của bác sĩ cũng như thay đổi thói quen sống lành mạnh hơn sẽ làm cho bệnh ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày và thậm chí là tàn phế. Đặc biệt, nếu bệnh có khả năng tái phát cao, có nguy cơ chuyển sang mạn tính và phát triển thành bệnh viêm cột sống dính khớp.





Bác sĩ Tấn Vũ tư vấn cho người bệnh. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Bác sĩ Tấn Vũ tư vấn cho người bệnh. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Các loại thuốc được chỉ định điều trị viêm khớp phản ứng bao gồm thuốc kháng viêm không steroid, có tác dụng giảm đau và viêm; hoặc corticosteroid nhằm giảm các triệu chứng viêm và giúp cơ xương khớp hoạt động bình thường. Thuốc có thể được sử dụng dưới dạng uống hoặc tiêm trực tiếp vào gân, khớp… Tùy theo tình trạng bệnh, bác sĩ có thể chỉ định thêm các bài tập vật lý trị liệu phù hợp. Dù rất hiếm gặp, người bệnh có thể cần phải phẫu thuật nếu viêm khớp phản ứng làm xuất hiện các biến chứng hoặc tái phát quá nhiều lần, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Viêm khớp phản ứng là một bệnh lý di truyền với hai nguyên nhân chính làm khởi phát bệnh là nhiễm trùng đường tiêu hóa và nhiễm trùng đường niệu, sinh dục. Do đó, bác sĩ Tấn Vũ khuyến cáo để phòng ngừa viêm khớp phản ứng, người bệnh nên ăn chín uống sôi, rửa tay trước khi ăn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đối với nhiễm trùng đường niệu, sinh dục, người bệnh có thể phòng bệnh bằng cách thực hiện an toàn tình dục, thăm khám bác sĩ ngay khi phát hiện bất thường sau khi quan hệ.

Phi Hồng

Trả lời